So sánh thượng đỉnh Biden - Putin và Trump - Putin

Trong hội nghị thượng đỉnh với Biden, Putin không đến muộn, không họp báo chung và không thuyết phục được Biden bằng các lập luận của mình như với Trump.

Ba năm trước, Tổng thống Donald Trump kết thúc hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin bằng một thông báo gây chấn động thế giới: Ông ủng hộ tuyên bố của Putin rằng Nga không can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, bất chấp phát hiện từ các quan chức tình báo của chính ông. Fiona Hill, khi đó là cố vấn hàng đầu về Nga của Trump, mô tả đó là "cảnh tượng khủng khiếp".

1 So Sanh Thuong Dinh Biden   Putin Va Trump   Putin

Tổng thống Putin (trái) và Tổng thống Biden tại Thụy Sĩ ngày 16/6. Ảnh: AFP.

Hội nghị thượng đỉnh tại Thụy Sĩ ngày 16/6 giữa Putin và Biden đã diễn ra với những điểm khác biệt rõ rệt với những cuộc gặp gỡ không theo chuẩn mực của Trump.

Mối quan hệ Nga - Mỹ giờ căng thẳng hơn đáng kể so với thời chính quyền Trump. Kể từ khi nhậm chức, Biden đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga vì các cáo buộc tấn công mạng và vi phạm nhân quyền. Ông cũng ông đồng ý với cách mô tả Putin là "kẻ giết người".

Trong khi chính quyền Trump cũng áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt chống lại Nga, chúng có rất ít tác dụng và thường mâu thuẫn với những bình luận tâng bốc của Trump về Putin. Trong khi đó, cuộc gặp của Biden với lãnh đạo Nga có phương hướng khác ngay cả trước khi nó bắt đầu: Thay vì đưa ra những cử chỉ hữu nghị, Biden tuyên bố ông sẽ dùng cơ hội này để nói rõ rằng Mỹ sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành vi sai trái nào.

Trong khi Putin nhiều lần khiến các lãnh đạo thế giới phải chờ đợi và đã đến muộn 45 phút trong cuộc gặp đầu tiên với Trump, ông đến đúng giờ trong hội nghị thượng đỉnh với Biden. Theo lịch trình, Putin được ấn định là người đến trước và một số người coi đây là chiến thắng cho Biden.

2 So Sanh Thuong Dinh Biden   Putin Va Trump   Putin

Tổng thống Trump (trái) và Tổng thống Putin tại họp báo chung sau hội đàm ở Helsinki năm 2018. Ảnh: Reuters.

Năm 2018, Trump và Putin đã tổ chức một họp báo chung sau cuộc gặp ở Helsinki. Tuy nhiên, hôm 16/6, Biden và Putin đã họp báo riêng, động thái nhấn mạnh khoảng cách giữa hai lãnh đạo nhưng cũng tránh được tình trạng người này lấn át người kia.

"Đây không phải là cuộc thi xem ai có thể làm tốt hơn trong một cuộc họp báo hay cố gắng làm xấu mặt nhau", Biden nói vào cuối tuần trước.

Mặc dù Trump đã gặp Putin ít nhất 5 lần, phần lớn những gì họ trao đổi vẫn là một bí ẩn. Trong hội nghị thượng đỉnh Helsinki, tất cả mọi người, trừ phiên dịch viên, được yêu cầu rời khỏi phòng. Sau cuộc họp ở Đức, Trump đã thu lại ghi chú của phiên dịch viên và yêu cầu giữ bí mật chi tiết cuộc thảo luận, không thông báo cho các quan chức chính quyền khác. Ngay cả hồ sơ mật cũng không có dữ liệu về những gì đã diễn ra sau cánh cửa đóng kín.

Ngược lại, trong cuộc họp ngày 16/6, Biden được tháp tùng bởi Ngoại trưởng Antony Blinken trong hai phiên họp đầu tiên và các phụ tá trong cuộc họp mở rộng thứ hai.

Trong hai cuộc họp báo riêng, cả Biden và Putin đều nói rằng cuộc gặp này mang tính xây dựng. Nhưng trong khi hai lãnh đạo đều đưa ra giọng điệu chủ yếu là tích cực, căng thẳng hiển hiện rõ ràng. Putin tiếp tục phủ nhận cáo buộc Nga liên quan đến các cuộc tấn công mạng và bác bỏ câu hỏi về cách đối xử với thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny.

Trái ngược với những bình luận của Trump tại hội nghị thượng đỉnh Helsinki 2018, Biden cho thấy ông không bị thuyết phục bởi những lập luận của Putin. Tổng thống Mỹ nói rằng ông đã nhấn mạnh cần có "một số quy tắc cơ bản mà tất cả chúng ta có thể tuân thủ" và khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục "nêu ra các vấn đề nhân quyền cơ bản".

Putin nhận xét Biden là một "chính khách giàu kinh nghiệm" và nhấn mạnh Biden "rất khác Trump". Tổng thống Nga cho rằng ông và Biden có "cùng ngôn ngữ", nhưng nhấn mạnh họ không thiết lập tình bạn mà là đây chỉ là cuộc đối thoại thực dụng về lợi ích của hai nước.

Trước khi cuộc gặp diễn ra, giới chuyên gia đã đánh giá Putin giành được chiến thắng ngoại giao với bản thân cuộc hội đàm. Việc người đồng cấp Mỹ mời ông gặp thượng đỉnh đã là đủ, vì đó là dấu hiệu cho thấy sự tôn trọng đối với nước Nga, điều ông luôn mong muốn trong hơn hai thập kỷ cầm quyền.

"Một trong những động lực quan trọng thúc đẩy chính sách đối ngoại của Putin là mong muốn khôi phục nước Nga trở lại vị trí xứng đáng trên trường quốc tế. Những sự kiện kiểu này đóng vai trò rất quan trọng trong mục tiêu đó", Mark Galeotti, giáo sư nghiên cứu về Nga tại Đại học London, nhận xét. "Bản thân cuộc gặp đã là một chiến thắng".

Trong khi đó, ban biên tập USA Today viết trong một bài xã luận rằng Biden đã đúng khi sắp xếp cuộc gặp thượng đỉnh. Nga, mặc dù có điểm yếu là nền kinh tế quá phụ thuộc vào dầu và khí đốt tự nhiên, vẫn sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân hơn bất kỳ quốc gia nào. Các cáo buộc của Mỹ nhằm vào Nga, như dung túng tội phạm mạng, can thiệp bầu cử Mỹ, bắt người bất đồng chính kiến như Alexei Navalny hay cầm tù phi lý các cựu lính thủy đánh bộ Mỹ, khiến Biden bắt buộc phải gặp Putin trực tiếp để vạch ra lằn ranh đỏ.

Tất cả những vấn đề kể trên và các vấn đề khác đã được thảo luận vào hôm 16/6. Putin ám chỉ một giải pháp cho những người Mỹ bị bỏ tù. Biden nói rõ rằng ông sẽ trả đũa nếu các cuộc tấn công mạng vẫn tiếp tục xảy ra.

"Cần chờ xem liệu có tiến bộ thực sự nào hay không", USA Today viết. "Nhưng điều nước Mỹ cần là chứng kiến lãnh đạo tham gia các cuộc đàm phán cần thiết, nghiêm túc mà không làm xấu mặt bản thân hoặc đất nước của mình. Xét trên phương diện đó, hội nghị Geneva đã là một câu chuyện ngoại giao thành công với Mỹ".

Phương Vũ (Theo Washington Post/ USA Today)


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày