Nhắc đến cung điện, ngày nay chúng ta thường nghĩ đến các tòa lâu đài cổ kính đã bị bỏ hoang từ nhiều năm trước. Thế nhưng thực tế là trong thời kỳ hiện đại, nhiều đất nước vẫn tồn tại chế độ quân chủ và những vị vua, nữ hoàng cùng gia đình hoàng gia thực sự sinh sống trong các tòa cung điện.
Hãy cùng ghé thăm một số nơi ở của quân chủ hoàng gia thế giới hiện nay trên khắp thế giới:
Cung điện Drottningholm ở Stockholm, Thụy Điển
Cung điện Hoàng gia Drottningholm có 600 phòng, là nơi ở thường xuyên của Hoàng gia Thụy Điển kể từ năm 1981. Bên trong nó có 5 bảo tàng và Nhà hát Cung điện Drottningholm, nhà hát thế kỷ 18 duy nhất trên thế giới vẫn sử dụng máy móc nguyên bản. Các phòng phía nam được dành riêng cho gia đình hoàng gia, nhưng phần còn lại của khuôn viên lâu đài mở cửa quanh năm cho khách du lịch tham quan.
Cung điện Amalienborg, Copenhagen, Đan Mạch
Cung điện Amalienborg bao gồm 4 tòa giống nhau được xây dựng theo phong cách kiến trúc Rococo. Quảng trường nằm giữa 4 tòa lâu đài được coi là trung tâm thủ đô Đan Mạch và là biểu tượng du lịch của thành phố. Hiện 1 tòa nhà được sử dụng bởi Nữ hoàng Margrethe II, 1 tòa nhà là nơi ở của gia đình Thái tử Frederick và 2 tòa nhà được dùng như viện bảo tàng, mở cửa cho du khách tham quan.
Cung điện Hoàng tử ở Monaco
Hoàng tử Albert II và vợ Công nương Charlene sống trong Cung điện Hoàng tử, nằm ở trung tâm đất nước tí hon Monaco cùng các con của họ. Tòa lâu đài được xây dựng như một pháo đài vào năm 1162.
Cung điện Hoàng gia ở Madrid, Tây Ban Nha
Cung điện Hoàng gia ở Madrid là một trong những cung điện lớn nhất ở Tây Âu với 3.000 phòng. Đây vốn là nơi ở chính thức của Vua Felipe và Hoàng hậu Letizia nhưng chủ yếu được họ sử dụng để làm việc và đón tiếp khách. Hiện gia đình hoàng gia Tây Ban Nha chủ yếu sống ở Cung điện Zarzuela.
Cung điện Hoàng gia ở Oslo, Na Uy
Cung điện Hoàng gia Na Uy là nơi ở chính thức và văn phòng chính của gia đình hoàng gia kể từ khi Vua Oscar I chuyển đến đó vào năm 1849. Bên trong cung điện có 173 phòng, có mở cửa một phần cho công chúng trong những tháng mùa hè.
Cung điện Hoàng gia ở Tokyo, Nhật Bản
Các Nhật hoàng đã sống trong Hoàng cung ở Tokyo từ năm 1868. Khuôn viên của Cung điện Hoàng gia trải dài 1,3 dặm vuông. Cung điện chỉ mở cửa cho công chúng hai lần một năm để chúc mừng năm mới vào ngày 2 tháng 1 và sinh nhật của Nhật hoàng.
Cung điện Hoàng gia Brussels, Bỉ
Cung điện Hoàng gia hiện tại được xây dựng vào năm 1900. Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde của Bỉ sử dụng Cung điện Hoàng gia Brussels để thực hiện các nhiệm vụ chính thức của họ, nhưng sống trong Lâu đài Hoàng gia Laeken toàn thời gian.
Cung điện Hoàng gia ở Phnom Penh, Campuchia
Cung điện Hoàng gia được xây dựng vào năm 1866 bởi Preah Bat Norodom. Chủ nhân hiện tại của cung điện là Vua Norodom Sihamoni. Chỉ có Phòng ngai vàng của cung điện là mở cửa cho công chúng. Chùa Bạc, nằm liền kề với cung điện, cũng mở cửa cho khách du lịch.
Cung điện Raghadan ở Amman, Jordan
Cung điện Raghadan là một phần của khu phức hợp hoàng gia Al-Maquar được xây dựng vào năm 1926. Các cửa sổ của nó được thiết kế giống với cửa sổ của Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem. Sảnh ngai vàng, thường được dành để chào đón các quan chức, mở cửa cho du khách trong các ngày lễ Eid al-Fitr và Eid al-Adha.
Cung điện Hoàng gia Amsterdam, Hà Lan
Cung điện Hoàng gia Amsterdam có từ thời kỳ Hoàng kim của Hà Lan vào thế kỷ 17. Cung điện được thiết kế bởi Jan van Campen, ban đầu có chức năng là tòa thị chính của Amsterdam. Ngày nay, đó là nơi Vua Willem-Alexander và Hoàng hậu Máxima tiếp đón các vị khách và tổ chức tiệc chiêu đãi. Nó cũng là sảnh tiệc cưới hoàng gia, nơi nhà vua và hoàng hậu tổ chức lễ kỷ niệm sau buổi cưới của họ vào năm 2002.
Cung điện Hoàng gia ở Bangkok, Thái Lan
Được xây dựng vào năm 1782, Grand Palace ở Bangkok, Thái Lan, là nơi ở chính thức của hoàng gia cho đến năm 1925. Một trong những điểm tham quan chính của cung điện là Đền Phật Ngọc có một bức tượng từ thế kỷ 14. Hai ngai vàng ở Tòa Trung tâm cũng mở cửa cho công chúng tham quan.
Nguồn: Insider
© 2024 | Thời báo ĐỨC