Nhóm tin tặc quốc tế nổi tiếng Anonymous chính thức tuyên bố phát động chiến tranh mạng chống Nga (Ảnh: Hk01).
Cho đến nay cả hai bên Nga và Ukraine đều bị tấn công mạng và đều cảnh báo tình hình có thể leo thang. Nhưng một cuộc chiến tranh kỹ thuật số cũng đang diễn ra theo nhiều cách khác - từ việc liệu các công ty công nghệ có nên chặn nội dung đối với Nga, đến kiểm duyệt mạng, sự lan truyền các thông tin sai lệch và sự gián đoạn mạng internet của Ukraine khi bị tên lửa tấn công.
Nhóm hacker quốc tế khét tiếng Anonymous đã tuyên chiến với chính phủ Nga
Những tuyên bố mạnh mẽ của nhóm này khiến một số người tỏ ý hoài nghi - nhưng Anonymous được cho là đã tấn công kênh truyền hình nhà nước Nga để phát đi các nội dung ủng hộ Ukraine, thậm chí trang web Kremlin.ru của Chính phủ Nga cũng bị đánh sập.
Sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, một tài khoản Twitter được cho là của nhóm "Anonymous" đã đăng thông tin các tin tặc toàn cầu đã được tập hợp để thực hiện một cuộc tấn công mạng nhằm vào Nga. Tài khoản này có 7,4 triệu người theo dõi và đã đăng gần 190.000 bản tweet.
Trang web của đài truyền hình Nga RT bị nhóm Anonymous tấn công (Ảnh: Sputnik).
Tài khoản này đã tweet vào ngày 24/2: "Tổ chức toàn cầu được kết nối lỏng lẻo này đã chuẩn bị phát động một cuộc tấn công mạng chống Nga và chúng tôi sẽ đăng tải lại thành quả của những nỗ lực của họ".
Vài ngày sau, tài khoản này đã lên tiếng nhận trách nhiệm về việc đánh sập các trang web của nhiều cơ quan chính phủ Nga và Belarus, bao gồm tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Gazprom của Nga, đài truyền hình nhà nước Nga Russia Today (RT) và Điện Kremlin.
Trong một số tweet sau đó, tài khoản này cho biết họ đã làm gián đoạn các nhà cung cấp dịch vụ internet của Nga, làm rò rỉ tài liệu và email từ nhà sản xuất vũ khí Belarus, đồng thời đóng cửa cung cấp khí đốt cho hãng dịch vụ viễn thông Nga Tvingo Telecom.
Tài khoản này còn tuyên bố: "Tổ chức Anonymous tiếp tục làm tê liệt các trang web của chính phủ Nga, truyền tải đến người dân Nga những thông tin chưa bị chính quyền Putin kiểm duyệt. Chúng tôi cũng sẽ làm mọi cách để đảm bảo rằng người dân Ukraine có thể tiếp tục vào mạng."
Theo trang web của Kênh Kinh doanh và Tin tức Người tiêu dùng Mỹ (CNBC), nhiều trang web chính thức được "Anonymous" đề cập đến đã bị tấn công đã thực sự bị tê liệt hoặc gần đây đã ngừng hoạt động.
Một số bản tweet có nội dung chống Nga của nhóm Anonymous
Ngày 28/2, đài truyền hình RT xác nhận trang web của họ và trang web của điện Kremlin đã bị tê liệt vì bị "Anonymous" tấn công hôm thứ Sáu (25/2). "Anonymous" cũng đã tiến hành tấn công các cơ quan truyền thông khác của Nga và Belarus vào ngày 28/2, và thay thế giao diện trang chủ của họ với dòng chữ "Stop the war” (Chấm dứt chiến tranh).
Vào tuần trước Anonymous đã tweet để nhắc lại rằng nhóm này không nhắm mục tiêu vào tất cả các trang web hoặc cá nhân ở Nga.
Tài khoản này cũng tuyên bố rằng đây không phải là tài khoản chính thức của Anonymous, "Chúng tôi đang tiến hành một hoạt động đề kháng phi tập trung và không có tài khoản Anonymous chính thức". "Anonymous là tập hợp những người thuộc tầng lớp lao động hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại. Các nguyên tắc đã được họ đồng thuận là: tự do thông tin, tự do ngôn luận, trách nhiệm giải trình của công ty và chính phủ, tôn trọng quyền riêng tư của cá nhân và sự ẩn danh."
Người dân sử dụng điện thoại của họ để chống chiến tranh trên đường phố Ukraine (Ảnh: manyushijia).
Ukraine cũng bị tấn công mạng dữ dội
Phía Ukraine cũng bị tin tặc tấn công, các trang web của chính phủ bị tấn công từ chối dịch vụ và một thứ dường như ransomware (phần mềm tống tiền) xuất hiện nhưng không thể khôi phục được dữ liệu.
Microsoft cho biết phần mềm độc hại "Wiper" có tính chất phá hoại và được thiết kế để khiến các thiết bị được nhắm mục tiêu không thể hoạt động - đã được tìm thấy trên hàng chục hệ thống máy tính thuộc các cơ quan chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận và lĩnh vực công nghệ thông tin của Ukraine.
Hãng tin Anh Reuters đưa tin, các quan chức Ukraine cáo buộc rằng một hoạt động gián điệp mạng từ Belarus đã nhắm vào các tài khoản email cá nhân của quân đội Ukraine đóng ở Kiev.
Bộ trưởng Thương mại Vương quốc Anh Kwasi Kwarteng được cho là sẽ hội đàm với bà Paula Rosput Reynolds, Chủ tịch Hội đồng Quản trị mạng lưới điện quốc gia National Grid trong bối cảnh lo ngại về làn sóng tấn công do các tin tặc được chính phủ Nga hậu thuẫn tiến hành.
Trung tâm An ninh mạng Quốc gia của Mỹ (National Cyber Security Centre) đã kêu gọi các cơ quan tăng cường khả năng phòng thủ mạng của họ.
Tuy nhiên, Ciaran Martin, người đứng đầu trước đây của trung tâm này, nói với The Guardian rằng, cho đến nay internet chỉ đóng một vai trò "rất nhỏ" trong cuộc xung đột.
Truy cập Internet có thể bị gián đoạn trong bất kỳ cuộc xung đột nào, vì bom và tên lửa có thể làm hỏng mạng và các thiết bị.
Theo NetBlocks, tổ chức chuyên giám sát theo dõi an ninh mạng và quản trị Internet quốc tế, cuộc giao tranh khốc liệt ở thành phố Kharkov đã tàn phá nghiêm trọng hạ tầng mạng, khiến kết nối với GigaTrans, nhà cung cấp internet chính của Ukraine, giảm xuống dưới 20% mức bình thường.
Tỷ phú Elon Musk tuyên bố dùng hệ thống vệ tinh Starlink để hỗ trợ kết nối internet cho người Ukraine (Ảnh: manyushijia).
Tỷ phú người Mỹ Elon Musk, kỹ sư, nhà tài phiệt, nhà phát minh, doanh nhân công nghệ và nhà từ thiện, ông chủ của các tập đoàn SpaceX và Tesla đã nhanh chóng hưởng ứng lời kêu gọi giúp đỡ bằng việc mở dịch vụ internet băng thông rộng vệ tinh Starlink của ông tại Ukraine. Vào thứ Hai (28/2), Bộ trưởng chuyển đổi kỹ thuật số của Ukraine, ông Mykhailo Fedorov, xác nhận quốc gia này đã nhận được các thiết bị đầu cuối quan trọng cần thiết để hệ thống này hoạt động.
NetBlocks trao đổi với BBC News rằng mạng vệ tinh Starlink mang lại "hy vọng về khả năng kết nối internet trong trường hợp xấu nhất". BBC hiện chưa xác nhận liệu Starlink có vận hành tại Ukraine hay không.
NetBlocks nói thêm: “Thực sự không có viên thuốc thần kỳ nào để duy trì kết nối mạng trong một cuộc khủng hoảng”.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu cấp cao John Scott Railton của Citizen Lab, một trung tâm nghiên cứu khoa học nổi tiếng ở Canada đã viết tweet: "Nếu ông Putin nắm quyền kiểm soát không phận Ukraine, các liên kết truyền dữ liệu của người dùng sẽ trở thành mốc dấu cho các cuộc không kích".
Tại Vương quốc Anh, các nhà khai thác thông tin di động bao gồm O2, Vodafone, Three và EE đã cung cấp dịch vụ điện thoại di động miễn phí cho Ukraine, người dùng không bị tính thêm phí chuyển vùng.
Nguồn: viettimes.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC