Dịch Covid-19 đã không chừa một ai, từ các doanh nghiệp nhỏ cho tới những tập đoàn nổi tiếng là hùng mạnh nhất.
Sau khi một loạt các cửa hiệu bán quần áo Pháp như Naf Naf, Camaieu, La Halle (aux Vêtements & Chaussures) tuyên bố phá sản, đến phiên thương hiệu thời trang Zara thông báo đầu tuần này đóng 1.200 cửa hàng trên thế giới.
Xếp hàng chờ vào một cửa hiệu Zara ở Paris, Pháp. Ẩnh chụp ngày 11/05/2020 REUTERS – Benoit Tessier
Zara là một trong những thương hiệu y phục may sẵn lớn nhất thế giới và cũng là niềm tự hào của tập đoàn Tây Ban Nha Inditex. Được thành lập cách đây gần nửa thế kỷ (vào năm 1975), tập đoàn Inditex còn nắm giữ, ngoài Zara, một số thương hiệu lớn khác như Pull & Bear, Massimo Dutti, Oysho hay là Stradivarius. Doanh thu trong năm 2019 của Inditex đạt tới mức 12,8 tỷ euro, cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn Thụy Điển H&M và tập đoàn GAP của Hoa Kỳ.
Thế nhưng, dịch Covid-19 đã đánh một đòn thật mạnh vào rất nhiều ngành kinh tế, trong đó ngành thời trang may sẵn là một trong những nạn nhân kinh tế đầu tiên. Trong thời gian phong tỏa, tất cả các cửa hàng buộc phải đóng cửa, doanh thu tập đoàn Inditex đã giảm 44%, tương đương với 410 triệu euro thất thu trong quý đầu tiên của năm 2020. Để so sánh, tập đoàn này đã thu được 734 triệu euro lợi nhuận, vào cùng thời kỳ năm 2019. Vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất, 88% các địa điểm bán hàng Zara trên thế giới đều phải ngưng hoạt động.
Đây là lần đầu tiên, doanh thu của Inditex bị giảm sút mạnh mẽ, kể từ khi tập đoàn này được đưa vào sàn giao dịch chứng khoán vào năm 2001. Trong tình huống này ban giám đốc phải tuyên bố đóng cửa 1.200 trên tổng số 7.412 cửa hàng trên thế giới, tức khoảng gần 20% để vượt qua những khó khăn tài chính. Các cửa hàng buộc phải đóng cửa chủ yếu nằm ở châu Âu và châu Á. Điều đó làm cho giới nhân viên của Zara, phần lớn là trong khâu bán hàng, càng thêm lo lắng cho tương lai của họ.
Trước mắt, ban giám đốc Zara thông báo không muốn sa thải các nhân viên làm việc tại 1.200 cửa hiệu của mình. Giới nhân viên trong thời gian đầu sẽ chuyển qua làm việc tại nhiều khâu khác, chẳng hạn như tăng cường số nhân viên trong khâu bán hàng trực tuyến. Trong suốt thời gian phong tỏa, dịch vụ bán hàng trên mạng đã hoạt động khá tốt, giúp cho thương hiệu này hạn chế phần nào mức thất thu. Tuy nhiên, việc kinh doanh trên mạng trong những tháng vừa qua vẫn chưa đủ để bù đắp mức thâm hụt.
Cho dù, nhiều cửa hàng thời trang Zara hiện giờ đã bắt đầu hoạt động trở lại, thế nhưng người tiêu dùng vẫn giữ thái độ thận trọng rụt rè, chuyện mua sắm của họ vẫn còn ở một mức khiêm tốn. Theo nghiên cứu thị trường gần đây nhất, lượng khách đi mua sắm tại các cửa hàng thời trang nói chung vào đầu tháng 06/2020 đã giảm 59% so với cùng thời kỳ năm 2019. Dường như các biện pháp giãn cách xã hội đã tạo thêm nhiều rào cản vô hình trong tâm lý người tiêu dùng.
Thích nghi với hoàn cảnh mới, Zara hy vọng tăng cường các dịch vụ kinh doanh trên mạng bằng cách bơm 2,7 tỷ euro từ đây cho tới năm 2022. Khoản đầu tư này một mặt nhằm cải tổ mạng kỹ thuật số của thương hiệu Zara, mặt khác đầu tư một phần vào việc đào tạo nhân viên nhằm mục tiêu tăng cường công nghệ thương mại điện tử và tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ bán hàng trực tuyến.
Theo bước đầu kế hoạch, Zara sẽ đầu tư để nâng cấp ứng dụng của mình dành cho điện thoại di động, với chức năng định vị các sản phẩm thời trang tại các cửa hàng. Nói cách khác, khách hàng có thể đặt mua trên mạng, nhưng nếu muốn họ vẫn có thể biết rõ những loại áo quần nào đang được bày bán trong các cửa hàng gần nhà, họ có thể tới mua tại chỗ và đặt ký giữ trước phòng thay đồ, mặc thử quần áo.
Việc triển khai công nghệ số cũng như dịch vụ bán hàng trực tuyến giúp tăng cường các điểm bán hàng quan trọng nhất của thương hiệu Zara. Thương hiệu này nuôi tham vọng tăng thêm mức doanh thu nhờ bán hàng trực tuyến vào năm 2022. Hiện giờ kinh doanh trên mạng tương đương với 14% tổng doanh thu hàng năm. Zara muốn nâng mức thương mại trực tuyến từ 14% lên thành 25% doanh thu tức là gần gấp đôi vào năm 2022.
Cũng như các tập đoàn Gap và H&M, Zara muốn phát triển thêm các dịch vụ trên mạng, dùng internet để tăng doanh thu. Tuy nhiên trên thực tế, cho dù có cố gắng cách mấy trong việc thay đổi mô hình kinh doanh, và tuy các chính phủ châu Âu, kể cả Pháp, Đức hay Tây Ban Nha đều đang triển khai kế hoạch hỗ trợ các ngành kinh tế, nhưng Zara cũng như nhiều thương hiệu thời trang may sẵn khác nếu muốn tồn tại trong tương lai, cũng khó mà tránh khỏi chuyện sa thải.
Nguồn: rfi.fr
© 2024 | Thời báo ĐỨC