5 bệnh có tốc độ lây lan từ người sang người nhanh

Sởi, Rubella, thủy đậu, ho gà, cúm có tốc độ lây lan nhanh, từng gây ra đại dịch, do đó cần chủ động phòng ngừa khi thời tiết thay đổi.

Trong ba tháng đầu năm, Bộ Y tế ghi nhận nhiều ca mắc thủy đậu, ho gà, sởi... trên toàn quốc, do đó cảnh báo các địa phương tăng giám sát ổ dịch, rà soát, tăng tiêm chủng vaccine. Những người dân chưa tiêm phòng hoặc chưa có miễn dịch, phụ nữ trong tuổi sinh nở cũng được khuyến cáo phòng ngừa.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, phân tích cơ chế lây lan mạnh của các bệnh nói trên trong bối cảnh thời tiết giao mùa và cách phòng ngừa chủ động.

Sởi

Sởi do virus Polinosa Morbillarum gây ra, dễ lây lan qua ho, hắt hơi và tiếp xúc gần gũi. Virus có thể tồn tại hai giờ trong không khí và trên các bề mặt. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, một người mắc sởi lây nhiễm cho 12-18 người; cứ 10 người chưa tiêm vaccine hoặc chưa từng mắc sởi, sẽ có 9 người mắc bệnh.

1 5 Benh Co Toc Do Lay Lan Tu Nguoi Sang Nguoi Nhanh

Sởi, Rubella, thủy đậu, ho gà, cúm có tốc độ lây lan rất nhanh, đặc biệt ở nơi đông người. Ảnh: Telegraph

Năm 2022, sởi lây nhiễm khoảng 9 triệu người và giết chết hơn 136.000 người trên thế giới, diễn biến thành dịch tại 37 quốc gia. Trước đó, năm 2019, số ca mắc sởi tăng mạnh trên toàn cầu với gần 870.000 trường hợp, khiến hơn 207.500 người chết.

Sởi khiến 2,6 triệu ca tử vong mỗi năm khi vaccine chưa sử dụng rộng rãi. Từ năm 1963, khi có vaccine sởi, hơn 56 triệu người đã được phòng ngừa, tương đương 7.000 người/ngày (năm 2000-2021).

Hiện vaccine sởi có nhiều loại, mũi sởi đơn tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi; mũi kết hợp ngừa sởi - rubella cho trẻ từ 12 tháng; loại phòng sởi - quai bị - rubella cho trẻ từ 9 hoặc 12 tháng tuổi tùy theo từng loại. Vaccine hiệu quả đến 97% khi tiêm đủ hai mũi.

Rubella

Rubella (sởi Đức) lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bệnh hoặc dịch tiết mũi họng. Virus dễ lây nhiễm từ 7 ngày trước cho đến 7 ngày sau khi phát ban. Khoảng 25-50% người bệnh không phát ban hoặc không có triệu chứng, nhưng vẫn có thể lây cho người khác.

Nghiên cứu mô tả dịch tễ học bệnh được thực hiện tại Việt Nam trong giai đoạn 2008-2012 cho thấy, Rubella lưu hành theo chu kỳ và gây dịch trên toàn quốc vào năm 2011. Đã có 10.491 ca mắc trong 5 năm từ 2008-2012, tương đương tỷ lệ trung bình mỗi năm là 2,4/100.000 dân. Bệnh phổ biến vào tháng 2 đến tháng 4.

Mẹ bầu cũng có thể truyền Rubella cho thai nhi qua đường máu. Nếu thai phụ mắc Rubella vào tháng đầu của thai kỳ, tỷ lệ lây nhiễm cho thai nhi là 81-90%. Tỷ lệ là 60-70% ở tháng 2. Tháng thứ 3, tỷ lệ lây 35-50%. Khi thai được 13-16 tuần, tỷ lệ lây là 17%. Đến mốc 17-20 tuần, tỷ lệ lây giảm còn 5%.

Bệnh gây viêm não và dị tật cho thai nhi. Theo thống kê, trước khi có vaccine, cứ 4/1000 trẻ đẻ sống bị hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS). Mỗi ngày, thế giới có 492 trẻ bị CRS, Việt Nam có hơn 8 trẻ bị CRS do Rubella. Người lớn bị nhiễm bệnh, phổ biến hơn là phụ nữ, có thể bị viêm khớp và các khớp đau thường kéo dài từ 3-10 ngày.

Nhờ có vaccine, số người bệnh giảm đáng kể trên thế giới, tại Mỹ chưa đến 10 người mắc Rubella mỗi năm. Theo nghiên cứu tại Mỹ, năm 2009, vaccine sởi - quai bị - rubella giúp tránh được 32% bệnh tật và 68% tử vong, giảm điều trị, gánh nặng y tế cho người dân.

Thủy đậu

Thủy đậu do virus Varicella Zoster, lây truyền trực tiếp qua các dịch tiết ở các tổn thương da, dịch tiết mũi họng hoặc gián tiếp qua các bề mặt tiếp xúc.

Theo các chuyên gia, ở cộng đồng chưa có miễn dịch, tỷ lệ lây nhiễm thủy đậu giữa người bệnh và người lành trong gia đình khoảng 87%, tỷ lệ lây nhiễm ở bệnh viện khoảng 70%. Một người bị thủy đậu có thể lây cho 8-12 người chưa tiêm vaccine. Virus có khả năng lây truyền 48 giờ trước khi mụn nước xuất hiện, kéo dài đến khi mụn nước đóng vảy 4-7 ngày.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trước khi có vaccine mỗi năm thế giới có khoảng 140 triệu ca mắc, 4,2 triệu ca biến chứng và 4.200 ca tử vong do thủy đậu.

Hiện nhiều người vẫn tin rằng thủy đậu chỉ gây các nốt mụn nước, kéo dài khoảng một tuần và không có biến chứng. Ngược lại, nếu không theo dõi, điều trị đúng cách, thủy đậu có thể gây các biến chứng nghiêm trọng như: nhiễm trùng da, viêm tai, viêm thanh quản, viêm phổi, viêm thận cấp... thậm chí tử vong.

Vaccine là cách phòng bệnh hiệu quả, đơn giản nhất. Trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn cần tiêm hai mũi ngừa thủy đậu, hiệu quả 98%.

2 5 Benh Co Toc Do Lay Lan Tu Nguoi Sang Nguoi Nhanh

Cúm mùa có tốc độ lây lan qua đường hô hấp rất nhanh. Ảnh: PhotoAC

Ho gà

Ho gà có tính lây truyền rất cao ngay sau khi bị phơi nhiễm với giọt bắn, dịch tiết đường hô hấp của bệnh nhân, đặc biệt những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín, lâu dài như hộ gia đình, trường học... Theo Cục Y tế dự phòng, tỷ lệ lây nhiễm của người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân trong cùng gia đình từ 90-100% và lây lan mạnh nhất khoảng 2 tuần từ khi bắt đầu ho.

Theo WHO, các đợt dịch ho gà thường xảy ra theo chu kỳ 2 đến 5 năm. Đợt dịch ho gà năm 2014, trên toàn cầu ước tính có 24,1 triệu ca, trong đó 160.700 ca tử vong ở trẻ dưới 6 tuổi.

Bệnh ho gà không phải bệnh hô hấp đơn thuần khi có thể dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng bội nhiễm (viêm phổi, viêm tai giữa); suy hô hấp (do ngừng thở, viêm phổi hoặc tăng áp phổi), suy tuần hoàn; tăng áp lực động mạch phổi; tử vong.

Các nghiên cứu chỉ ra vaccine hiệu quả bảo vệ khỏi ho gà đến 98% khi chủng ngừa đúng lịch và đủ mũi. Hiện, vaccine có thành phần ho gà gồm loại phối hợp như 5 trong 1 và 6 trong 1, tiêm cho trẻ từ 2 tháng đến 24 tháng tuổi với phác đồ 4 mũi. Cơ sở tiêm chủng dịch vụ có loại phối hợp 3 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, tiêm được cho thai phụ; loại phối hợp 4 trong 1 phòng thêm bại liệt, chỉ định cho trẻ từ 2 tháng đến 13 tuổi.

Mũi tiêm chứa thành phần ho gà cần nhắc lại khi trẻ 4-6 và 9-15 tuổi. Người lớn cần nhắc lại sau mỗi 10 năm để duy trì hiệu quả miễn dịch phòng bệnh ho gà lâu dài.

Cúm

Cách đây một thế kỷ, đại dịch cúm Tây Ban Nha đã lây nhiễm cho khoảng nửa tỷ người và giết chết 50 - 100 triệu người trên toàn thế giới, nhiều hơn nhiều lần so với Thế chiến I. Năm 2009, Việt Nam ghi nhận dịch cúm A/H1N1 lớn, với 11.104 ca dương tính, 53 người tử vong.

Cúm dễ mắc, dễ lây và có thể hình thành các chùm ca bệnh và các ổ dịch bệnh nhỏ. Trường hợp virus cúm A có các đột biến gen nên có nguy cơ gây dịch lớn rất cao. Với đường lây đa dạng, người bị cúm có thể lây virus cho người lành qua dịch tiết đường hô hấp từ khoảng cách xa đến 2 m. Ngoài ra, virus cúm có thể tồn tại từ 1-2 ngày trong môi trường nhiệt độ thường. Đặc biệt, trong môi trường ẩm, lạnh thì virus có thể tồn tại lâu hơn.

Thông thường, bệnh nhân mắc cúm mùa có thể hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, những người có miễn dịch yếu sẽ có nguy cơ cao gặp các biến chứng nguy hiểm.

Đối với trẻ em, cúm mùa tăng gấp 8 lần nguy cơ viêm phổi. Ngoài ra, mắc cúm còn có thể dẫn tới những biến chứng khác như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm cơ tim cấp, viêm não cấp... tử vong. Theo thống kê, khoảng 28.000-111.500 trẻ em tử vong có liên quan đến cúm mùa.

Đối với người cao tuổi, nhiễm cúm làm suy giảm chức năng hoặc khiến họ không thể phục hồi hoàn toàn thể trạng trước đó. Cúm còn gây ảnh hưởng gián tiếp đến hệ thống đa cơ quan, khiến họ đối diện với nguy cơ đột quỵ gấp 8 lần và tăng gấp 10 lần nguy cơ nhồi máu cơ tim trong một tuần sau nhiễm cúm. Do đó, mọi người cần duy trì tiêm cúm hàng năm, đặc biệt trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người có bệnh nền.

Mộc Thảo

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày