Ngày 20/12/1980, Jean Hilliard, cô gái 19 tuổi đến từ Lengby, Minnesota, Mỹ, khi đang trên đường lái xe trở về nhà thì bất ngờ chiếc xe gặp tai nạn, chết máy giữa đường. Trong tiết trời đông lạnh giá với nhiệt độ hạ xuống đến -30 độ C, không có điện thoại liên lạc, không một ai giúp đỡ, Jean chẳng còn cách nào khác là phải tự thân vận động để thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn ấy.
Chiếc xe bị hỏng giữa đường buộc cô gái trẻ phải đi bộ trong thời tiết -30 độ C để tìm sự giúp đỡ.
Bất chợt nghĩ đến một người bạn có nhà cách đó khoảng 2 dặm đường, Jean quyết định đi bộ đến nhà anh ta tìm sự trợ giúp. Càng về đêm, cái lạnh càng thấu vào xương. Đến khoảng 1 giờ sáng, cuối cùng Jean đã nhìn thấy được căn nhà với ánh đèn lấp ló sau rặng cây. Nhưng rồi mọi thứ bỗng tối sầm lại trước mắt Jean và cô không hề nhớ được bất cứ thứ gì xảy ra sau đó.
Sau này Jean được nghe kể lại rằng khi cô đến được sân nhà anh bạn, cô đã ngã quỵ xuống đất nhưng vẫn cố hết sức bò dần đến cửa. Khi chỉ cách cánh cửa nhà khoảng 4 mét, Jean đã bất tỉnh. Trong suốt 6 tiếng tiếp theo, cô đã bị đóng băng giữa màn tuyết lạnh giá và chỉ được anh bạn phát hiện ra vào 7 giờ sáng hôm sau.
Khi được phát hiện, toàn thân Jean đã bị đóng băng cứng đờ với đôi mắt mở trừng trừng vô hồn. (Hình ảnh được dựng lại)
Thời điểm người bạn nhìn thấy Jean, anh ta đã vô cùng hốt hoảng khi toàn bộ cơ thể cô đã đông cứng như đá, khuôn mặt tím tái và đôi mắt mở trừng trừng vô hồn. Ban đầu người bạn còn nghĩ Jean đã chết nhưng ngay khi phát hiện ở mũi của cô thổi ra vài chiếc bong bóng nhỏ, anh vội vàng đưa cô vào bệnh viện Fosston cấp cứu.
Khi được đưa đến bệnh viện, Jean hoàn toàn không có dấu hiệu của sự sống. Mí mắt của cô bị đông cứng, nhãn cầu không có phản ứng với ánh sáng. Mạch đập của Jean yếu ớt đến mức thiết bị y tế không thể dò ra được. Bác sĩ cấp cứu cho hay làn da của Jean cũng đã bị đông đá đến kim tiêm cũng không cách nào xuyên qua. Tất cả mọi người đều cho rằng Jean đã chết hoặc đã bước chân đến cửa tử, việc cô ra đi chỉ còn là chuyện sớm muộn chứ không có hy vọng cứu sống.
Sau 2 tiếng vào bệnh viện, Jean đã “rã đông” trong sự kinh ngạc tột độ của bác sĩ.
Vậy mà bằng một phép màu nhiệm nào đó, khoảng 2 giờ được đưa đến phòng cấp cứu, cơ thể của Jean bắt đầu “rã đông” dần dần. Jean đã lấy lại được ý thức, tay chân cử động được từng chút một, mặc dù cô chẳng hề nhớ chuyện gì đã xảy ra với mình. Những vết bỏng lạnh cũng dần biến mất khỏi chân Jean trong sự kinh ngạc tột độ của các bác sĩ.
Sau khoảng 49 ngày được điều trị trong bệnh viện, Jean đã xuất viện một cách khỏe mạnh, không gặp phải bất cứ tổn thương nào lâu dài về cả tinh thần lẫn thể chất. Sự phục hồi lạ thường của Jean đã làm cho giới y học tròn mắt kinh ngạc và phải gật gù công nhận đây là trường hợp hy hữu, là một điều kỳ diệu mà họ không thể giải thích nổi.
Bản thân Jean không thể nhớ được chuyện gì đã xảy ra và cũng không nghĩ mình có thể hồi sinh một cách kỳ diệu đến thế.
Một giả thiết được đưa ra cho rằng do trước khi bị đông đá, Jean đã uống rượu và nhờ lượng cồn tích tụ trong cơ thể đã giữ cho nội tạng của Jean không bị đóng băng và vì thế đã giúp cô tránh được cái kết thảm thương. Trong khi đó, David Plummer, một giáo sư y khoa của đại học Minnesota đưa ra giả thuyết khác về sự phục hồi như phép màu của Jean Hilliard.
Theo ông, khi thân nhiệt của một người hạ xuống, máu lưu thông trong người cũng chậm lại, đòi hỏi ít oxy hơn, giống như một hình thức ngủ đông.
Nếu như lưu lượng máu của họ tăng dần theo tốc độ ấm lên của cơ thể, họ có thể tìm lại được sự sống giống như Jean vậy. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa ai chứng minh được điều này và hàng thập kỷ qua, câu chuyện về cô gái “tự rã đông” vẫn là một bí ẩn đối với ngành y học.
Theo: trithuctre
© 2024 | Thời báo ĐỨC