Người dân Ukraine lên xe buýt rời Kiev ngày 24/2. Ảnh: AP
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn: Các quốc gia xung quanh nước lớn cần ứng xử hài hoà... Quan trọng nhất là giữ được môi trường hòa bình
Ở phần 2 Talkshow, Đại sứ Phạm Quang Vinh và Đại sứ Hoàng Anh Tuấn đánh giá về những hệ lụy của chiến dịch quân sự Nga đang tiến hành tại Ukraine.
Thưa Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, qua theo dõi sát sao các diễn biến về mối quan hệ Nga - Ukraine trong thời gian rất dài, theo ông, liệu có thể xảy ra nguy cơ chiến tranh tổng lực?
Cuộc chiến bắt đầu khai hỏa với tuyên bố của Tổng thống Putin, còn mức độ chiến tranh như thế nào còn tuỳ thuộc vào từng góc nhìn. Có góc nhìn cho rằng, phải là một cuộc đối đầu trong đó Nga là một bên, Mỹ, NATO và Ukraine một bên, không chỉ là sự ủng hộ dành cho nhau về mặt chính trị mà tham chiến cùng nhau thì mới là một cuộc chiến tổng lực. Rõ ràng sẽ không có cuộc chiến tổng lực từ góc nhìn như vậy, sẽ chỉ có Mỹ và NATO hỗ trợ quân sự để Ukraine đương đầu với Nga.
Về phía Nga, ông Putin đã tuyên bố một chiến dịch đặc biệt. Những gì diễn ra tưởng như là chiến tranh toàn diện, nhưng ít nhất vào lúc này vẫn mang tính cục bộ, chủ yếu diễn ra ở Donbass với hai nước CH tự xưng là Donetsk, Luhansk và miền Đông Ukraine. Khi được sự trợ giúp của quân đội Nga, hai nước CH tự xưng này có thể mở rộng quyền kiểm soát hơn.
Về mặt toàn diện, Nga công bố không có ý xâm chiếm Ukraine và thực tế chưa đủ sức thực hiện. Tuy nhiên, Kiev đã cáo buộc Nga tấn công toàn bộ mục tiêu trên khắp lãnh thổ Ukraine, còn Mỹ và NATO cũng cho rằng đây là cuộc chiến tranh toàn diện nhằm vào Ukraine.
Ukraine hiện đứng trước thách thức và khó khăn rất lớn, đó là một mình đương đầu với Nga.
Trước khi cuộc chiến xảy ra, Tổng thống Biden và một số lãnh đạo NATO đã nói NATO không can thiệp (tức gửi quân chiến đấu cùng Ukraine) vì điều này sẽ dẫn đến cuộc chiến tổng lực, cuộc chiến toàn diện không chỉ là vũ khí thông thường, thậm chí có thể mở rộng sang cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Ông Putin từng bóng gió về việc Nga là cường quốc hạt nhân, hàm ý nước này có thể sử dụng nếu bị dồn vào đường cùng.
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, căng thẳng Nga - Ukraine sẽ đẩy các trục quan hệ các nước lớn đi tới đâu? Và liệu có khiến Mỹ xao nhãng chính sách xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương?
Nhìn vào Nga và các nước còn lại như Mỹ, Trung Quốc hay châu Âu, phải đánh giá cả trước mắt và dài hạn.
Trước mắt, chắc chắn quan hệ Nga - phương Tây sẽ căng thẳng hơn. Mỹ, G7, EU, NATO đều thực thi một loạt biện pháp cấm vận, trừng phạt việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, có lẽ lớn chưa từng có từ chính trị đến kinh tế, thương mại, xuất khẩu công nghệ, tài chính và nhằm vào các cá nhân liên quan quyết định triển khai chiến dịch quân sự này bao gồm những người thân cận nhất của Tổng thống Putin, ngân hàng tài trợ cho nền kinh tế cũng như giới quân sự Nga.
Nếu trước đây Mỹ và châu Âu có nhiều khác biệt trong ứng xử với Nga thì chiến dịch quân sự này vô tình đẩy Mỹ và châu Âu gần nhau hơn. Trước mắt, họ tương đối gắn kết, nhất trí quan điểm về hành động đối với Nga.
Thứ ba, trục Nga - Trung có lẽ đang có sự dịch chuyển. Lãnh đạo hai nước gặp nhau ở dịp Olympic Mùa đông Bắc Kinh, có những thỏa thuận và tăng cường hợp tác với nhau, họ cùng chia sẻ áp lực và mối nguy cơ từ phía Mỹ và phương Tây áp đặt lên. Nhưng cụ thể trong vấn đề Ukraine, vấn đề Donbass, rồi ly khai… mỗi bên lại có những tính toán chiến lược rất khác nhau.
Một điểm nữa là cấu trúc an ninh ở châu Âu rõ ràng cho đến lúc này là không phù hợp và không quản trị được cạnh tranh, xung đột khu vực. Do vậy, tái cấu trúc an ninh khu vực như châu Âu, giữa phương Tây và nước Nga sẽ diễn ra như thế nào? Trước mắt, các diễn biến của chiến dịch quân sự này tới đâu, giới hạn thế nào và leo thang ra sao sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến các mối quan hệ này.
Còn đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tôi cho rằng cả châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương đều quan trọng với Mỹ. Bản chất ưu tiên thì không thay đổi. Chúng ta phải nhìn câu chuyện ở châu Âu đang xảy ra hiện nay mà rút ra bài học cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khu vực này cần phải trao đổi, hợp tác.
Ở đây có cạnh tranh nước lớn, có nước nhỏ, nước tầm trung và có những lợi ích chung, chẳng hạn xu hướng hòa bình, liên kết, hợp tác và thúc đẩy tự do thương mại, thúc đẩy đối thoại.
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Chiến dịch quân sự này vô tình đẩy Mỹ và châu Âu gần nhau hơn
Cạnh tranh nước lớn nhưng làm sao để khu vực không có ai độc quyền. Rồi tăng cường việc ASEAN kết nối với các đối tác ở đây, dựa trên lợi ích chung của khu vực là hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhấn mạnh hơn nữa bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia lớn, nhỏ, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và đặc biệt phát huy hơn nữa hợp tác ASEAN với lại các đối tác chủ chốt và ứng xử dựa trên nguyên tắc đối với các cặp quan hệ có tính chất cạnh tranh, trong đó có cạnh tranh Trung - Mỹ.
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn: Tôi xin chia sẻ một bài báo của học giả Mỹ John Mearsheimer đăng cuối tháng 1. Ông nói, khi các nước lớn (như Mỹ, Nga) ở thế đối đầu, các mối quan tâm về an ninh của đối phương cần được xem xét chú ý.
Ông nhấn mạnh (đại ý) an ninh của Nga hiện chưa được chú ý đúng mức, ông đưa ra giả định một số nước láng giềng của Mỹ như Canada hay Mexico, nếu họ ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc, hay Nga thì Mỹ phản ứng thế nào? Ông Mearsheimer dự đoán chắc hành động của Mỹ cũng chẳng khác mấy hành động của Nga đối với Ukraine hiện nay.
Các quốc gia xung quanh nước lớn cần ứng xử hài hoà, lựa chọn an ninh phải tính đến bối cảnh rộng lớn hơn và mục tiêu quan trọng nhất là giữ được môi trường hòa bình, ổn định để tập trung phát triển, bảo vệ đất nước, nâng cao vị thế ở khu vực và trên thế giới.
Về việc liệu Mỹ có xao nhãng xoay trục sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương hay không thì câu trả lời là không. Vào đúng lúc căng thẳng ở Ukraine và châu Âu lên cao, ngày 11/2, Mỹ công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của chính quyền Biden với 5 ưu tiên. Mỹ còn công bố chương trình hành động, đây là điểm mới so với trước, nghĩa là Mỹ không chỉ có ý chí chính trị, mà còn dành các nguồn lực về kinh tế, ngoại giao, quốc phòng thích đáng để hỗ trợ cho chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương này.
Điều này có nghĩa, dù đang phải đối phó các vấn đề an ninh ở châu Âu thì Mỹ cũng không xao nhãng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bởi đây là ưu tiên chiến lược số 1 của họ. Nhìn xa hơn trong lịch sử, trong những năm đỉnh cao của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ phải đối phó với nhiều mối đe dọa và bất ổn ở châu Âu, nhưng vẫn can dự vào hai cuộc chiến tranh nóng ở châu Á là Triều Tiên và Việt Nam.
Xin hỏi Đại sứ Phạm Quang Vinh, như ông vừa nêu, rõ ràng là chiến tranh không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai. Chiến dịch quân sự hiện nay có thể còn kéo dài và phức tạp hơn, sẽ để lại hậu quả như thế nào đối với Nga, Ukraine nói riêng và thế giới nói chung?
Trước mắt, chắc chắn bên thiệt hại nhất là Ukraine giữa sự giằng xé của các cường quốc. Đối với Nga, câu chuyện là chiến sự vẫn tiếp tục, diễn biến ra sao, sức kháng cự của Ukraine đến đâu, áp lực từ các nước khác trên thế giới lên nước Nga như thế nào… Nhưng rõ ràng, dù có thắng lợi ngắn hạn thì môi trường quốc tế của Nga sẽ diễn biến phức tạp, nhiều chiều. Nga sẽ phải hứng chịu những chỉ trích của dư luận thế giới, sự trừng phạt của phương Tây và đây cũng là mối lo cho những khu vực khác.
Chưa rõ diễn biến thế nào tại Ukraine, liệu vùng ly khai ở Donbass có gia nhập Nga hay không? Chiến sự có tạo ra sức ép khiến chính quyền đương nhiệm Ukraine từ chức hay không? Chiến tranh sẽ để lại trong lòng hai nước những vết thương sâu sắc và để hướng tới tương lai, cần có thời gian.
Đối với châu Âu và thế giới, chắc chắn hệ lụy rất nặng nề cả về chính trị, kinh tế, an ninh và cấu trúc an ninh khu vực. Hy vọng chiến dịch quân sự có giới hạn về mặt mức độ, quy mô cũng như về thời gian và sử dụng vũ khí. Cấm vận sẽ đẩy giá dầu gia tăng, thị trường chứng khoán chao đảo, thương mại toàn cầu bị đứt gãy.
Diệu Thúy - Xuân Quý - Duy Tiến
Nguồn: Vietnamnet.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC