"Quân khuyển" ở Trường Sa

Chẳng biết tự bao giờ, những chú chó được mang từ đất liền ra huyện đảo Trường Sa để làm bạn với cán bộ chiến sỹ và nhân dân trên đảo được gọi là “quân khuyển”. Chó ở Trường Sa không chỉ là người bạn quấn quýt bên cạnh quân và dân huyện đảo mà còn làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ trận địa, các vị trí chiến đấu xung yếu.

132 1 Quan Khuyen O Truong Sa

Hôm ra thăm đảo Cô Lin, đàn “quân khuyển” nơi đây luôn đi theo chúng tôi.

Cách đây vài năm, Trường Trung cấp 24 Biên phòng (thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) chuyên đào tạo, huấn luyện chó nghiệp vụ đã đưa 1 đội chó nghiệp vụ huấn luyện thử nghiệm chống địch đột nhập bất ngờ ra làm nhiệm vụ tại huyện đảo Trường Sa. Đến thăm đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi được chiêm ngưỡng những chú chó chiến binh hùng dũng.

Để thích nghi môi trường sống và địa bàn tác chiến, cán bộ huấn luyện phải tập cho các "đặc nhiệm" này không những làm quen với gió biển, chạy được trên cát, không sợ sóng lớn, có thể vừa bơi vừa chiến đấu được mà còn phải ăn được cả cá biển, cơm, rau, thịt hộp...

Bây giờ, cả hai đội quân "đặc nhiệm" và "thủy quân" đều thuần thục các phương án tác chiến. Không những thế, đội “quân khuyển” còn là bạn bè thân thiết với đám trẻ nhỏ trên đảo. Mỗi khi chiều về, đám trẻ cùng bầy chó nô đùa làm làm huyên náo cả đảo Trường Sa Lớn, gợi lên một cảm giác rất đỗi yên bình cho khách đến thăm đảo.

132 2 Quan Khuyen O Truong Sa

Cán bộ chiến sĩ ở đảo Đá Lớn C cho biết, ngoài chó nghiệp vụ thì ở Trường Sa còn có rất nhiều chú khác do quân dân ra đảo làm nhiệm vụ mang theo. Như ở đảo Đá Lớn C, ban đầu đảo chỉ nuôi một cặp chó đực và cái. Chỉ vài năm sau, chúng đã đẻ hơn chục con và được chiến sĩ đảo huấn luyện như những “quân khuyển” thực thụ.

Tại mỗi đảo chìm thuộc huyện đảo Trường Sa như Đá Cô Lin, Đá Đông, Đá Lát, Đá Núi Le, Đá Tây, Đá Tiên Nữ, Đá Tốc Tan, Bãi Thuyền Chài... cán bộ chiến sĩ nơi đây nuôi hàng chục chú “quân khuyển” trên mỗi điểm đảo. Những chú “quân khuyển” ở đảo chìm tinh anh khác thường, mỗi khi phát hiện vật thể lạ trôi gần bờ hoặc tiếng động khác thường giữa đêm khuya, các chú chó sẽ sủa báo động cho bộ đội.

Chúng tham gia vào hầu hết công việc của bộ đội, từ tuần tra, canh gác, bắt cá, săn bạch tuộc, cứu giúp ngư dân bị nạn, và cả góp mặt trong đội hình đón các đoàn khách từ đất liền ra thăm... Khi có người lạ tham quan đảo, những chú chó sẽ chỉ đi theo sau. Tuy nhiên, nếu ai đó có biểu hiện xâm nhập trái phép những ''điểm cấm'', ''điểm nhạy cảm'', nơi đặt tấm biển ''cấm quay phim chụp ảnh'', chúng sẽ lao vào tấn công.

132 3 Quan Khuyen O Truong Sa

“Quân khuyển” ở đảo Thuyền Chài vốn dữ dằn. Hôm chúng tôi đến thăm đảo, cán bộ chiến sĩ đảo Thuyền Chài nựng đàn chó để đảm bảo an toàn cho khách thăm.

Ngoài tính kỷ luật, giác quan vô cùng nhạy bén và tài bơi biển, săn cá thì chó ở Trường Sa luôn dành tình cảm vô điều kiện cho các chiến sĩ. Ngay cả khi đoàn khách đến thăm, khách chỉ lưu lại một buổi hay vài tiếng và rời đi, đàn chó lại tiễn ra tận mép nước, dõi ánh mắt theo chiếc xuồng ngày càng xa dần.

Rồi một năm có hai đợt thay thu quân, chia tay các chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ, những chú chó cố hết sức bơi theo chiếc xuồng máy chở các chiến sĩ về đất liền như không bao giờ muốn rời xa. Cảnh tượng này khiến những người lính dạn dày sương gió cũng phải quay mặt đi, giấu những giọt nước mắt ly biệt.

132 4 Quan Khuyen O Truong Sa

Bầy “quân khuyển” là bạn với lũ trẻ trên xã đảo Sinh Tồn.

132 5 Quan Khuyen O Truong Sa

Đàn “quân khuyển” tỏ vẻ thân thiện và quyến luyến với những cán bộ của Văn phòng Quốc hội ra thăm đảo Cô Lin.

132 6 Quan Khuyen O Truong Sa

Khách thăm đảo Tiên Nữ nô đùa cùng bầy “quân khuyển”.

132 7 Quan Khuyen O Truong Sa

Đàn “quân khuyển” trên Đảo Tiên Nữ.

TRỊNH THÔNG THIỆN

Nguồn: laodong.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày