Đưa 39 di hài từ Anh về nước phức tạp thế nào?

Một chuyến bay của Boeing 787 có thể chở toàn bộ 39 bình tro cốt từ Anh về nước, nhưng nếu vận chuyển quan tài chứa thi thể thì phải cần tới gần 20 chuyến bay.

132 1 Dua 39 Di Hai Tu Anh Ve Nuoc Phuc Tap The Nao

Hơn 1 tháng sau cái chết của 39 nạn nhân người Việt, các gia đình chỉ biết lập bàn thờ vọng và mong đón di thể người thân về

Liên quan đến việc vận chuyển 39 di hài của nạn nhân tại Anh về nước, Bộ Ngoại giao vừa gửi thông báo chi phí đến 6 địa phương có người tử vong ở Anh là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Hải Dương, Hải Phòng.

Bước đầu, Bộ Ngoại giao cho biết Chính phủ sẽ ứng trước chi phí đưa 39 thi thể về nước rồi các gia đình thanh toán sau. Tuy nhiên, kế hoạch chính thức để đưa các thi hài về nước vẫn chưa được công bố. 

Gia đình nạn nhân không muốn hỏa thiêu

Theo ghi nhận của phóng viên tại Hà Tĩnh, gia đình nạn nhân hầu hết mong muốn đưa thi hài về nước để mai táng thay vì hỏa thiêu ở Anh.

Ông Nguyễn Đình Gia (trú xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), bố của nạn nhân Nguyễn Đình Lượng, cho biết gia đình đã làm đơn đề nghị cơ quan chức năng giúp đỡ, đưa thi hài của con về quê mai táng. "Con chết ở nơi đất khách nên chúng tôi mong đón thi thể cháu hơn là nắm tro", ông Gia nói.

Người cha cho biết theo thông báo từ Bộ Ngoại giao, chi phí đưa thi hài về khoảng hơn 60 triệu đồng, Chính phủ sẽ ứng trước. Ông cho biết gia đình cố gắng xoay xở và mong được các nhà hảo tâm giúp đỡ.

Bố của nạn nhân Võ Văn Linh là ông Võ Văn Bình (58 tuổi, xã Thiên Lộc) cũng chia sẻ mong muốn đưa thi thể con trai về quê mai táng. "Hàng nghìn người đi lao động chứ không riêng gì con tôi. Giờ chỉ mong đón thi thể cháu về. Trường hợp phải nhận tro cốt thay vì thi thể thì cũng đành chấp nhận", ông Bình tâm sự.

Ông Bùi Huy Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Can Lộc, cho biết địa phương vẫn đang chờ Chính phủ hai nước lên kế hoạch cụ thể để đưa các thi thể nạn nhân về nước. "8 gia đình ở Hà Tĩnh mong muốn người thân gặp nạn sớm về quê để mai táng", ông Cường nói.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, chi phí hỏa táng thi thể và vận chuyển lọ tro cốt bằng đường hàng không từ Anh về Việt Nam là 1.370 bảng (hơn 41 triệu đồng), còn chi phí mang thi hài trong quan tài kẽm là 2.208 bảng (hơn 66 triệu đồng).

Thời điểm xảy ra thảm kịch 58 người Trung Quốc chết trong xe container ở Anh (năm 2000), việc thu xếp đưa các thi thể về nước đã kéo dài rất lâu do phía Trung Quốc từ chối trả tiền hồi hương cho các thi thể. Báo The Japan Times cho biết sau 7 tháng tranh cãi, cuối cùng toàn bộ chi phí đưa 58 thi thể về nước được Chính phủ Anh chi trả.

Chuyển thi hài phức tạp hơn tro cốt

Chênh lệch về chi phí chưa phải là trở ngại duy nhất để đưa các thi hài về nước. Khác biệt về kích thước, khối lượng và tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ khiến việc vận chuyển thi hài phức tạp hơn tro cốt rất nhiều.

Chia sẻ với Zing.vn, một chuyên gia trong lĩnh vực vận tải hàng không cho biết thi thể hay tro cốt của người chết được xếp vào loại hàng hóa đặc biệt và phải đặt cách ly với khoang hành lý.

Theo quy định của Bộ Y tế, thi hài khi vận chuyển qua biên giới phải được đặt trong quan tài 3 lớp. Lớp trong bằng kẽm hoặc vật liệu chịu lực, không rò rỉ, có lót chất hút ẩm và được hàn kín. Lớp giữa bằng gỗ và lớp ngoài bằng ván ép. Cơ quan y tế của nước sở tại cũng sẽ kiểm tra chặt chẽ tiêu chuẩn về vệ sinh dịch tễ rồi mới cho vận chuyển về Việt Nam.

Ra đến sân bay, quan tài sẽ được để trong các hầm hàng ở phần bụng trước của máy bay. Với các chuyến bay của Boeing 787, kích cỡ các khoang hàng chỉ chở được tối đa 3 quan tài (có thể chở nhiều hơn nếu thuê chuyến - charter).

 132 2 Dua 39 Di Hai Tu Anh Ve Nuoc Phuc Tap The Nao

Khác với máy bay chở hàng chuyên dụng, mỗi chuyến bay chở khách thương mại chỉ kết hợp chở được 2-3 linh cữu. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Hiện, Vietnam Airlines là hãng hàng không nội duy nhất có 5 chuyến bay thẳng từ Việt Nam đi London mỗi tuần (3 chuyến từ Hà Nội, 2 chuyến từ TP.HCM). Như vậy, nếu bay hết công suất cũng phải mất gần 20 chuyến để đưa 39 thi thể về nước, thời gian vận chuyển sẽ kéo dài trong nhiều tuần.

Theo chuyên gia vận tải hàng không, vận chuyển tro cốt là phương án tiết kiệm và bớt phức tạp hơn. Chi phí hỏa thiêu, hoàn thiện giấy tờ tại Anh là 1.170 bảng, đắt hơn một chút so với chi phí đóng quan tài kẽm (990 bảng). Tuy nhiên, tiền vận chuyển tro cốt bằng máy bay chỉ mất 200 bảng (so với 1.218 bảng nếu vận chuyển quan tài).

Việc vận chuyển tro cốt cũng thuận lợi hơn cho công tác đón tiễn tại sân bay, bởi máy bay có thể chở hết cả 39 bình tro cốt (mỗi bình có kích thước gần bằng vali hành lý) chỉ trong 1 chuyến.

Nhìn chung, vận chuyển tro cốt hoặc thi hài người chết là công việc tế nhị trong ngành hàng không và thường được các hãng bay thực hiện bí mật. 

Có một phương án khác được chuyên gia đề xuất là huy động các máy bay vận tải C-130 của Không quân Hoàng gia Anh. Mỗi chuyến "ngựa thồ" C-130 có thể chở được 15-17 linh cữu. Tuy nhiên, khả năng này còn phụ thuộc vào kế hoạch ngoại giao giữa 2 nước.

Hôm 23/10, cảnh sát Anh tìm thấy 39 thi thể trong xe container tại khu công nghiệp Grays, hạt Essex, đông bắc thủ đô London. Chiếc container được đưa từ Bỉ sang Anh bằng phà từ đêm 22/10.

Hai tuần sau, Bộ Công an Việt Nam và cơ quan thực thi pháp luật của Anh chính thức xác nhận 39 nạn nhân thiệt mạng là người Việt Nam, đồng thời thông tin chi tiết về tên tuổi, quê quán của 39 người này.

Nghệ An là tỉnh có nhiều nạn nhân nhất với 21 người, Hà Tĩnh 10 người, Hải Phòng 3 người, Quảng Bình 3 người, Thừa Thiên - Huế và Hải Dương mỗi tỉnh có một người.

Ngọc Tân

Nguồn: news.zing.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày