Trưa 8/8, Sở Y tế TPHCM đã phát đi thông tin chính thức về nội dung lan truyền trên mạng xã hội liên quan một bác sĩ tên Trần Khoa "nhường máy thở" của mẹ để cứu một sản phụ.
Sở Y tế khẳng định: Đây là nội dung hư cấu, các bệnh viện trên địa bàn không có chuyện rút ống thở của bệnh nhân để nhường cho người khác. Sở Y tế đang phối hợp với cơ quan chức năng xác minh, làm rõ nguồn gốc bài đăng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Sáng 8/8, trao đổi với Dân trí, lãnh đạo Phòng Tham mưu Công an TPHCM, cho biết sẽ cho kiểm tra, xác minh thông tin "bác sĩ rút ống thở của mẹ cứu người". Vị này cho hay, các trường hợp đưa tin giả, đưa tin không chính xác lên mạng xã hội đều bị xử lý nghiêm theo Luật An ninh mạng, nhất là các thông tin liên quan đến dịch bệnh Covid-19.
Đại diện lãnh đạo Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an TPHCM cho biết chưa thể cung cấp thông tin của vụ việc.
Một số thông tin lan truyền rằng "bác sĩ Khoa" làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Lê Văn Việt (Bệnh viện Quận 9 cũ), trao đổi với phóng viên, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Khoa Lý - giám đốc bệnh viện cho biết, hiện tại không có bác sĩ nào tên Khoa như thông tin trên mạng, làm việc ở bệnh viện này.
Thông tin được đăng tải trên trang facebook được cho là của bác sĩ Kh. trước khi gỡ bỏ (Ảnh chụp màn hình).
Trước đó, tối 7/8, trên mạng xã hội xuất hiện nội dung chia sẻ của một người tên Trần Khoa, được cho là bác sĩ sản phụ khoa. Người này đã quyết định "nhường đi chiếc máy thở" của ba mẹ mình đang dùng cho một sản phụ đang cần.
Người này sau đó đã "kìm nỗi đau mất người thân, trực tiếp vào phòng mổ phẫu thuật thành công cho sản phụ sinh đôi này". Kèm với nội dung còn có hình ảnh 2 bé song sinh được cho là hai bé mà bác sĩ này vừa phẫu thuật.
Đêm 7/8, thông tin một nam bác sĩ rút ống thở của mẹ mình để cứu phụ nữ mang thai lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Các chia sẻ, bình luận đều bày tỏ sự kính trọng, nể phục, tôn vinh hành động của bác sĩ trên.
Từ khuya 7/8, phản hồi tin nhắn facebook của phóng viên Dân trí, tài khoản "T.K" (được cộng đồng mạng nhận định của "bác sĩ Khoa"), trả lời: "Minh đàn stresss", "Mai mình bình tâm sẽ liên lạc lại bạc".
Cả đêm ngày 7 và rạng sáng 8/8, cộng đồng mạng cùng nhau tìm kiếm "nhân vật chính" trong câu chuyện, nhưng không có thông tin.
Đầu giờ sáng 8/8, nhiều người sử dụng mạng xã hội bắt đầu bày tỏ ý kiến hoài nghi về độ xác thực của câu chuyện này.
Trang cá nhân "T.K" được cho rằng của "bác sĩ Khoa" đã khóa.
Sau một đêm, tới sáng nay, nhiều người dùng facebook lan truyền câu chuyện trên đã xóa dòng trạng thái liên quan. Một số người đã lên tiếng xin lỗi sau khi đăng dòng trạng thái (status).
Quang Huy
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC