***
1. Nobel Vật Lý
Đề cử năm nay thuộc đề tài nghiên cứu “siêu vật liệu xenlulozơ có khả năng tự chuyển động” của nhà Kinh tế học Thích Trúc Thái Minh.
Với công trình nghiên cứu này, Thầy Thái Minh đã tạo dựng ra 1 bảo vật cho nhân loại, đó là xá lợi tóc đức Phật. Với khả năng tự ngọ nguậy, cọng lông của Thầy đã gây ra 1 cơn địa trấn trong dư luận, ngay sau đó nhiều người mới ngỡ ngàng khi biết rằng xá lợi tóc được chế tác từ vật liệu xenlulozo, có nguồn gốc từ sợi cỏ pili Châu Phi.
Không chỉ tạo ra 1 bảo vật kỳ thú, vị Tổ sư này còn tạo được thành tựu to lớn trong lĩnh vực… bịt miệng. Cho dù dư luận dậy sóng thế nào đi nữa thì cũng không ai dám đưa ra kết luận rằng đây là 1 vụ lừa đảo.
Một giải Nobel cho Tổ sư Thái Minh là xứng đáng.
***
2. Nobel Hoá Học
Từ lâu nhân loại đã biết đến công nghệ làm mưa nhân tạo bằng cách phun ion bạc lên không trung để làm ngưng tụ hơi nước. Tuy nhiên công nghệ này có nhược điểm là chi phí rất tốn kém, khó áp dụng trên diện rộng.
Nhận thấy hạn chế của công nghệ cũ, nên Sở Khoa Học Công Nghệ thành phố HCM đã nghiên cứu và đưa vào ứng dụng công nghệ làm mưa nhân tạo hoàn toàn mới, tạm dịch là phương pháp Cầu Siêu.
Cụ thể, hồi đầu năm, trước tình trạng hạn hán ở Tp HCM nói riêng và các tỉnh Nam bộ nói chung lên đến đỉnh điểm. Trong tình thế cấp bách đó, Sở KHCN Tp HCM đã lập liên minh khoa học với đạo sỹ Lê Minh Hoàng để lập đàn cầu mưa. Kết quả thật thần kỳ, người dân đang từ chỗ hạn hán ngáp ngáp, thì chỉ mấy tháng sau, người dân đã được đắm chìm trong mưa lũ.
Một đề cử xuất sắc cho sở Khoa học công nghệ HCM.
***
3. Nobel Hoà bình
Xin để cử giải Nobel Hoà Bình cho Thượng toạ Thích Chân Quang với luận án tiến sỹ “Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam”
Trong khi nhân loại tiến bộ ngày càng quan tâm đến Quyền Con Người thì vị Tổ sư Thích Chân lại đột phá với Nghĩa Vụ Con Người.
Ngạc nhiên thay. Luận án này của Thầy Thích Chân được Hội đồng đánh giá, nhận xét là “có giá trị nhân văn vượt khuôn khổ nghiên cứu thuần túy lý luận và luật học”.
Không chỉ có giá trị Nhân Văn Vượt Khuôn Khổ, giá trị của Luận án còn nằm ở cái cách mà tác giả Thích Chân trở thành tiến sỹ. Có lẽ tài năng của các giáo sư ở trường Đại học Luật HN cũng vượt khuôn khổ khi mà đạo tạo 1 người từ trình độ cấp 2 trở thành tiến sỹ trong vòng chưa đầy 1 mùa dịch.
Và, có lẽ, con đường học vấn của Thầy Thích Chân cũng đại diện tiêu biểu cho đội ngũ khá đông đảo trong tầng lớp Bằng Cấp Siêu Tốc ở VN, bởi vậy mà thầy được phong tặng “Quốc Trung Hiền Sỹ’
Một đề cử Nobel cho Thầy.
(Nam Mô Tổ Sư Thích Quang Lưu Manh Thật)
***
4. Nobel Y- sinh
Đề cử năm nay thuộc về đề tài “Trồng cây nguyên bầu”, nhưng hơi tiếc là chưa biết tác giả là ai.
Theo 1 bài báo có tiêu đề “Hà Nội truy tìm nhà thầu trồng cây xanh còn nguyên bầu bọc rễ” chúng ta có thể thấy rằng HN đang rất lỗ lực trong việc truy tìm kẻ nào đã trồng trộm cây, vì nếu là nhà thầu đàng hoàng thì đã có hồ sơ lý lịch, cứ lôi cổ nó ra thôi chứ mắc mớ gì phải truy tìm?
Thế mới thấy tác giả đề tài này phải là 1 cao nhân ở ẩn. Xin đề cử 1 giải cho cao nhân phương nào!
***
5. Nobel Kinh tế
Ai đó từng nói đại ý: mây đen phủ kín toàn cầu, chỉ có nắng rọi ở VN. Với tốc độ tăng trưởng rất cao, VN luôn là điểm sáng về kinh tế thế giới trong những năm gần đây. Đó cũng là lý do để VN có rất nhiều những đề cử xuất sắc về kinh tế.
Đầu tiên phải kể đến dự án “Cúng dường online” của Thượng toạ Thích NT (là Thích Nhật Từ chứ không phải Thích Nhặt Tiền). Tóm tắt dự án: “Nạp 20k thì được phù hộ 1 ngày. Nạp 50k thì được cầu bình an 1 tháng. Mua gói càng lớn, ưu đãi càng cao”
Giới chuyên môn phân tích rằng, trên thị trường hiện nay, để bình yên trong khách sạn 1 tiếng thì mất ít nhất là 50k. Thế mà app cúng dường của Thầy chỉ mất có 20k mà được bình yên trong suốt hẳn 1 ngày. Tính ra quá rẻ, vì thế mà khả năng app này sẽ làm mưa làm gió trên thị trường. Một dự án siêu hiệu quả về kinh tế.
Đề cử Nobel Kinh Tế cho Thầy Nhặt Tiền đồng nghĩa là 1 sự ghi nhận cho lỗ lực làm kinh tế không mệt mỏi của các đại sư trong thời gian qua.
Đề cử tiếp theo dành cho cô giáo Laptop. Không chỉ vận động kinh phí mua máy tính mới, cô giáo Laptop còn sáng tạo ra mô hình chuỗi cung ứng đồ ăn nhanh như mì tôm, xúc xích... trong lớp học.
Mặc dù chưa đáng kể về mặt doanh thu, nhưng nghiên cứu của cô giáo Laptop là đại diện điển hình cho mô hình Xã Hội Đen Giáo Dục, ý lộn, Xã Hội Hoá.
Xin điểm lại một vài tin gần đây để thấy mô hình Xã Hội Hoá phiên bản Laptop đã và đang trở thành xu thế.
Chẳng hạn như một trường nọ thuê tháo gỡ vận chuyển 60 bộ máy tính sang địa điểm mới cách 2km, với kinh phí 142 triệu, tính ra khoảng 2,5 triệu/1 máy, trong khi giá thị trường chỉ khoảng 400k/1máy, và tất nhiên số tiền này sẽ được thu kiểu xã hội từ túi phụ huynh.
Hoặc nữa là vụ chia sẻ hoa hồng những 24 tỷ cho 1 sếp nhà xuất bản Giáo dục, đó mới chỉ là để được cung cấp giấy in. Hiệu quả từ mô hình Xã hội này đã giúp cho học sinh có rất nhiều sách mới để học, đến mức cặp sách còn nặng hơn cả người.
Một đề cử cho đề án Giáo Dục Kiểu Xã Hội phiên bản Laptop là rất đáng chú ý.
***
6. Nobel Văn học
Sau khi nghiên cứu đầy đủ các tác phẩm trên mạng xã hội, ban tổ chức thống nhất đề cử giải Nobel Văn học cho tác phẩm sau đây:
“Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi
Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu
Tôi sống với cuộc đời chiến đấu
Của triệu người yêu dấu gian lao.”
Giá trị của tác phẩm không chỉ thể hiện tinh thần dấn thân, mà nó còn gửi tới nhân loại 1 thông điệp quan trọng là đừng bao giờ tin cái đám nói phét như Cuội.
Mùa Nobel 2024
Thư ký hội đồng: MAI QUANG HIỀN
© 2024 | Thời báo ĐỨC