CoCa, cô bé lớp 7 của Hà Nội vừa viết một bài "trường thiên" trên báo Nông nghiệp Việt Nam về cơn bão lũ mà lần đầu trong đời em được chứng kiến. Bài viết già dặn và có nghề ấy dường như được gợi hứng một phần từ "Bão xưa" trong sách Hơi thở.
Tiếng trống khai giảng vang lên, thế là một năm học mới được bắt đầu. Ai ai cũng háo hức, mong ngóng đến ngày đi học để được gặp thầy cô, bạn bè. Nhưng ngay buổi học đầu tiên của chúng tôi thì cơn bão Yagi ập tới với trận cuồng phong dữ dội tàn phá các tỉnh, thành miền Bắc.
Buổi chiều hôm đó, cả lớp tôi đang ngồi học tiết Khoa học tự nhiên thì ngoài trời bỗng nhiên nổi cơn giông, mây đen ùn ùn kéo đến. Có lẽ, đây là trận bão đầu tiên trong cuộc đời chúng tôi được chứng kiến nên cả lớp rất tò mò. Những trận gió lớn ào tới làm cây cối trên sân trường ngả rạp như sắp gục. Bỗng một tiếng sấm vang trời khiến chúng tôi giật mình kêu lên sợ hãi.
Nhưng rồi tiếng đập thước xuống bàn đầy uy lực của cô giáo còn át đi cả tiếng sấm trước siêu bão khiến cho cả lớp tôi đang nhốn nháo cũng đứng hình im bặt. Ngồi cạnh tôi là bạn Tuấn Kiệt – một meme của lớp tự nhiên thốt lên “Cô ơi, con muốn được cảm nhận thiên nhiên”. Cô tiện tay vung thước chỉ ra cửa lớp “Mời anh ra ngoài mà cảm nhận”. Cô vừa dứt lời, Tuấn Kiệt liền cảm ơn cô và tót ngay ra ngoài, khiến cả lớp ai cũng phì cười và muốn theo Kiệt ra ngoài cảm nhận thiên nhiên.
Ngoài cửa sổ, cái cây vẫn đang quằn quại trước gió. Cô giáo tôi bắt đầu nhận được hàng loạt cuộc điện thoại, tin nhắn của phụ huynh xin được đón con về trước vì sợ mưa bão. Tôi ra khỏi lớp đã thấy mẹ tôi nôn nóng đến đón rồi.
Đường về nhà đã bị tắc cứng. Đám mây đen trĩu nặng bầu trời như sắp đổ sập xuống dòng người đang nháo nhác. Mưa bắt đầu rơi từng hạt lộp bộp khiến tiếng còi xe, tiếng người ồn ào càng gấp gáp hơn, không khí càng trở nên căng thẳng hơn.
Tôi ngồi trong nhà vừa sợ vừa tò mò nhìn ra ngoài cửa sổ. Bầu trời tối sầm lại như quả bóng nước khổng lồ vỡ ra thành cơn mưa rất lớn. Cây cối oằn mình chống chọi trước sự tấn công tới tấp của những trận gió mạnh. Cơn bão Yagi như con quái vật không rõ hình dạng đang điên cuồng phá hủy mọi thứ. Cầu Bãi Cháy ở Quảng Ninh mờ mịt trong tiếng gầm gào của đất trời và biển cả. Những mái nhà lớn bị bàn tay vô hình với sức mạnh của trận cuồng phong bóc ra và ném đi trong cơn mưa dữ dội.
Khi mọi người còn đang ngẩn ngơ trước cảnh hoang tàn thì hoàn lưu sau bão gây mưa lũ, ngập lụt lại ập đến. Tin tức về tình hình đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc đang gồng mình chống lũ được cập nhật liên tục khiến mọi người đều bày tỏ sự lo lắng, đứng ngồi không yên. Sạt lở đất, cầu sập, người mất tích, xe khách bị cuốn trôi, lũ quét chôn vùi nhà cửa làng mạc và con người… Biết bao đau thương mất mát cứ liên tục xảy ra ở khắp các địa phương miền Bắc nước ta.
Tôi theo dõi lộ trình của cơn bão Yagi hung dữ trên livestream của các kênh tiktok, faecbook… không khác gì đang xem phim khoa học viễn tưởng về thảm hoạ thiên tai. Số phận con người thật nhỏ bé như hạt bụi mong manh giữa cơn nổi giận của thiên nhiên.
Tổn thất về người và của tại các tỉnh miền núi phía Bắc rất lớn. Tại Làng Nủ trên Lào Cai, khi cơn lũ quét tràn qua, đất đá đã đổ xuống vùi lấp cả làng thành một ngôi mộ tập thể của 37 ngôi nhà cùng nhiều người dân chết và mất tích.
Dưới lớp bùn đất rộng lớn này là cộng đồng người Tày, người Dao bao đời nay vẫn luôn sinh sống tươi đẹp, chưa từng xảy ra trận thiên tai nào nhưng chỉ trong vài phút lũ qua đã không còn sự sống.
Thủ tướng đã đến Làng Nủ với sự xót xa vô tận.
Ông Chủ tịch tỉnh Lào Cao mắt đỏ hoe, nghẹn lời khi nói về bi thảm này trên chương trình thời sự. Trong tiếng khóc thảm thương của bà con, hàng trăm chú bộ đội chắc cũng phải kìm lòng lắm, nỗ lực lội bùn và ngâm mình trong nước lũ lặng lẽ mò tìm kiếm từng thi thể nạn nhân.
Dường như ai cũng nhẹ bước chân vì dưới lớp bùn này là đồng bào mình còn đang nằm đó.
Tôi không thể xem những hình ảnh, tin tức gây xúc động, ám ảnh lâu bởi tôi rất dễ khóc. Tôi tắt tivi. Tôi giở ngẫu nhiên cuốn “Hơi thở trong bàn tay” và thấy bài “Bão xưa” ở trang 100. Thật bất ngờ khi đọc “Bão xưa” vì thấy nhiều niềm vui chứ không nhiều đau thương như bão hiện nay. Trong ký ức tuổi thơ của chú tác giả Thái Hạo là sung sướng được nhặt thoải mái những trái xoài, trái dừa, trái ổi… bị gió bão làm rụng đầy xuống đất hay dễ dàng bắt những con cá rô trên đường mang về nấu món ngon nhất trong cuộc đời…
Cơn bão xưa là thứ mà trẻ con Gen z ở thành phố như chúng tôi chưa từng được trải qua. Tôi như xuyên không về thế giới tuổi thơ của tác giả. Một cảm giác được chữa lành sau mấy ngày toàn nghe tin đau thương về bão lũ. Tôi muốn đọc cho mẹ nghe bài “Bão xưa”, chỉ hơn 3 trang thôi nhưng tôi tin tâm trạng mẹ tôi sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn.
“Quê tôi miền Trung, nắng cháy, bão mưa, nước đầy… Có những năm hơn mười trận bão tấp vào thân thể quê nghèo… Nhà cửa trong thôn làng bay như những mảnh áo mưa trong gió. Nhà tôi cũng bay sang bên hàng xóm và nằm ngửa như một chiếc nón rách giữa trời. Ai cũng khóc, khóc trong mưa và trong gió gào.
Những cơn bão ào đến rồi biến đi, trả lại cái im lặng như nghe được tiếng nước chảy róc rách qua những kẽ đá hai bên đường. Bỏ mặc các bà các mẹ ngồi khóc, lũ con nít chúng tôi ùa ra đường, chạy đuổi nhau trên bao nhiêu là lá dập chuối đổ, cây cành ngổn ngang…”.
Tôi cũng ùa ra đường vào sáng hôm sau khi bão Yagi tan, vì tò mò. Tôi đạp xe tới trường xem trường tôi có bị hư hại nhiều không? Tôi vừa đi vừa phải dắt xe vì vướng cây đổ chắn ngang đường. Quá nhiều cây đổ. Cụ bồ đề cổ thụ ngay trước cổng nhà máy Bia Hà Nội sừng sững cả trăm năm cũng bị vật ngã, đổ kềnh trơ bộ rễ nhìn thật thương tâm. Rip cụ bồ đề! Cả phố toát lên một mùi ngai ngái của nhựa cây tựa như máu chảy từ ngổn ngang cành lá dập nát khiến ai cũng thẫn thờ tiếc nuối.
Một mái nhà bằng tôn đỏ rất lớn không biết từ đâu mà hạ cánh chình ình chắn ngay trước cổng trường tôi. Một số bạn trong lớp tôi cũng đến trường. Cô giáo và các bác phụ huynh đã tới dọn dẹp lớp học từ sớm. Nhiều bạn trong trường ra chụp ảnh, cập nhật tình hình ngôi trường thân yêu của chúng tôi đang tả tơi cây lá rồi đăng lên facebook cho mọi người biết. Bản nhạc “This way” là nhạc hiệu của sự cố vang lên trong những clip về sự hư hại ở trường kèm theo dòng cap chứa đầy hi vọng “Đây có phải là ước muốn của bao học sinh không?”. Bọn chúng tôi ai chẳng hí hửng nếu được nghỉ học để khắc phục. Không! Trường tôi vẫn đi học bình thường dù bão có tàn phá khá nặng. Tuy vậy, chúng tôi đến lớp rất vui vì ai cũng kể về cơn bão như nhà đứa này bay mất nóc, còn nhà đứa kia thì bị ngập…
“Ngày thường, những trái ổi, trái dừa, trái táo là thứ xa xỉ, lũ trẻ con chỉ nhìn lên cây mà thèm muốn, lâu lâu được người lớn hào phóng hái cho một vài quả là ăn ngon lành, nhưng chẳng bao giờ đã thèm. Còn mỗi lần bão qua thì chao ôi, chúng sẽ nằm đầy trên đất cát, sạch tinh và mát rượi bởi những hạt mưa. Chẳng ai cấm chúng tôi nữa cả. Đứa cầm rổ, đứa ngửa mũ cứ thế nhặt đầy và khệ nệ bê đi...”.
Cơn bão trong ký ức tuổi thơ của chú tác giả và mẹ tôi tuy không cùng miền nhưng lại giống nhau đến lạ. Mẹ tôi nhớ về tuổi thơ của mình khi nghe tôi đọc “Bão xưa”. Mẹ tôi từng kể rằng, khi trời còn đang bình yên thì mẹ và bọn trẻ con hàng xóm vì thèm ăn mà chỉ từng quả trên cây, nhận sẵn quả này của mày, quả kia của tao, rằng nếu mưa bão bị rụng thì quả của đứa nào đứa ấy nhặt. Bão xưa là món quà thiên nhiên ban tặng niềm vui háo hức cho lũ con nít và tặng người lớn thêm sự kiên cường tới mức bình thản trước mất mát do bão. Bão xưa và bão nay không mang lại cảm xúc giống nhau.
Tôi không có được cảm nhận sự tươi đẹp của thiên nhiên sau bão và sự sung sướng với những chiến lợi phẩm thu được từ bão như trong ký ức của thế hệ mẹ và chú Thái Hạo. Ký ức trong tôi về bão lũ là mỳ tôm, lương khô, bánh chưng, quần áo cũ… mà mọi người gấp gáp quyên góp mang đi cứu trợ đồng bào miền Trung như một thói quen. Người góp của, người góp công. Trẻ con như tôi thì lăng xăng đợi người lớn sai việc vặt. Tôi nhớ có lần, ông tôi đích thân giặt sạch sẽ từng bộ quần áo còn tốt của gia đình để gửi đi. Nhưng ông đã cáu lên khi thấy những bộ quần áo chưa được gấp phẳng phiu cẩn thận. Ông bắt tôi gấp lại từ đầu cả thùng quần áo ấy. “Của cho không bằng cách cho”, những câu mắng của ông làm tôi nhớ mãi. Có lần, mẹ tôi đi cứu trợ ở vùng lụt đã mang về cho tôi một quả bưởi vẫn còn màu bùn. Quả bưởi do một người dân chạy theo dúi vào tay mẹ, làm mẹ tôi cảm động.
Bây giờ, thế hệ Gen Z chúng tôi mới được trải nghiệm sống trong vùng bão lụt. Hà Nội phát đi báo động lũ khẩn cấp. Nước từ thượng nguồn đổ về nên nước sông Hồng đang lên rất cao. Con sông Cầu Bắc Ninh quê tôi ai cũng sợ bị vỡ đê. Cả làng ra sức dồn cát vào bao tải đắp đê suốt đêm. Có đoạn, bà con bất lực nhìn nước tràn vào ngập cánh đồng rồi cả làng cũng ngập lủm. Trong nhóm zalo gia đình tôi, mọi người luôn cập nhật tình hình với nhau.
Mệ tôi ở Quảng Bình lo lắng gọi điện dặn dò, nhắc nhở để chuẩn bị đồ cần thiết khi bị ngập lụt và mất điện. Mệ bảo thương bà con miền Bắc quá, quê mệ miền Trung năm nào cũng lụt nên cũng quen và có kinh nghiệm hơn. Trước tình trạng khẩn cấp, các bác ngư dân ở vùng biển Ngư Thủy quê mệ đã mang cả những con thuyền đánh cá tức tốc đi suốt đêm kịp thời ra hỗ trợ bà con miền Bắc đang bị mắc kẹt trong nước lụt. Biết bao nhiêu đoàn xe từ mọi miền tổ quốc chở đồ thiết yếu hướng về đồng bào đang khốn khó.
Dù Hà Nội chưa bị ngập nhưng mệ và các bác cũng đã gửi đồ ăn ra cứu trợ cho tôi trước rồi. Tôi muốn nhắn với mệ là mệ yên tâm, con biết bơi rồi, lại được bác A3 dạy chèo thuyền trên sông Kiến Giang lúc nghỉ hè rồi, nên nếu lụt là con xin nhiệm vụ chèo thuyền đi đưa đồ ăn cho mọi người trong phố được.
Buổi trưa, tôi không ăn bán trú ở trường mà xin về nhà. Tôi vội vã ra siêu thị đầu ngõ mua thêm nước đóng chai, mì tôm, lương khô và mấy vật dụng thiết yếu để chuẩn bị đối phó với ngập lụt đang tới rất gần. Siêu thị rất đông người mua nên còn lại thưa thớt hàng hóa thực phẩm vì ai cũng gom cả một giỏ đồ đầy thực phẩm, nước uống để dự trữ.
Những hình ảnh mất mát và cảm động đã lan tỏa tình người trong bão lũ. Tôi cảm thấy chỉ có con người mới bảo vệ được con người và nhắc nhở chúng ta về việc ứng xử tốt với thiên nhiên từ những ngày đẹp trời.
Trong tiết Giáo dục địa phương, cô giáo giảng về chủ đề địa lý và lịch sử Hà Hội. Hà Nội nhiều điểm đã ngập lụt nên một số bạn lớp tôi phải nghỉ học. Dòng sông Hồng hôm nay không thấy bờ. Cầu Long Biên trong mưa như sợi chỉ mập mờ trên mặt nước đục ngầu. Núi đồi chuyển động, sạt lở đất đá trôi như thác nước đổ vùi lấp nhiều gia đình vẫn đang diễn ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Biết bao bạn học sinh vĩnh viễn không còn được đến trường… Cả lớp tôi lặng im. Tết Trung Thu này lớp tôi, trường tôi không tổ chức liên hoan phá cỗ nữa. Mọi người quyên góp ủng hộ đồng bào bị lũ lụt.
Ai cũng xót xa, thương tiếc khi nhắc tới địa danh Làng Nủ. Nhiều ngày rồi cô giáo điểm danh vẫn chưa đủ học sinh, vẫn chưa tìm đủ thi thể dân làng. Năm nào cũng như năm nào, bão lũ luôn gây ra những nỗi đau khôn nguôi.
Rồi bố sửa lại nhà, lợp lại mái, cả làng rộn rịch ới ới gọi nhau. Mà lạ, dường như bão đã trở nên thân quen, chúng tôi chẳng thấy ai hờn oán gì, cứ bão qua là dựng nhà sửa bếp, là dọn vườn gom cây. Rồi những mầm rau bắt đầu mọc lên trên luống, mặt đất lấm tấm, rồi lại xanh tràn trong khu vườn. Những cành cây bị gãy đã đâm chồi, lộc non túa ra, màu xanh tía, sáng long lanh dưới mặt trời. Cuộc sống hồi sinh thật bình thản, bình thản như bão mưa cứ đến rồi đi, muôn đời trên đất quê.
Ngày xưa và ngày nay, những ngôi nhà lúp xúp và những lâu đài xênh xang… Năm tháng cứ đi qua và mặt đất cứ hoang vu dần, lòng người hoang vu dần…
Một ngày hồi sinh sẽ phải đến, nhưng ngày ấy là ngày nào, nó đang đợi ta ở đâu? Bao giờ mắt trẻ mới lại trong veo trên miền nhiệt đới với rừng xanh phồn sinh ngàn ngạt, với trời lộng thênh thang, với những rãnh nước trong chảy mềm trên những con đường đầy cỏ hiền dưới chân đi?
Đó là đoạn kết của bài “Bão xưa” mà chú Thái Hạo đã viết. Còn tôi cũng ước, ước những đồng bào của mình đang nằm đâu đó dưới lớp bùn đất và nước lũ kia cũng được hồi sinh.
Tác giả: Coca Coca
Bão nay của CoCa
CoCa, cô bé lớp 7 của Hà Nội vừa viết một bài "trường thiên" trên báo Nông nghiệp Việt Nam về cơn bão lũ mà lần đầu trong đời em được chứng kiến. Bài viết già dặn và có nghề ấy dường như được gợi hứng một phần từ "Bão xưa" trong sách Hơi thở.
CoCa một lần nữa cho phép nhen nhóm trong ta hi vọng về một lớp trẻ Việt Nam ngày mai, trưởng thành và đáng kể hơn.
Nhà Báo Thái Hạo
© 2024 | Thời báo ĐỨC