Mới đây, PGS.TS Đinh Công Hướng - giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, thành viên Hội đồng ngành toán Quỹ Nafosted (Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia) - có đơn xin rút khỏi hội đồng này sau khi có phản ảnh ông có vi phạm liêm chính khoa học.
PGS.TS Đinh Công Hướng trao đổi với phóng viên Dân trí (Ảnh: Hoài Nam).
Theo phản ánh này, PGS.TS Đinh Công Hướng trước đây là giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Quy Nhơn, nhưng thống kê từ MathSciNet (cơ sở dữ liệu thư mục trực tuyến ngành toán của Hiệp hội Toán học Hoa Kỳ), tác giả Đinh Công Hướng có tất cả 42 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó có 13 công trình đứng tên Trường Đại học Tôn Đức Thắng và 4 công trình đứng tên Trường Đại học Thủ Dầu Một.
Phản ánh này cũng liệt kê nhiều bài báo của tác giả Đinh Công Hướng đăng trên các tạp chí từ năm 2020 đến năm 2022 đều được ghi địa chỉ tại hai trường đại học này.
Ngày 3/11, PGS.TS Đinh Công Hướng chia sẻ với phóng viên Dân trí về sự việc gây xôn xao.
Thưa ông, được biết ông gửi lời xin lỗi và có đơn xin rút khỏi Hội đồng ngành toán Quỹ Nafosted?
- Tôi gửi đơn vào ngày 31/10 vừa qua. Đây là quyết định rất nhanh chóng của tôi ngay khi thấy có phản ánh không hay về mình.
Đây là việc tôi cần phải làm và làm ngay. Để được vào đội ngũ hội đồng ngành của Quỹ Nafosted, tôi được biết bên quỹ sẽ lấy giới thiệu từ cộng đồng các nhà khoa học trong nước và hình như cả các nhà khoa học nước ngoài.
Có thể có nhiều ứng viên còn giỏi hơn mình, có nhiều khía cạnh khác họ tốt hơn mình. Nhưng cộng đồng anh em, đồng nghiệp toán đã cân nhắc, tin tưởng giới thiệu tôi vào hội đồng. Tiếp đó, quỹ phải xem xét, cân nhắc để có quyết định chính thức tiếp nhận mình.
Cộng đồng các nhà khoa học đã tin tưởng mình. Khi họ phát hiện điều chưa tốt về tôi thì họ lên tiếng phản ánh.
Không nói đến mức độ sai đúng trong sự việc như thế nào nhưng lúc này, tôi thấy mình cần chủ động xin rút. Bởi mục tiêu cuối cùng là để làm sao hội đồng quy tụ được những người phù hợp nhất, được tin tưởng nhất.
Trong đơn, tôi trình bày nhận thấy khuyết điểm của mình, kính mong cho tôi rút tên khỏi danh sách Hội đồng ngành toán của Quỹ Nafosted. Tôi cũng gửi lời xin lỗi vì đã làm ảnh hưởng đến hội đồng.
Sáng nay, tôi cũng đã nhận được phản hồi từ TS Phạm Đình Nguyên, Giám đốc điều hành Quỹ Nafosted về việc quỹ sẽ xin ý kiến từ Hội đồng khoa học ngành toán về sự việc, sau đó sẽ có phương án trình hội đồng quản lý quỹ.
Ông nghĩ thế nào khi việc bán bài nghiên cứu của mình cho một số trường đại học được cho là vi phạm liêm chính khoa học?
- Khi có phản ánh, tôi cũng đã báo cáo giải trình với đơn vị tôi đang công tác là Trường Đại học Công nghiệp TPHCM.
Sự việc xảy ra khi tôi còn là giảng viên cơ hữu tại Trường Đại học Quy Nhơn. Khi đó, tôi có ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học với Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Thủ Dầu Một.
Trường Đại học Quy Nhơn không có quy định giảng viên cơ hữu không được ký hợp đồng nghiên cứu khoa học với trường khác. Trường chỉ yêu cầu giảng viên hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học ở trong trường.
Tôi viết nhiều, tôi luôn hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tại trường nếu không muốn nói là... thừa rất nhiều. Nhiều năm liền tôi thừa giờ nghiên cứu khoa học theo quy định của trường, thừa đến cả nghìn giờ.
Không phải tất cả nhưng phần lớn chất lượng công trình, bài viết của tôi được đánh giá cao. Tôi thích toán, tôi mê toán lắm!
Tôi cũng muốn trải lòng, việc nghiên cứu của tôi không sử dụng cơ sở vật chất, phòng lab (thí nghiệm) của đơn vị cơ hữu. Tôi không dùng cơ sở vật chất của nơi này làm nghiên cứu cho nơi khác. Nghiên cứu toán, tôi chỉ sử dụng cái laptop cùng chất xám của mình.
Còn bây giờ ký hợp đồng làm việc tại Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, tôi thấy có quy định rõ ràng và chế tài về vấn đề này, nếu vi phạm sẽ xử lý rất nghiêm.
Tại đây, những công trình nghiên cứu có thể được trường quy đổi ra giờ giảng dạy, được chi trả, được tính vượt trội, khen thưởng, ghi nhận... Những điều này giúp tôi yên tâm công tác.
Ông bán bài báo nghiên cứu của mình cho các trường xuất phát từ áp lực kinh tế, cần kiếm tiền cải thiện cuộc sống?
Ông Hướng chia sẻ, việc bán bài nghiên cứu trước đây để kiếm thêm thu nhập (Ảnh: Hoài Nam).
- Sự thật đúng là như vậy! Để viết được một bài nghiên cứu rất khó, rất khổ, phải đổ nhiều công sức, trải qua nhiều công đoạn. Đi cùng đó cũng là cảm xúc rất sung sướng, hạnh phúc, giống như mình nhìn đứa con mình vậy.
Nhiệm vụ mình đã hoàn thành tốt. Công sức đổ ra nhiều như vậy, tôi nói thật, tôi cũng mong muốn có thù lao, có thêm thu nhập.
Đại diện Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cho biết, ông Đinh Công Hướng đã có báo cáo giải trình về sự việc gửi trường.
Ông Đinh Công Hướng chính thức về công tác tại Đại học Công nghiệp TPHCM từ tháng 3/2023 tại khoa Công nghệ Động lực.
Tôi là người miền núi, đời cha mẹ rất khổ, đời mình cũng lớn lên từ củ khoai, củ sắn. Mình được như thế này, tôi cũng mong muốn đời con mình sẽ được cải thiện hơn.
Để kiếm tiền, cải thiện kinh tế tôi cũng chỉ biết lấy từ năng lực, chất xám của mình. Tôi dùng chất xám của mình để kiếm thêm thu nhập, tạo dựng cuộc sống.
Chuyện sai đúng trong sự việc đến đâu, thật sự tôi không biết phải nói thế nào lúc này. Tùy góc độ nhìn nhận của mọi người, còn bản thân tôi rất áy náy.
Tôi rất mong sự việc qua đi để mình có thể tập trung cho công việc hiện tại. Mấy hôm nay, tôi vẫn lên lớp giảng dạy bình thường nhưng không nghiên cứu được gì. Làm khoa học phải thật tĩnh tâm mới làm được.
Cám ơn ông về cuộc trao đổi thẳng thắn!
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC