Thông báo ngày 3/6 của Ban Tôn giáo Chính phủ nêu:
“Ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) sinh năm 1981 tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại Thôn 6, xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, hiện không có địa chỉ cư trú cố định, chưa làm căn cước công dân. Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định ông Lê Anh Tú không phải là tu sĩ Phật giáo; bản thân ông Lê Anh Tú cũng không nhận mình là tu sĩ Phật giáo, chỉ là công dân tu học theo lời dạy của Đức Phật.”
Ban Tôn giáo Chính phủ là cơ quan tương đương tổng cục trực thuộc Bộ Nội vụ, có chức năng tham mưu giúp bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Thông báo của Ban Tôn giáo Chính phủ nêu:
"Bắt đầu từ năm 2017 đến năm 2023, ông Lê Anh Tú tự tu, thực hành hạnh khất thực và đã 03 lần đi bộ từ Nam ra Bắc và ngược lại, trong suốt quá trình đó, việc đi lại và thực hành hạnh nguyện của ông Lê Anh Tú diễn ra thuận lợi, không có khó khăn, cản trở và không gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự. Năm 2024 là lần thứ tư ông Tú đi bộ xuất phát từ tỉnh Khánh Hòa, theo trục đường chính lên Cao Bằng - Hà Giang và hiện nay đang đi chiều ngược trở lại, hiện đã đến khu vực miền Trung."
Cũng theo thông báo này, "trong hành trình trở về của lần đi bộ thứ tư này đã xảy ra hiện tượng tập trung đông người đi theo ông Lê Anh Tú, gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự và cảnh quan môi trường; đặc biệt, ngày 30/5/2024 đã xảy ra việc một người đàn ông trong đoàn người đi theo có tên là Lương Thanh Sơn, trú tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh bị sốc nhiệt, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa dẫn tới tử vong; tiếp theo đó là ngày 02/6/2024 có 02 người phụ nữ khi đi theo ông Tú và đoàn người đã bị sốc nhiệt, đuối sức, nằm gục trên mặt đường".
Thông báo cho biết sau sự việc đáng tiếc nêu trên, "các cơ quan chức năng đã gặp gỡ, trao đổi với ông Lê Anh Tú về việc Nhà nước nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; chính quyền các địa phương đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để ông Lê Anh Tú được đi bộ và hành trì theo ý nguyện, song cần phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân và sự ổn định xã hội. Ông Lê Anh Tú đã nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực".
Trước đó, vào sáng sớm hôm nay, nhiều thông tin trên mạng cho biết sư Thích Minh Tuệ đột nhiên "biến mất" sau khi đến địa phận tỉnh Thừa Thiên-Huế vào buổi chiều hôm trước, không ai rõ tung tích. Những người đi theo ông, trong số đó có nhiều người đi theo để sản xuất video đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, đã phải giải tán.
Phần cuối của thông báo là lời kêu gọi:
"Để bảo đảm sự ổn định xã hội, tính mạng, sức khỏe và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, mọi người dân nếu có niềm tin, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cần tìm hiểu, thực hành đúng giáo lý, giáo luật của các tôn giáo, phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và pháp luật của Nhà nước. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, không tham gia các hoạt động làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giữ gìn môi trường sinh hoạt tôn giáo ổn định, lành mạnh; góp phần xây dựng xã hội kỷ cương, vì bình yên, hạnh phúc của cộng đồng."
Báo chí nhà nước kêu gọi 'cảnh giác thế lực thù địch'
Trong thời gian gần đây, khi hành trình của sư Thích Minh Tuệ ngày càng được công chúng quan tâm và ủng hộ, báo chí nhà nước cũng bắt đầu có nhiều bài viết kêu gọi “cảnh giác”.
Vào ngày 26/5, báo An ninh thế giới đăng bài viết có nhan đề “Khi kiếp nạn sinh ra từ ‘ngáo’ mạng xã hội”.
Không nói quá nhiều đến cách tu của sư Thích Minh Tuệ, bài viết này tập trung phê phán phản ứng của cộng đồng mạng trước hiện tượng sư Minh Tuệ, mở đầu bằng con số 87.200.000 kết quả tìm kiến trên Google của từ khóa “Thích Minh Tuệ”.
Theo bài viết, con số này cho thấy “sự hiếu kỳ của thời đại mạng xã hội đã và đang tạo ra những kỳ dị xã hội mà có thể được dùng bằng hai tiếng ‘kiếp nạn’.”
Bài viết cho rằng cách tu của sư Minh Tuệ “quá ư bình thường”, nhưng lại được “ca tụng thái quá cũng như chê bai thái quá”.
Công an dẹp đường và bảo vệ trật tự khi đoàn đi qua tỉnh Quảng Trị hôm 30/5
Tới ngày 30/5, một người đi theo sư Minh Tuệ, tên là Lương Thanh Sơn, đã tử vong và các bác sĩ chẩn đoán là do sốc nhiệt.
Thứ sáu 1/6, báo Tin Tức của Thông tấn xã Việt Nam có bài viết cho rằng hình ảnh bộ hành của sư Minh Tuệ đang bị "các thế lực thù địch" lợi dụng nhằm "phỉ báng, công kích Giáo hội Phật giáo Việt Nam" và "chống phá chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta".
Báo này cũng dẫn lời đại diện chính quyền huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cáo buộc rằng nhóm người đi theo ông Minh Tuệ “đã xả rác, phóng uế bừa bãi, gây mất vệ sinh.”
Trước đó, sự cuốn hút của sư Thích Minh Tuệ đã khiến các hội đoàn Phật giáo do nhà nước quản lý lên tiếng.
Ngày 16/5, thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã gửi công văn đến ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở các tỉnh, thành phố.
Nội dung chính của công văn này khẳng định sư Minh Tuệ "không phải tu sĩ Phật giáo".
Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam lúc bấy giờ cũng ra thông báo: “Ông Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.”
Hôm qua ngày 2/6, hàng loạt tờ báo nhà nước đăng tải thông tin liên quan tới sư Minh Tuệ.
Theo bài viết ngày 2/6 trên Báo Công an Nhân Dân, cơ quan chức năng huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) đã xác nhận có thêm hai người bị sốc nhiệt trong lúc bộ hành cùng sư Minh Tuệ.
Tuy nhiên, theo xác minh của báo Lao Động, lãnh đạo các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết không tiếp nhận trường hợp liên quan vào cấp cứu điều trị.
Cũng vào ngày 2/6, một bài viết trên báo Công Thương dẫn lời dẫn lời ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP HCM, cho rằng “ông Tuệ nên tạm ẩn tu”.
Điều gì đã xảy ra ở Thừa Thiên-Huế?
Hôm qua 2/6, sau khi sư Thích Minh Tuệ cùng những người đi theo ông tới tỉnh Thừa Thiên-Huế, đoàn đã được “điều hướng” sang đường tránh, thay vì đi xuyên qua trung tâm thành phố Huế.
Tới sáng sớm hôm nay, khi mọi người tìm tới khu vực sư Thích Minh Tuệ nghỉ vào đêm hôm qua thì không còn bóng dáng ông nữa.
Nhiều người dân bày tỏ sự lo lắng, nói rằng chỉ muốn nhìn thấy sư Thích Minh Tuệ để biết ông vẫn đang an toàn.
Bên cạnh đó, có những bức hình chụp sư Minh Tuệ được một cán bộ công an lấy dấu vân tay đang được lan truyền trên mạng xã hội.
Facebook chính thức của Kenh14.vn, một trang truyền thông tổng hợp nổi tiếng có giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, cho biết sư Thích Minh Tuệ “được cán bộ công an hỗ trợ làm căn cước công dân”.
Một hình chụp xe cảnh sát mang biển số 75A (tỉnh Thừa Thiên-Huế) chở một số người giống nhà sư (do hình ảnh không rõ) cũng được lan truyền trên mạng xã hội.
BBC chưa độc lập xác định được thời điểm các bức ảnh được chụp.
Cũng trong buổi sáng hôm nay, đã xuất hiện các bức ảnh chụp một số nhà sư ăn tại một quán phở ở xã Kỳ Liên, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Đây là những người từng đi trong đoàn của sư Thích Minh Tuệ.
Không có sư Thích Minh Tuệ trong những hình chụp này.
BBC đã liên lạc với quán phở nói trên và được xác minh đúng là những nhà sư kia đã đến quán vào khoảng 8 giờ sáng hôm nay ngày 3/6.
Họ đã ăn bún chay xì dầu.
"Các thầy kể lúc tối chính quyền vào cuộc tách mọi người ra hết, mỗi nhóm mỗi nơi, cho nên bây giờ các thầy cũng không biết thầy Minh Tuệ ở đâu," nhân viên quán thuật lại với BBC.
Theo lời nhân viên từ quán phở, sau khi ăn xong thì các nhà sư đã đón xe đi mỗi người một hướng.
Tuy nhiên, có một người trong nhóm (thường được dân mạng gọi là Kim Cang) rời quán vào buổi trưa và nói rằng sẽ đi tìm sư Thích Minh Tuệ.
Báo Thanh Niên dẫn nguồn tin từ cơ quan chức năng tại Thừa Thiên-Huế cho biết sau khi sư Thích Minh Tuệ dừng cuộc đi bộ khất thực, lực lượng chức năng “đã hỗ trợ đưa ông đến nơi mà ông mong muốn”.
Tại đây, sư Thích Minh Tuệ đã được chính quyền địa phương hỗ trợ làm căn cước công dân “để có giấy tờ tùy thân, đảm bảo quyền công dân theo quy định pháp luật”.
Nguồn: BBC
© 2024 | Thời báo ĐỨC