Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Tết là thời gian gia đình đoàn tụ, các món ăn bánh chưng, bánh tét, giò chả, thịt, lạp xưởng, bánh kẹo, rượu bia… rất dễ gây đầy bụng khó tiêu. Ngoài ra, uống rượu bia quá đà cũng gây tổn hại rất lớn tới sức khỏe, trong đó dạ dày là bộ phận trực tiếp phải "gánh họa".
Mặt khác, ngày Tết, nhiều người lại ăn không đúng giờ, không thành bữa, thời tiết thay đổi trong những ngày cuối đông đầu xuân cũng là nguyên nhân thuận lợi làm bệnh đau dạ dày phát triển. Ngoài ra, ăn bánh kẹo, trà đặc, thuốc lá, cà phê, các loại nước ngọt có ga... những điều này góp phần thúc đẩy các cơn đau dạ dày xuất hiện, nhất là những người có tiền sử viêm loét dạ dày, hoặc các bệnh lý về dạ dày mạn tính thì sẽ dễ tái phát.
Các nghiên cứu cho thấy, ăn uống không đúng bữa, không điều độ, ăn quá no hoặc quá đói, uống quá nhiều rượu dẫn đến hoạt động co bóp của dạ dày bị ảnh hưởng, dịch vị dạ dày tăng tiết, lớp bảo vệ niêm mạc bị tổn thương dần sẽ dẫn đến viêm dạ dày và gây loét dạ dày. Bên cạnh đó căng thẳng, buồn phiền, tức giận, lo lắng, sợ hãi gây mất cân bằng chức năng cho dạ dày làm dịch vị dạ dày tăng tiết, lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày bị tổn thương, gây loét dạ dày.
Biểu hiện của đau dạ dày
Khi mắc đau dạ dày, triệu chứng phổ biến nhất là cảm giác nóng rát hoặc đau âm ỉ ở thượng vị. Thông thường, cơn đau sẽ dữ dội hơn khi đói, có thể kéo dài trong vài phút đến vài giờ. Cơn đau có thể giảm khi ăn uống hoặc uống thuốc kháng axit.
Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến khác bao gồm: buồn nôn hoặc nôn mửa, đầy hơi, ợ hơi hoặc ợ nóng, mệt mỏi, chán ăn. Bệnh nhân cũng có thể có biểu hiện của xuất huyết tiêu hóa như nôn ra máu tươi hoặc máu màu bã trầu, đại tiện phân đen như hắc ín. Nếu bệnh nhân có bất kỳ dấu hiệu nào nêu trên, cần đi khám tại cơ sở y tế.
Phòng ngừa đau dạ dày vào dịp Tết
Để tránh đau dạ dày cấp tính khởi phát và bệnh đau dạ dày tái phát dịp Tết, chúng ta cần chú ý đến chế độ ăn và sinh hoạt.
Theo nghiên cứu, một chế độ ăn uống lành mạnh ngoài ngăn ngừa loét dạ dày còn có lợi cho đường ruột và sức khỏe tổng thể. Nói chung, nên ăn một chế độ ăn với nhiều trái cây, rau và chất xơ. Có một số thực phẩm có thể tăng cường vi khuẩn khỏe mạnh gồm: súp lơ, bắp cải và củ cải, cải xoăn, dưa cải bắp, sữa chua (có chứa vi sinh lactobacillus và Sacharomyces), táo, việt quất, quả mâm xôi, dâu tây, dầu ô liu. Ngoài ra, vì những người bị loét dạ dày thường bị trào ngược thực quản đi kèm, nên tránh xa thực phẩm cay và chua trong khi ổ loét đang liền sẹo.
Cần hạn chế các thức ăn chiên, xào khó tiêu, nhiều gia vị, dưa, cà, các quả chua… đặc biệt là dưa hành và các loại rau củ quả muối sẽ làm dạ dày tăng tiết axit gây đau dạ dày. Ngoài ra, trong dưa hành và các loại rau củ quả muối còn chứa một lượng lớn muối. Với người bị đau dạ dày, đặc biệt là đau dạ dày do vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) thì thực phẩm muối chua, thực phẩm có chứa nhiều muối sẽ làm cho vi khuẩn HP phát triển nhanh hơn và hoạt động mạnh hơn.
Tránh ăn những thức ăn cứng, cay nhiều gia vị ớt, hạt tiêu... thức ăn quá nóng và quá lạnh, vì ăn nóng quá làm niêm mạc dạ dày sung huyết, lạnh quá làm dạ dày co bóp mạnh hơn dễ gây đau. Dù vui mấy cũng không nên ăn quá no vì làm dạ dày căng to, co bóp yếu, ảnh hưởng đến quá trình nhào trộn tiêu hóa thức ăn.
Để không bị đau dạ dày, ngoài việc ăn uống cần ăn uống điều độ, đúng giờ thì cần phải duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, không thức quá khuya, luyện tập thể dục thể thao hằng ngày…
Hạn chế các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, trà đặc, tuyệt đối không uống rượu bia trong lúc đói hay liên tục suốt những ngày Tết. Rượu, bia không chỉ gây hại đối với dạ dày mà còn "phá hủy" gan, tụy... gây ra các bệnh lý nguy hiểm như viêm gan, xơ gan, viêm tụy cấp…
Khi bị viêm loét dạ dày, ngoài việc dùng thuốc, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng. Người bệnh nên dùng những thức ăn có tính bọc niêm mạc dạ dày, thấm dịch vị như gạo nếp, bột sắn, bánh mì, bánh quy, sữa, lòng trắng trứng. Không để đói, không ăn quá no. Cần ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa cách nhau từ 2-3 giờ. Khi chế biến thức ăn cần nghiền, xay, băm nhỏ, nấu nhừ; tăng cường luộc, hấp, hạn chế xào, rán.
Sau khi ăn không nên tập thể dục, đặc biệt là với người có bệnh dạ dày. Tốt nhất sau bữa ăn bạn nên nghỉ ngơi để thức ăn có thời gian tiêu hóa, dạ dày có sự tập trung để "làm việc". Vì vậy, nếu muốn đi bộ thì hãy chờ 30 phút sau bữa ăn. Người đau dạ dày nên uống trà ấm, nhiệt độ uống tốt là từ 30-32 độ C. Nhiệt độ thấp hơn là lạnh hơn so với dạ dày, dễ gây co thắt mạch máu, ảnh hưởng tới sức khỏe của dạ dày.
Theo VTV
© 2024 | Thời báo ĐỨC