Rất nhiều người đã có mặt tại nhà tang lễ Nguyễn Tri Phương (Q.5, TP.HCM) để đưa tiễn nam nghệ sĩ đoạn đường cuối cùng. Tuy nhiên, theo phản ánh sự xuất hiện của một bộ phận người mang máy đến livestream đã gây phản cảm và khó chịu cho khách đến viếng.
Họ chen chúc, xô đẩy nhau chỉ để có những góc livestream rõ nhất để đăng lên mạng xã hội câu view. Vì biết rằng sẽ có nhiều đồng nghiệp đến viếng cố nghệ sĩ nên họ chuẩn bị sẵn điện thoại để livestream. Mỗi khi có nghệ sĩ xuất hiện, nhóm người này lập tức hô tên, thuyết minh thời gian, địa điểm, kêu gọi thả tim... tạo nên hình ảnh nhộn nhạo, phản cảm.
Hơn 2 giờ sáng. Hàng trăm streamer, YouTuber quây kín cổng Trung tâm pháp y TP.HCM, nơi quàn cố nghệ sĩ Chí Tài. Thật buồn cho vong linh của ông, vì phần lớn trong số hàng trăm con người đó có mặt không phải để nghiêng mình tiễn biệt.
Họ đến đó với điện thoại, máy quay để livestream (phát trực tiếp) trên kênh video của họ. Họ rất bận rộn quay, thuyết minh, chỉ trỏ, theo dõi lượng người xem, lượng tương tác. Một YouTuber thành thật: "Đến giờ (2 giờ sáng) vẫn còn hơn 1.000 người theo dõi tin về chú Chí Tài, nên mình không thể tắt được".
Thậm chí, họ còn hỗn chiến, giành giật nhau để ghi được hình ảnh khi có nghệ sĩ, bạn bè người quá cố đến viếng thăm. Khung cảnh làm tôi liên tưởng tới chuyện xảy ra từ hơn một năm trước. Khi đó, ở Bình Dương vừa phát hiện vụ việc kinh hoàng: Giết người, đổ bê tông thi thể. Hiện trường đầy mùi tử khí, người dân xung quanh phải đốt bồ kết, công an thì đang khám nghiệm. Các YouTuber, trong đó có cả một ca sĩ hơi hơi nổi tiếng, với sự thính nhạy tuyệt vời đã lập tức có mặt. Giống hệt như lần này, họ bận rộn quay, thuyết minh, chỉ trỏ, theo dõi lượng người xem, lượng tương tác.
Nhiều streamer gây hỗn loạn trước cổng Trung tâm Pháp y TP.HCM. (Ảnh: Zing News)
Với họ, dường như việc một nghệ sĩ mới qua đời và một vụ án mạng rùng rợn chẳng khác gì nhau. Tất cả đều là cơ hội tuyệt vời để thỏa mãn cơn đói cho công chúng của họ, cơ hội tăng view, tăng người theo dõi, và tăng tiền.
Cách đây 16 năm, tôi bắt đầu chuyển từ báo in sang làm báo điện tử. Rất nhanh, tôi đã thấy được sức mạnh khủng khiếp của báo điện tử thời đó: Nó có thể chứa lượng thông tin gấp cả trăm lần tờ báo in. Tờ báo điện tử còn non trẻ của chúng tôi khi đó phải sử dụng tin bài từ hàng chục tờ báo in khác nữa mới đủ làm mới các tiểu mục. Tôi thấy các trang báo in trở nên quá nghèo nàn so với trang báo điện tử.
Năm 2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Đám tang ông là một sự kiện lớn. Chúng tôi đã lên kế hoạch tin bài hoành tráng, phân công tỉ mỉ đến từng chỗ đứng cho phóng viên hiện trường, chỉ cách họ di chuyển cuốn chiếu, bọc lót cho nhau sao cho không bỏ sót một hình ảnh hay thông tin nào. Chúng tôi thành công mỹ mãn. Toàn bộ diễn biến đám tang, từ những người đến viếng tối hôm trước, các bó hoa bên tường rào, đoàn người dài vô tận, những giọt nước mắt, đoàn xe đi, chuyến đi cuối cùng của vị tướng, điểm đến cuối cùng Vũng Chùa… đều lên báo, chi tiết.
Chúng tôi mặc những chiếc áo in hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thật lòng nghĩ rằng mình rất yêu quý, thương tiếc ông. Nhưng không thể phủ nhận, lúc ấy không có nhiều thời gian để buồn và thương tiếc. Tin bài cuốn lấy chúng tôi. Sau khi công việc hoàn thành thì cảm giác là thỏa mãn, hài lòng, thậm chí tự hào. Buồn thương, nếu có, chắc chỉ thoáng qua.
Tôi nhận ra mình đang trở nên bận rộn gấp đôi, gấp ba, rồi gấp mười lần so với khi làm việc cho tờ báo in. Chúng tôi làm việc không có giờ, không có ngày nghỉ. Trong tòa soạn không bao giờ có ai đó nói “Tin tức hôm nay thế là đủ rồi”. Tờ báo mãi mãi không bao giờ được lấp đầy, dù nó đã “nuốt chửng” những người làm báo vào trong guồng quay của nó.
Internet là như vậy, một con quái vật không bao giờ biết no, không bao giờ từ chối bất cứ thứ gì ta cho nó ăn, từ tin tức, hình ảnh, video tới các câu chuyện vẩn vơ, các cuộc cãi vã, những chuyện bịa, những thứ rác xào xáo cho giật gân, hàng thật, hàng giả, tri thức, các trò chơi, những cú lừa… Càng cho nó “ăn” nhiều, nó lại càng muốn nhiều hơn nữa. Cuối cùng, nó ngốn đến thời gian sống của ta, và chính bản thân chúng ta.
Trong cuốn sách được đề cử giải Pulitzer - Trí tuệ giả tạo – Internet đang làm gì bộ não chúng ta, Nicholas Carr viết: “…không thể đoán được bữa tiệc mà Internet bày ra cho chúng ta: Từng món, từng món một, món sau lại ngon hơn món trước, mọi thứ nhanh đến nỗi chúng ta chẳng kịp lấy hơi”.
Vì thèm thuồng những món ngon tưởng như miễn phí, chúng ta ngày càng muốn được kết nối, sợ bị tách rời, và đặc biệt sợ bị “biến mất” trên Internet. Các thí nghiệm và quan sát khoa học đều cho thấy con người, nhất là giới trẻ, ngày càng dùng nhiều thời gian hơn với điện thoại thông minh và Internet.
Cùng với đó, người ta cũng chứng minh được rằng Internet thật sự tạo ra thay đổi ở cấp độ cơ bản nhất trong bộ não chúng ta: Sự thay đổi của các liên kết thần kinh. Điều này đưa đến kết quả chúng ta có khả năng tiếp nhận ngày càng nhiều, với tốc độ ngày càng nhanh các thông tin đa dạng từ Internet. Chúng ta cũng có khả năng tương tác rất nhanh, rất nhiều. Nhờ đó, nhu cầu nhận tin và tương tác cứ tăng mãi không ngừng.
Nhưng để cân bằng, có một thứ bị giảm đi: Khả năng tập trung và tư duy sâu. Internet được thiết kế để lướt, lăn, cuộn, nhảy vào và thoát ra. Bộ não thay đổi cho tương thích với công việc đó. Thông qua các thí nghiệm, các chuyên gia thấy rằng càng bị mất tập trung, chúng ta càng khó có thể cảm nhận những tình cảm tinh tế nhất và đặc biệt nhất của con người, trong đó có sự cảm thông, lòng trắc ẩn và các cảm xúc khác.
Điều đó có nghĩa, càng bận rộn với Internet, chúng ta càng trở nên vô cảm. Chúng ta sẽ coi là đương nhiên với việc bận rộn ghi hình, thuyết minh, chỉ trỏ, theo dõi lượng tương tác… ở một nơi đang cần sự cảm thông, niềm thương tiếc và trên hết là sự tôn trọng.
Liệu có thể, đến một lúc nào đó, cảm xúc buồn thương với một đồng loại vừa qua đời sẽ chỉ là một kết nối thần kinh đã bị đứt gãy, bị bỏ quên trong một góc khuất của bộ não?
Quảng Hà
Nguồn: vtc.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC