Lễ hội được tổ chức với mục đích cầu mong năm mới gặp nhiều may mắn. Nhóm phụ nữ gồm khoảng 40 người địa phương ở Inazawa, tỉnh Aichi, Nhật Bản, chuẩn bị tham dự lễ hội Hadaka Matsuri được tổ chức thường niên vào tháng 2 tại đền Konomiya.
Truyền thông Nhật Bản cho biết, các du khách nữ vẫn sẽ mặc trang phục bình thường, tránh cuộc đụng độ bạo lực truyền thống của cánh nam giới diễn ra trong đền.
Theo truyền thống, hàng nghìn nam giới tham dự lễ hội chỉ mặc fundoshi - một loại khố truyền thống màu trắng, đi tất chân và quấn khăn. Họ liên tục đụng độ với nhau trong đền với mục đích mang điều xui xẻo sang "người được chọn".
Nam giới tham dự ngày hội chỉ mặc chiếc khố trắng truyền thống, chân đi tất và quấn khăn trên đầu (Ảnh: News).
Trong khuôn khổ buổi lễ, người tham dự là nam giới trong tình trạng bán khỏa thân sẽ tranh nhau giành lấy một trong hai thanh gỗ dài 20cm được đạo sĩ ném vào đám đông. Người nào chụp được cây gậy sẽ may mắn cả năm.
Bên cạnh việc cầu may, lễ hội còn kỷ niệm mùa màng bội thu, mong năm mới thịnh vượng. Thông thường buổi lễ sẽ tiến hành vào 15h20 theo giờ địa phương.
Tờ Mainichi cho biết, đây là lần đầu tiên phụ nữ địa phương được tham dự sự kiện với tuổi đời hàng nghìn năm. Khác với những năm trước, năm nay, nhóm phụ nữ sẽ vào đền thực hiện nghi thức dâng cỏ tre khác với thời điểm của cánh mày râu.
Cô Ayaka Suzuki, 36 tuổi, rất hào hứng khi biết mình nằm trong danh sách được tham dự. Cô cho biết đã mong muốn được hòa mình vào ngày hội từ khi còn là một cô bé. Ayaka từng mong ước mình là nam giới để được tham dự.
Hàng nghìn người chen nhau để giành lấy cây gậy may mắn (Ảnh: Times).
Hiện đảm nhận vai trò phó chủ tịch một nhóm phụ nữ ủng hộ quyền nữ giới, cô Ayaka nhiều lần lên tiếng bày tỏ nguyện vọng để phái nữ đóng vai trò nhất định trong buổi lễ trọng đại này của địa phương.
Ngày hội năm nay dự kiến sẽ có khoảng 10.000 người tham gia. Đây cũng là ngày hội khỏa thân lớn nhất của Nhật Bản.
Chia sẻ với phóng viên của SCMP, ông Mitsugu Katayama, một thành viên trong ban tổ chức cho biết, họ không thể tổ chức lễ hội như trước kể từ thời điểm xuất hiện đại dịch. Sau đó, ban tổ chức nhận được nhiều ý kiến từ phụ nữ địa phương với mong muốn được dự như nam giới.
Với động thái mới của năm nay, những nhà hoạt động vì quyền phụ nữ đã lên tiếng khen ngợi và cho rằng đây là bước đi cần thiết cho quyền bình đẳng.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC