Ngày 7/4, đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, tháng 3 vừa qua, nơi đây đã tiếp nhận 2 thai phụ vào viện đều với tình trạng đau bụng thượng vị tăng dần, kèm sốt và buồn nôn.
Kết quả xét nghiệm của các bệnh nhân dương tính với bệnh sán lá gan lớn. Hình ảnh siêu âm cho thấy có ổ áp xe ở gan kích thước ở cả 2 thai phụ.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM tiếp nhận hàng trăm ca bị áp xe gan do sán lá gan lớn trong 3 tháng đầu năm (Ảnh: BV).
172 người nhiễm sán lá gan lớn vì thói quen ăn rau sống
Xác định đây là 2 ca bệnh phức tạp, khó xử trí và điều trị, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã hội chẩn toàn viện và liên viện chuyên khoa Ngoại, Sản để có giải pháp can thiệp tốt nhất cho thai phụ.
Qua hội chẩn chuyên môn và tư vấn với bệnh nhân kỹ càng về các biện pháp can thiệp, 2 thai phụ đã được điều trị bằng thuốc trị giun sán Triclabendazole, cũng như theo dõi sát diễn biến lâm sàng, tình trạng thai. Sau 1 tuần nằm viện, bệnh nhân hết sốt, hết đau bụng và được xuất viện hẹn theo dõi ngoại trú.
Phía bệnh viện cho biết, các thai phụ trên chỉ là hai trong số 172 bệnh nhân bị áp xe gan do sán lá gan lớn mà nơi này tiếp nhận trong 3 tháng đầu năm. Thống kê cho thấy, trong tổng số các bệnh nhân kể trên, có 68% số ca là nữ, với độ tuổi trung bình là 40.
Bệnh nhân bị áp xe gan đến từ 24 tỉnh thành (từ Quảng Ngãi trở vào Nam), bao gồm 44 trường hợp sống tại TPHCM. Trong đó, có 23 ca bệnh phức tạp phải nhập viện nội trú, 2 trường hợp là thai phụ. 3 trường hợp bệnh diễn tiến nặng, nhập viện trễ, nguy cơ áp xe vỡ, cần phối hợp với chuyên khoa ngoại. Đáng chú ý, toàn bộ bệnh nhân đều có thói quen ăn rau sống.
Sán lá gan (Ảnh: BV).
Bác sĩ Đào Bách Khoa, Trưởng khoa Nhiễm A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chia sẻ, bệnh nhiễm sán lá gan lớn vẫn còn là một vấn đề sức khỏe trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam là một vùng dịch tễ của sán lá gan lớn. Hiện nay, số ca bệnh do sán lá gan lớn đã được ghi nhận ở 47 trên 63 tỉnh thành Việt Nam. Địa phương gặp nhiều nhất là các tỉnh ở vùng duyên hải miền Trung, như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định…
Sán lá gan lớn gây bệnh cho người có 2 loại: Fasciola hepatica và Fasciola gigantica. Sán lá gan lớn ký sinh, sinh sản và trưởng thành ở động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu được thải qua phân ra môi trường bên ngoài. Người mắc bệnh do ăn sống các loại rau mọc dưới nước (như rau nhút, rau ngổ, rau cần, cải xoong,…) hoặc uống nước chưa nấu chín có nhiễm ấu trùng sán. Bệnh cảnh quan trọng của nhiễm sán lá gan lớn là áp xe gan (tế bào gan bị tổn thương tạo thành ổ mủ).
Ai có thể mắc bệnh?
Bác sĩ cho biết, những người có thói quen ăn rau sống không rửa kỹ, sinh sống hoặc lui tới các tỉnh thành của vùng duyên hải miền Trung là đối tượng nguy cơ nhiễm bệnh sán lá gan lớn. Tuy nhiên với 172 trường hợp bệnh sống ở nhiều tỉnh thành vừa qua, cho thấy yếu tố địa phương không còn tập trung như trước đây.
Do đó, người dân cần chú ý đến các cơ sở y tế để được thăm khám, thực hiện các xét nghiệm máu, siêu âm bụng, khi có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh, như sốt nhẹ, đau bụng hạ sườn phải, lan sang thượng vị hoặc sau lưng.
Hình ảnh sán lá gan lớn qua siêu âm (Ảnh: BV).
Việc điều trị bệnh sẽ được cá thể hóa tùy vào tình trạng nặng, nhẹ của bệnh. Với thể bệnh nhẹ, bệnh nhân sẽ được điều trị thuốc uống đặc trị sán lá gan lớn là Triclabendazole hiệu quả với liều duy nhất. Với thể bệnh nặng, tùy vào diễn tiến cụ thể, bệnh nhân có thể được lặp lại 1 liều thuốc đặc trị, hoặc sử dụng thêm kháng sinh nếu nghi ngờ bội nhiễm vi trùng.
Ngoài ra, ở những trường hợp đặc biệt như thai phụ, ổ áp xe lớn dọa vỡ… cần can thiệp phẫu thuật, việc hội chẩn nhiều chuyên khoa (ngoại khoa, sản khoa) được đặt ra để tối ưu điều trị cho bệnh nhân.
Bác sĩ cảnh báo, bệnh sán lá gan lớn không có vaccine, các thuốc dự phòng giun sán trên thị trường hiện nay cũng không có tác dụng với loại sán lớn này. Vì thế, không uống nước lã hoặc ăn rau sống mọc dưới nước là các biện pháp hữu hiệu để phòng tránh bệnh.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC