Bác sĩ Rochelle P. Walensky (phải), Giám đốc Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC). Ảnh: A.D.
Bác sĩ Rochelle P. Walensky, Giám đốc Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC), ngày 17/3 nói rằng CDC Mỹ đang tích cực xác định các mối nguy có thể dẫn đến đại dịch tiếp theo và mọi người đang lo ngại đó sẽ là một đại dịch cúm thay vì đại dịch do virus corona gây ra.
"Chúng tôi đang liên tục theo dõi virus cúm. Cúm gia cầm cũng là một trong những mối quan tâm của chúng tôi", bà nói với Zing trong buổi họp báo tại TP.HCM nhân chuyến công tác Việt Nam.
"Chúng tôi cũng tin rằng mối nguy hiểm ở bất kỳ nơi nào cũng là mối nguy cho toàn thế giới và chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau để ngăn chặn các mối nguy trên toàn cầu", bà nói. Giám đốc CDC cũng lưu ý một trong những khía cạnh CDC Mỹ tại Việt Nam quan tâm là mối quan hệ giữa con người và động vật trong việc làm lây lan các dịch bệnh nguy hiểm.
Giám đốc Quốc gia CDC Mỹ tại Việt Nam Eric Dziuban nói rằng một trong những công việc họ thúc đẩy tại Việt Nam là đảm bảo các thông tin được kết nối với nhau.
"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng hệ thống dữ liệu kết nối. (Nói về mối liên hệ giữa bệnh trên người và động vật) nếu chúng ta biết đâu là nơi có người nhiễm virus dại, điều mà không may vẫn xảy ra ở Việt Nam, liên kết chúng với dữ liệu về các ca dại trên động vật, chúng ta có thể phản ứng tốt hơn nếu có dịch bệnh bùng phát hoặc có nguy cơ", ông cho biết.
"Một ví dụ khác là HIV. Nếu chúng ta có hệ thống theo dõi việc lây nhiễm HIV, chúng ta có thể biết khi nào mình cần tăng cường việc phòng ngừa HIV, đưa các chương trình đến được những người đang cần nhất", ông nói.
Trả lời câu hỏi của Zing về các ưu tiên khác của CDC Mỹ tại Việt Nam sau đại dịch, ông Dziuban nói rằng ngoài việc tiếp tục chống lại Covid-19, hai ưu tiên khác mà họ muốn thúc đẩy là chương trình tiêm chủng cho trẻ em và chương trình phòng chống lao.
"Tỷ lệ được tiêm chủng của trẻ em đã sụt giảm tại Việt Nam trong đại dịch do các dịch vụ y tế bị gián đoạn. Chúng tôi đang làm việc cùng Bộ Y tế Việt Nam để đưa tỷ lệ này trở về mức trước đại dịch", ông cho biết. Đối với chương trình phòng chống lao, việc phát hiện các ca nhiễm lao mới và ngăn chặn lây lan là rất khó khăn trong giai đoạn căng thẳng của đại dịch.
"Chúng tôi không thể đưa người bệnh đến khám, và các bệnh viện dành cho lao được sử dụng cho bệnh nhân lao phổi. Vì vậy đây là lúc để nhân đôi nỗ lực trong công cuộc phòng chống lao", ông nói.
"CDC tại Mỹ và CDC Mỹ tại Việt Nam sẽ tiếp tục các công việc dù cho Covid-19 có còn là tình trạng khẩn cấp hay không. Chúng tôi nhận định rằng Covid-19 vẫn ở đây với chúng ta và những ca nhiễm sẽ còn diễn ra...", bà Walensky nói. "Chúng ta không biết được liệu một biến chủng nguy hiểm hơn có xảy đến không".
Công việc của CDC Mỹ tại Việt Nam bắt đầu vào năm 1990 với sự thành lập văn phòng quốc gia tại Việt Nam và sự hỗ trợ của Mỹ đối với Việt Nam trong việc chống lại đại dịch HIV/AIDS. Văn phòng CDC khu vực ASEAN cũng sẽ được đặt tại Hà Nội.
Tại Hà Nội, bà Walensky đã ký với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương Ý định thư về tăng hợp tác trong việc xây dựng mô hình Trung tâm CDC Trung ương tại Việt Nam giữa Bộ Y tế và CDC Mỹ.
Theo Zing
© 2024 | Thời báo ĐỨC