Ảnh: Internet
Tại Anh, quy định thuế tài sản nhà đất có sự phân định rạch ròi mức thuế giữa nhà thứ nhất và nhà thứ hai trở đi.
Cụ thể, đối với nhà thứ nhất ở Anh, mức thuế hiện tại được tính lũy tiến 5 bậc dựa trên giá trị nhà. Với bậc thấp nhất, nhà ở có giá trị dưới 125.000 Bảng Anh sẽ được miễn hoàn toàn thuế, trong khi ở mức cao hơn là từ 125.001 Bảng Anh tới 250.000 Bảng Anh, thuế suất cũng rất nhẹ, chỉ 2%.
Theo số liệu từ chính phủ Anh, đa số hộ gia đình Anh hiện sở hữu một nhà ở trị giá dưới 250.000 Bảng nên với số đông, mức thuế chỉ khoảng 0-2%. Các bậc thuế tiếp theo từ 5-12% chủ yếu đánh vào tầng lớp từ thu nhập trung bình khá tới nhóm siêu giàu tại Anh.
Với căn nhà thứ 2 có trị giá trên 40.000 Bảng Anh, thuế phải đóng là 3%. Anh cũng áp thuế 7,5% đối với nhà, đất bỏ trống từ 2 năm trở lên.
Tại Mỹ, người sở hữu nhà kể từ khi bắt đầu sở hữu, phải đóng thuế đất cho địa phương. Việc đánh thuế bất động sản này do các tiểu bang quy định.
Đơn cử tại một số quận tại tiểu bang New York, mức thuế đất được áp dụng lên tới hơn 3%. Đây cũng là khu vực có giá bất động sản cao khiến tiền thuế đất nộp hàng năm của quận thuộc hạng cao ngất ngưởng. Trong khi ở nhiều khu vực, thuế suất thuế tài sản dưới 0,5%.
Khoản thuế bất động sản này được nhiều địa phương ở Mỹ coi là nguồn thu chính cho ngân sách dùng để chi phí cho trường học, bệnh viện, công viên, xây dựng đường sá…
Trong khi đó, tại nhiều quốc gia ở Đông Nam Á, thuế tài sản nhà đất khá dễ chịu khiến khu vực này được coi là thiên đường cho giới đầu tư bất động sản.
Đơn cử như Lào đang sở hữu một bảng thuế chi tiết, đặc biệt với thuế nhà đất. Cụ thể, Cục thuế sẽ phân loại mục đích sử dụng (công nghiệp, nông nghiệp, thương mại…), vị trí (ngoại ô, nội thành…) để tính mức thuế phải đóng trên từng mét vuông. Loại thuế này thay đổi theo năm nhưng ở mức rất thấp. Nhiều tập đoàn tư vấn tài chính quốc tế đều cho rằng đây là quốc gia đáng để đầu tư bất động sản.
Riêng với thuế tài sản trên đất như nhà ở, các cơ sở hạ tầng, mức thuế giá trị lợi tức gia tăng dao động từ 0-24%, tùy vào mục đích sử dụng như nơi cư trú, kinh doanh hay từ thiện.
Trong khi đó, tại Campuchia, mức thuế dành cho mọi công trình xây dựng, nhà ở, cao ốc có giá trị trên 100 triệu KhR (24.900 USD) là 0,1%. Bên cạnh đó, các loại thủ tục và chi phí chuyển đổi bất động sản của Campuchia cũng rất dễ dàng.
Tại Việt Nam, trong dự luật Thuế Tài sản được công bố mới đây, Bộ Tài chính đưa ra phương án đánh thuế 0,4% đối với nhà ở trị giá hơn 700 triệu đồng.
Cụ thể, Bộ Tài chính đưa ra phương án nhà ở hơn 700 triệu đồng hoặc hơn 1 tỷ đồng phải chịu thuế, mức thuế là 0,3% hoặc 0,4% phần giá trị vượt hơn “mức sàn” đó. Song, Bộ nghiêng về phương án chọn “mức sàn” để đánh thuế là 700 triệu đồng, còn thuế suất thì Bộ chọn mức trần, tức 0,4%.
Đề xuất đánh thuế tài sản trên của Bộ Tài chính đang vấp phải sự phản ứng dữ dội từ dư luận do nó các tác động tới nhiều người. Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), đây là sắc thuế đã được áp dụng hiệu quả tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, nếu áp dụng tại Việt Nam, dự luật thuế này có nguy cơ dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế và gây áp lực đến hoàn cảnh sống thực tế còn nhiều khó khăn của người dân.
Ông Đính cho rằng, giá nhà của Việt Nam hiện cao ngang ngửa nhiều nước trên thế giới nhưng thu nhập của người dân lại thấp hơn các nước khác rất nhiều. Nhiều người dân chủ yếu sử dụng tiền đi vay để mua nhà ở. Do đó, nếu áp dụng thuế tài sản với mức thuế quá cao sẽ gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân và sự phát triển của thị trường bất động sản.
Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tính minh bạch trong việc tăng thuế và chi tiêu ngân sách của Nhà nước là vấn đề chính khiến người dân luôn có những phản ứng tiêu cực trước những quyết định tăng thuế của Bộ Tài chính.
Nguồn: Nguyễn Trang/ĐKN
© 2024 | Thời báo ĐỨC