Thành tích của VĐV và hệ quả của chiến lược đầu tư
18 vận động viên của Đoàn Thể thao Việt Nam đã giành vé đến Olympic Tokyo 2020 theo các con đường khác nhau: Nguyễn Huy Hoàng đến Olympic bằng chuẩn A.
Một nhóm các vận động viên khác đến Olympic bằng con đường tích điểm và một số vận động viên đến Olympic bằng vé mời dành cho các môn không có vận động viên qua vòng loại như: Điền kinh, Bơi và Bắn súng. “Điều đó cho thấy, khoảng cách của thể thao Việt Nam với đấu trường Olympic vẫn còn xa”, như lời chia sẻ của Trưởng đoàn Trần Đức Phấn.
Kết quả: Không vận động viên nào giành được huy chương như một điều đã được dự báo trước. Có những vận động viên không đạt được thành tích thi đấu đúng với phong độ của chính bản thân (môn cử tạ) cũng là điều không bất ngờ. Bởi tất cả họ đã đến với kỳ Olympic này bằng tất cả những sự nỗ lực.
Đó cũng là lý do mà ngay từ đầu, Bộ VHTTDL không giao chỉ tiêu cho Đoàn Thể thao Việt Nam. Trưởng đoàn Trần Đức Phấn cũng chỉ dám tuyên bố mục tiêu phấn đấu có huy chương trước ngày lên đường sang Nhật Bản.
Thất bại ở Olympic Tokyo, vận động viên là người buồn nhất. Cần ghi nhận những nỗ lực thi đấu của họ - những con người tinh tuý đại diện cho Thể thao Việt Nam ở Thế vận hội
. Đó cũng là những vận động viên từng mang vinh quang về cho Thể thao Việt Nam ở kỳ Olympic trước đó và cả những giải đấu quốc tế khu vực và châu lục. Chính vì vậy, cần nhìn vào những thất bại với tinh thần xây dựng nhất. Nhưng bên cạnh việc chia sẻ, động viên các vận động viên sau kỳ Olympic không thành công, chúng ta cũng cần nhìn nhận rõ trách nhiệm của những lãnh đạo ngành Thể thao trong vấn đề quản lý, định hướng, đầu tư cho kế hoạch Olympic.
Câu chuyện Hoàng Xuân Vinh (47 tuổi) và Nguyễn Tiến Minh (38 tuổi) vẫn đại diện cho Việt Nam thi Olympic được thế giới ghi nhận là một sự nỗ lực lớn, hình ảnh đáng được tôn vinh. Tuy nhiên, lỗ hổng lớn chính là việc Thể thao Việt Nam đang thiếu đi những thế hệ kế cận.
Thực tế này cho thấy, sau mỗi kỳ Olympic như London 2012, Rio 2016, ngành Thể thao không có những sự chuẩn bị cho một thế hệ tương lai. Hay đó là câu chuyện đầu tư cho Ánh Viên. Đó là vận động viên đã được phát hiện từ 10 năm trước, có cơ hội phát triển, được đầu tư trọng điểm nhưng lại không được định hướng rõ ràng cho mục tiêu ASIAD hay Olympic. Bằng chứng là việc ngành Thể thao luôn để Ánh Viên phải “gánh” chỉ tiêu huy chương Vàng quá nặng ở sân chơi SEA Games. Đó được xem là một sự lãng phí tài năng quá lớn. Bản chất của thất bại chính là ở quá trình tìm kiếm và phát triển tài năng.
Ai chịu trách nhiệm?
Trước khi Đoàn Thể thao Việt Nam chia tay Nhật Bản về Việt Nam, kết thúc Olympic Tokyo 2020, Trưởng đoàn Trần Đức Phấn đã có những đánh giá mang tính tổng kết. Trong đó, ông Phấn chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của các vận động viên là do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Điều này khiến quá trình tập luyện, tập huấn không được tốt. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 chỉ là hiện tượng trong năm 2020.
Điều quan trọng là quá trình chuẩn bị, định hướng, đầu tư trong cả quá trình dài 5 năm trước kể từ sau Olympic Rio thậm chí là lâu hơn nữa. Nhìn sang các nước Thái Lan, Indonesia và Philippines, rõ ràng đó là một vấn đề đáng để suy ngẫm.
Đoàn Thể thao Việt Nam thất bại ở Olympic Tokyo 2020 khi không giành được bất kỳ tấm huy chương nào. Nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa thấy bất cứ lãnh đạo ngành Thể thao nào đứng ra nhận trách nhiệm.
Trong phát biểu của ông Trần Đức Phấn với tư cách là Tư lệnh ngành cũng không nhắc đến vấn đề trách nhiệm thuộc về ai, bộ phận nào, khâu nào, cần sửa đổi hay rút kinh nghiệm ra sao?
Thể thao Việt Nam trong mặt bằng chung của Đông Nam Á và Châu Á còn yếu kém ở đâu, giải pháp tiếp theo sẽ là ra sao? Bởi lẽ, thất bại của Thể thao Việt Nam lần này là hệ quả của chiến lược đầu tư kéo dài chứ không chỉ đổ tại do 1 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ông Trần Đức Phấn đúc kết: “Việc giải quyết được bài toán đầu tư để làm sao có thể tranh chấp tại các đấu trường lớn như ASIAD hay giành huy chương Olympic, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, kể cả điều chỉnh các mục tiêu cho từng đại hội, quan điểm đầu tư, xây dựng kế hoạch, đề xuất các giải pháp và tổ chức thực hiện. Hy vọng sau 1-2 chu kỳ Olympic nữa, vận động viên của thể thao Việt Nam sẽ đến tham dự Thế vận hội với tư thế sẵn sàng tranh chấp huy chương”.
Đấy là một khẩu hiệu mà lãnh đạo ngành Thể thao nào cũng có thể giương lên sau mỗi giải đấu thể thao. Và với 1-2 chu kỳ Olympic nữa, trách nhiệm sẽ thuộc về lãnh đạo ngành mới. Nhưng các vấn đề cụ thể như: Khâu tuyển chọn nguồn vận động viên trẻ, sử dụng chuyên gia, các chế độ dinh dưỡng, y tế, đãi ngộ với các vận động viên đã được đầy đủ và được các trung tâm huấn luyện thực hiện đúng hay chưa thì lại không được nhắc đến.
Hay câu chuyện ông Phấn kêu gọi nguồn lực xã hội hoá đầu tư cho các môn Olympic cũng đã được nhắc đến cả chục năm nay, thế nhưng cụ thể cần làm như thế nào ngành Thể thao lại không chỉ ra được.
ĐĂNG HUỲNH
Nguồn: laodong.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC