Trà bây giờ không còn như xưa, nhiều loại trà hơn xuất hiện. Nhưng chúng vẫn mang phong cách mộc mạc chân thành của chén trà. Ngâm nghi chén trà quây quần bên người yêu thương, nhỏ to tâm sự chuyện đời…
Chuyện là thế này, tôi đã vô tình loanh quanh gần hết khu cư xá Bắc Hải của đất Sài Thành này, các quán cà phê nơi đây mọc nên như nấm. Mỗi quán lại có hương vị và nét riêng của nó, chẳng quán nào giống quán nào. Nhưng cốt cái nét đặc trưng của quán cà phê vẫn là vị đắng đắng nghẹn trong cổ họng. Người ta yêu cà phê phải chăng vì sự đam mê cuồng nhiệt của tuổi trẻ…
Cuối tuần nào cũng cà phê muốn chán, suy nghĩ đó làm tôi nãy giờ vẫn cứ chạy xe theo quán tính mà chưa kiếm được nơi nào để đến. Rồi bỗng dưng tôi thấy một quán nhỏ, với cái tên giản dị “Mộc Trà Quán” (quán nằm trong con hẻm nhỏ gần đại học Huflit ở đường Sư Vạn Hạnh).
Cái cảm giác ngày xưa ấy đang tràn ngập về trong tôi… Nhớ lắm quê nhà của tôi, nhớ lắm… lấy trà làm bạn, khi nắng ấm trời trong, khi trăng thanh gió mát, nhấp chén trà hương, tìm vui thực tại, ưu phiền thế gian cho thoát theo hư không.
Trà từ lâu đã trở thành thứ nước uống thân thuộc của người Việt từ Bắc vào Nam, từ nông thôn tới thành phố, đâu đâu chén trà cũng là để mở đầu câu chuyện.
Quán trà Việt nên thể hiện cách thiết kế, trang trí, nhạc Việt, các loại trà Việt như trà tươi, trà vối, trà hạt hoa cúc, trà mạn ướp hương hoa sen, hoa sói, hoa lài thật, và phong cách uống giản dị trà Việt lấy tự nhiên làm gốc.
Không khắt khe phức tạp, cầu kỳ như trà đạo Nhật Bản, trong trà đạo Việt, chữ đạo được hiểu là con đường, là phong cách uống trà của người Việt.
Trà từ lâu đã trở thành thứ nước uống thân thuộc của người Việt từ Bắc vào Nam, từ nông thôn tới thành phố. (Ảnh: kienthuc.net.vn)
Thưởng thức một chén trà mang phong cách Việt là thưởng thức cả một nét văn hóa Việt. Trong văn hóa ứng xử của người Việt, người nhỏ pha trà mời người lớn, gia chủ pha trà mời khi khách đến chơi.
Pha một ấm trà nóng người ta có thể ngồi trà đàm, nhâm nhi suy ngẫm bàn luận về thế sự. Từ xưa, những tiền nhân sành sỏi nghệ thuật uống trà đã từng nói “nhất thủy – nhì trà – tam bôi – tứ bình – ngũ quần anh” cũng phần nào nói lên được phong cách của trà Việt.
Việt Nam có rất nhiều loại trà khác nhau từ trà xanh, trà khô, trà sen… cho tới những loại trà được cách tân theo nhu cầu và cải tiến xã hội như trà gừng, trà atisô, trà hoa cúc, trà linh chi, trà thảo dược…
Nhưng được yêu thích và dùng phổ biến trong đời sống hàng ngày của người dân Việt vẫn là các loại trà dưới đây:
Thứ nhất là chè xanh, lá trà tươi chỉ việc hái xuống, rửa sạch, vò nhẹ cho vào trong ấm tích, châm nước sôi hãm khoảng 30 phút là có thể dùng được. Muốn cho nước xanh và ngon thơm thì lúc vò chè phải nhẹ tay, chỉ làm cho lá chè dập chứ không nát và khi hãm phải ủ chè cho chín trong những ấm tích được phủ bằng khăn hay đụn rơm.
Trà xanh hay còn gọi là chè xanh, từ lâu đã phổ biến trên khắp các vùng miền Việt Nam. Đâu đâu người ta cũng thấy chè xanh hiện diện, thứ nước uống mà ai ai cũng có thể dùng, vừa để giải khát, giải nhiệt, chống ung thư rất tốt.
Thưởng thức một chén trà mang phong cách Việt là thưởng thức cả một nét văn hóa Việt. (Ảnh: nvbac.com)
Thứ hai là trà khô, cũng là một dạng của chè xanh, khác là chè khô được làm từ những búp non hái trên những đồi chè cao, rồi phơi nắng hay sấy cho khô mới dùng.
Vào những ngày mùa đông lạnh giá, chén trà nóng là người bạn không thể thiếu trong các gia đình của người miền Bắc. Nhiều người nghiền trà khô, uống quanh năm suốt tháng… Đặc biệt khi tết đến xuân về thì hầu như nhà nào cũng có ấm trà khô hãm nước mời khách bên cạnh dĩa mứt gừng hay các loại hạt bí.
Thứ ba là trà sen, một loại trà đại diện của văn hóa trà Việt Nam, trà hái từ những búp non ướp với sen. Ướp trà sen là cả một nghệ thuật tinh tế mới đạt được hương thơm như người làm mong muốn. Có lẽ vì thế mà khi thưởng thức trà sen ta mới cảm nhận được vị chè ngọt mà lại mát, mùi thơm nhẹ nhàng thanh tao. Một ấm trà sen có thể uống nhiều tuần trà mà hương thơm thì vẫn còn đọng lại ngan ngát hương thơm.
Nguồn: Ánh Ngọc/ĐKN
© 2024 | Thời báo ĐỨC