Thời hoàng kim trên màn ảnh của nghệ sĩ Chánh Tín
Nguyễn Chánh Tín để lại cho đời nhiều vai diễn ấn tượng. Đặc biệt là vai Nguyễn Thành Luân trong "Ván bài lật ngửa".
Ván bài lật ngửa ra mắt tập 1 Đứa con nuôi vị giám mục năm 1982 với những gương mặt diễn viên hoàn toàn mới, trong đó có Nguyễn Chánh Tín. Được biết trước đó, phim đã bấm máy, quay xong tập 1, tuy nhiên, vai nam chính không thành công, vì vậy đoàn phim đã chọn một nam diễn viên trẻ còn ít tên tuổi là Nguyễn Chánh Tín vào vai Nguyễn Thành Luân.
Nhiều khán giả bấy giờ đều tấm tắc nói: "Đẹp trai phải như Nguyễn Chánh Tín". Vẻ đẹp của Chánh Tín trở thành biểu tượng điện ảnh Việt.
Nguyễn Thành Luân là một tượng đài
Những năm ấy điện ảnh Việt còn non yếu, đói khổ, thiếu thốn. Dàn diễn viên ngoài vẻ mới mẻ của Nguyễn Chánh Tín, còn có cả những người lao động chân tay, bán quần áo ở chợ… tham gia diễn xuất trong những vai thứ chính. Không ai có thể ngờ, họ đã làm nên một kỳ tích mới cho phim Việt.
Ván bài lật ngửa ra mắt 8 tập kéo dài từ năm 1982 đến năm 1987, đó là những năm ở nông thôn, khi cả làng, cả thôn xã chỉ có vài chiếc tivi đen trắng, màn hình nhỏ xíu. Để xem được mỗi tập phim, người ta phải xếp hàng, phải chạy đến nhà hàng xóm từ rất sớm, cả đám đông từ người già, người trẻ đế cả trẻ con cùng quây xung quanh chiếc tivi nhỏ xíu, dõi theo từng lời thoại, từng hành động, từng nụ cười của Nguyễn Chánh Tín
Nguyễn Chánh Tín khi ấy - trong vai kỹ sư Nguyễn Thành Luân, người có gương mặt đẹp trai hiếm có, nụ cười răng khểnh, đôi mắt nheo lại mỗi khi suy nghĩ hay mỉm cười, đều khiến khán giả trầm trồ: “Tại sao lại có diễn viên đẹp trai đến thế!”.
Hình ảnh nhà tình báo Nguyễn Thành Luân in sâu trong lòng nhiều khán giả.
8 tập Ván bài lật ngửa là cuộc đấu trí giữa Nguyễn Thành Luân và chính quyền, tay chân Ngô Đình Diệm, trong đó “nhân vật chính” là Ngô Đình Nhu. Bộ phim ra mắt giữa bối cảnh phim Việt còn thô sơ, thiếu thốn nhưng khiến khán giả bị cuốn theo chuỗi câu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn, trong từng tình tiết. Phim còn được ngợi khen với những phân cảnh hội thoại đầy sức nặng giữa Nguyễn Thành Luân với Ngô Đình Nhu và các phe phái chính quyền đặt trong bối cảnh Việt Nam những năm 1960 ở Sài Gòn.
Trong một phân cảnh, Ngô Đình Nhu khi lôi kéo Nguyễn Thành Luân về phía Việt Nam Cộng Hòa, tặng súng cho anh, Nguyễn Thành Luân nói: “Hiệu súng, súng do nước nào sản xuất không quan trọng…”. Ngô Đình Nhu cắt lời: “Quan trọng là người bắn súng. Điều này tôi phục anh”. Nguyễn Thành Luân khẳng khái: “Bắn hay chưa quan trọng. Quan trọng là bắn vào đâu” và nhìn thẳng vào Ngô Đình Nhu.
Những phần hội thoại đầy tính ẩn dụ, nghi hoặc, đấu đá nhau âm thầm, khiến cho mỗi câu chuyện giữa nhân vật kỹ sư Nguyễn Thành Luân và cố vấn Ngô Đình Nhu đều khiến khán giả tâm đắc. Với khẩu khí có được từ những câu thoại đắt giá, với cách diễn xuất tự nhiên, và với ngoại hình đẹp hiếm có ấy, Nguyễn Thành Luân của Nguyễn Chánh Tín ngay khi xuất hiện ở tập đầu tiên của Ván bài lật ngửa đã trở thành nhân vật mang tính biểu tượng của màn ảnh Việt.
Bộ phim thành công vang dội, ngoài sức tưởng tượng của đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Phim có sức sống mãnh liệt. Nhiều năm về sau, khán giả vẫn nhắc nhớ, vẫn tìm xem lại Ván bài lật ngửa. Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết Giữa biển giáo rừng gươm của nhà văn Trần Bạch Đằng, đạo diễn Lê Hoàng Hoa sau khi chỉnh sửa đã lấy tên phim là Ván bài lật ngửa, sau này bộ phim thành công tới mức, nhà văn Trần Bạch Đằng đã lấy nhan đề phim đặt lại cho tiểu thuyết.
Với riêng Nguyễn Chánh Tín, Nguyễn Thành Luân đã trở thành vai diễn để đời, là một trong những biểu tượng của dòng phim cách mạng và còn là biểu tượng của chính anh. Nhiều khán giả vẫn yêu thương gọi anh là Nguyễn Thành Luân. Cho đến khi qua đời, trên khắp mạng xã hội, đông đảo khán giả, bạn bè, các thế hệ nghệ sĩ khi gửi lời vĩnh biệt anh – đã viết: Vĩnh biệt Nguyễn Thành Luân!
Nguyễn Thành Luân khi bước lên màn ảnh những năm 1980 đã không thể biết rằng, gần 40 năm sau, nhân vật đã trở thành một tượng đài không thể thay thế.
Vẻ điển trai, hào hoa thời trẻ của Nguyễn Chánh Tín.
Và quan trọng hơn, từ Nguyễn Thành Luân, Nguyễn Chánh Tín đã xác lập một định nghĩa mới ở phim Việt, để lần đầu tiên khán giả biết, hiểu và yêu anh như một tài tử điện ảnh đích thực.
Nguyễn Chánh Tín – người định nghĩa cho 2 từ “tài tử”
Cái cách Nguyễn Chánh Tín bước lên màn ảnh thật đặc biệt. Ung dung, phong trần, tự nhiên và lộng lẫy. Nói như đạo diễn Lê Hoàng Hoa, lúc ấy rất khó để tìm được một diễn viên đóng Nguyễn Thành Luân, vì ông muốn nhân vật ấy phải thật đẹp, từ cốt cách đến con người, hình ảnh. Nguyễn Thành Luân (dựa trên câu chuyện thật về Đại tá Phạm Ngọc Thảo) đã được tiểu thuyết gốc đến kịch bản phim xây dựng với cốt cách, tài năng, trí lược hơn người. Nguyễn Thành Luân chờ một diễn viên tài năng, và còn đủ đẹp để hiện thực hóa, sinh động hóa anh trên màn ảnh và Nguyễn Chánh Tín là người được lựa chọn.
Khi bước lên màn ảnh, Nguyễn Chánh Tín đã cho khán giả thấy, thế nào là một tài tử điện ảnh. Người có sức cuốn hút đặc biệt với vai diễn, người sẽ gắn liền với vai diễn, và người có đủ sự quyến rũ để khán giả không thể rời mắt khỏi vai diễn – khi anh đi lại trên màn ảnh.
Nguyễn Thành Luân của Nguyễn Chánh Tín đã khiến hàng triệu trái tim thiếu nữ thổn thức ngay cả khi phim chiếu đi chiếu lại nhiều năm về sau này. Diễn viên Diễm My vẫn kể lại, khi Diễm My mới chập chững bước vào nghề, đã “choáng váng” về sự nổi tiếng của Nguyễn Chánh Tín. Diễm My từng nói nữ diễn viên bị sốc khi có quá nhiều thiếu nữ sẵn sàng “xin chết” vì Nguyễn Chánh Tín.
Ngay cả chính Diễm My, nữ diễn viên không ngại thú nhận, Diễm My từng “say nắng” Nguyễn Chánh Tín, nhưng vì thấy anh quá đào hoa, nên cô đã dừng lại. Sau vai diễn Nguyễn Thành Luân, Nguyễn Chánh Tín trở thành tài tử đích thực của phim Việt. Cách diễn xuất của Nguyễn Chánh Tín có sức ảnh hưởng rộng rãi đến nhiều thế hệ nghệ sĩ sau này. Vẻ đẹp của Nguyễn Chánh Tín được ví như một biểu tượng mang tính chuẩn mực của một nam chính.
Nghệ sĩ Chánh Tín và vợ thời trẻ.
Ngoài tham gia đóng phim, Nguyễn Chánh Tín còn đắm chìm trong những vai diễn sân khấu, ở đâu, khán giả cũng vây quanh và bị tài năng cũng như vẻ đẹp điện ảnh của anh mê hoặc.
Phim Việt những năm ấy có nhiều tên tuổi như Thương Tín, Quang Thái, Hồng Sến… Mỗi người mang đến một nét riêng biệt về tài năng, nhưng sự quyến rũ, đào hoa mang vào từng vai diễn, Chánh Tín là người khó có ai vượt qua.
Bước lên màn ảnh với tất cả sự rực rỡ, phong trần, Nguyễn Chánh Tín đã để lại cho phim Việt một tuổi trẻ đẹp nhất có thể. Tuổi trẻ ấy, gương mặt ấy – nhiều năm sau này sẽ vẫn có người còn nhắc nhớ. Sẽ vẫn có người muốn được trở thành, muốn giống Nguyễn Chánh Tín, Nguyễn Thành Luân của một thời…
Về già, nam diễn viên vẫn miệt mài tham gia các đoàn phim, chăm chỉ lao động, Chánh Tín còn tham gia sản xuất phim mang lại bước ngoặt lớn cho phim Việt với Dòng máu anh hùng.
Sau nhiều biến cố, sóng gió về tài chính của người đi tiên phong trong sản xuất phim với kinh phí cao, tuổi già nam diễn viên lâm bệnh, sống kín tiếng nhiều năm nay.
Sáng 4/1, Nguyễn Chánh Tín trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng.
Tài tử ra đi thanh thản, nhẹ nhàng trong vòng tay của người bạn đời gắn bó 46 năm qua. Bích Trâm – người vợ đã gắn bó với Chánh Tín suốt thời tuổi trẻ rực rỡ, danh tiếng, người luôn đợi nam diễn viên trở về sau mỗi mỏi mệt, người đã cùng “tài tử của màn ảnh Việt” đi qua bão giông cuộc đời, và là người ngồi lại cùng anh những giây phút sau cùng.
Ai đó khi mất đi, mới cho những người ở lại cảm nhận rõ rệt về khoảng trống mà họ để lại. Với Nguyễn Chánh Tín, đó là khoảng trống vô tận của một tượng đài như Nguyễn Thành Luân – khó bề còn gặp lại trong phim Việt.
Vĩnh biệt Nguyễn Chánh Tín, nhưng Nguyễn Thành Luân sẽ còn mãi.
Nguyễn Chánh Tín sinh ngày 29/11/1952. Ông là con út trong gia đình có 5 người con, bố là Nguyễn Chánh Minh (võ sĩ nổi tiếng), mẹ là Lưu Ngọc Lan, một hoa khôi của vùng Bạc Liêu - Cà Mau. Ngày bé, Nguyễn Chánh Tín đã sớm bộc lộ năng khiếu văn nghệ. Ông hát rất hay và thường được chọn biểu diễn đơn ca ở trường trong các dịp lễ. Không chỉ thế, Nguyễn Chánh Tín còn biết tạc tượng, vẽ tranh.
Năm 1972, Nguyễn Chánh Tín trở thành sinh viên trường Luật nhưng vẫn toàn tâm toàn ý hướng về nghệ thuật. Năm 1973 là năm thực sự thành công và đáng nhớ với Nguyễn Chánh Tín. Năm đó anh được huy chương vàng điện ảnh, lại được giải Kim Khánh về âm nhạc do 40 tờ báo hàng đầu Sài Gòn bình chọn. Con đường nghệ thuật của cậu học trò trường Mạc Đĩnh Chi vì thế ngày càng thênh thang rộng mở.
Năm 1974, Chánh Tín và Bích Trâm nên duyên vợ chồng. Hai người cùng chung tay trong sự nghiệp ca hát. Họ vốn là một cặp ca sĩ được yêu thích trong những năm 1980, 1990. Cả hai có với nhau một trai, một gái.
ZING.VN
© 2024 | Thời báo ĐỨC