Những điều khiến Elon Musk trở nên khác biệt

Một tay chống đỡ Tesla và SpaceX trước bờ vực phá sản, Elon Musk từ kẻ bị xem là điên rồ thành người đầu tiên sở hữu 300 tỷ USD.

Tháng 8/2008, Elon Musk thích thú theo dõi tên lửa Falcon 1 do công ty SpaceX của ông chế tạo, được phóng từ một hòn đảo ngoài khơi Thái Bình Dương. Ngay sau đó, ông không khỏi kinh hãi khi chứng kiến nó rơi mất kiểm soát trong giai đoạn tách ra khỏi bệ phóng.

Tên lửa gồm một vệ tinh của Không quân Mỹ và hài cốt của nam diễn viên quá cố James Doohan - người từng đóng vai Scotty trong Star Trek, đã bị rơi xuống đại dương. Đây là cú thất bại thứ ba của SpaceX trong việc phóng vệ tinh lên quỹ đạo. Elon Musk cũng cạn ngân sách cho những lần phóng khác.

"Tôi nghĩ rằng, nếu sau ba lần vẫn không thể đưa thứ này vào quỹ đạo, chúng tôi thật đáng chết", ông nói.

Vài tuần sau, tỷ phú gốc Nam Phi này tập hợp các giám đốc điều hành hàng đầu của Tesla và thông báo rằng họ sắp hết tiền. Công ty non trẻ đã tiêu hết hàng triệu USD tiền đặt cọc mà khách hàng đã trả để mua được chiếc Roadster cao cấp mà công ty hứa hẹn nhưng vẫn chưa giao. Elon Musk quyết định sa thải CEO, bổ nhiệm mình vào vị trí này và đưa ra kế hoạch cắt giảm 25% lực lượng lao động.

Trong bữa tối với một nhà đầu tư tại nhà hàng ở Beverly Hills, ông tâm sự rằng công ty chỉ còn tiền mặt đủ chi trong ba tuần. Sau đó, Elon Musk rút chiếc BlackBerry của mình ra và cho nhà đầu tư xem bức ảnh mô phỏng mẫu sedan hạng sang mà ông dự định chế tạo tiếp cho Tesla.

1 Nhung Dieu Khien Elon Musk Tro Nen Khac Biet

Elon Musk trình bày về thiết bị kết nối não bộ con người Neuralink trong một cuộc giới thiệu trực tiếp vào năm 2020. Ảnh: Flickr/Steve Jurvetson.

Đó là thời điểm tồi tệ đối với SpaceX và Tesla khi đứng trước bờ vực phá sản. Cùng lúc, Lehman Brothers vừa mới sụp đổ và hệ thống tài chính toàn cầu đang chao đảo không ngừng. Chung ngành ôtô, General Motors, Ford và Chrysler cũng sắp phá sản. Áp lực kinh doanh đã đành, lúc này Elon Musk còn gánh thêm tai tiếng tình trường khi vợ cũ không ngừng đấu tố ông trên báo chí. Bạn gái mới, nữ diễn viên Talulah Riley, từng tiết lộ rằng Elon Musk hay thức giấc vào nửa đêm, la hét vì ác mộng và đau đớn về thể xác.

Những nỗi đau và kinh sợ của Elon Musk đã được ghi chép lại trong nhiều năm, trong đó có quyển tiểu sử năm 2015 của Ashlee Vance cũng như các cuốn sách về cuộc đua tư nhân hóa ngành hàng không vũ trụ của Christian Davenport và Tim Fernholz. Hai cuốn sách đều được viết với sự hợp tác của chính Elon Musk. Hai quyển trên cũng cho thấy, thành công của ông đến từ sự hiểu biết sâu sắc về vật lý và công nghệ nền tảng cho các sản phẩm của mình.

Ngoài ra, ông còn là nhân vật chính cho nhiều quyển sách như "Liftoff" của tác giả Eric Berger. Đây là những trang sách lật ngược thời gian đầy sinh động, tập trung vào những thăng trầm trong những năm đầu của SpaceX. Hay "Power Play" của phóng viên Tim Higgins từ Wall Street Journal, là một biên niên sử sâu sắc và dày dặn tri thức về kinh doanh của Tesla từ sự ra mắt chiếc Roadster cao cấp vào năm 2009 đến chiếc sedan hạng sang Model S và sau đó là Model 3 - xe điện tốt nhất thế giới. Những quyển sách trên khắc họa sâu sắc niềm đam mê mãnh liệt của Elon Musk trước sứ mệnh "giả cứu hành tinh" và "chiếm giữ sao Hỏa".

Vào thời điểm cực hạn tài chính của Tesla hồi cuối năm 2008, Elon Musk quyết định giảm giá gấp đôi các mẫu xe. Cá nhân ông đã vay tiền để giữ cho công ty tồn tại và tìm các nhà đầu tư phù hợp. Khi họ miễn cưỡng đồng ý, ông rơi nước mắt. Higgins viết: "Tài sản của anh ấy giờ đều nằm trên lằn ranh nguy hiểm. Từ cuộc Đại suy thoái đến nay, anh ấy đã làm được điều mà các nhà sản xuất ôtô khác của nước Mỹ không thể: tránh phá sản".

Không chỉ cứu Tesla, doanh nhân này còn hồi sức cho SpaceX. Ông đã tập hợp các nhân viên của công ty và nói rằng, họ đã đủ điều kiện cho lần thử thứ tư. "Chúng ta có một tên lửa khác, chúng ta sẽ quay trở lại bệ phóng và khởi động nó sau sáu tuần", ông nói trước toàn thể nhân viên SpaceX.

Sáng ngày 28/9/2008, Elon Musk đi cùng em trai và các con đến Disneyland, cả nhà cùng chơi tàu lượn siêu tốc Space Mountain. Sau đó, ông quay trở lại trụ sở SpaceX để ngồi trên ghế chỉ huy. Trong hơn chín phút, ông và đội ngũ của mình không rời mắt trên màn hình khi tên lửa cất cánh một cách hoàn hảo. Giai đoạn thứ hai tách ra mà không gặp bất cứ trở ngại nào và cuối cùng, tên lửa đã đi vào quỹ đạo. Trên sàn nhà máy, hơn 100 nhân viên bắt đầu nhảy và la hét vì sung sướng. Công ty của họ đã được cứu và chuyến bay vào vũ trụ tư nhân sẽ trở thành hiện thực.

Sau đó, Elon Musk bước tới và nhắc họ còn nhiều việc phải làm. "Đây chỉ là bước đầu tiên", ông khẳng định.

2 Nhung Dieu Khien Elon Musk Tro Nen Khac Biet

Lần phóng Falcon 1 thành công đầu tiên vào tháng 9/2008. Ảnh: SpaceX.

Cùng lúc đó, trưởng nhóm thiết kế ôtô của Elon Musk đang chuẩn bị đến làm việc tại nhà máy SpaceX. Vị thống soái lúc bấy giờ đang 38 tuổi, đã yêu cầu người trưởng nhóm này sản xuất một mẫu thử nghiệm của Model S, chiếc sedan hạng sang chạy hoàn toàn bằng điện. Elon Musk xác định, mẫu xe này mang tính sống còn với công ty. Vào tháng 3/2009, ông đã có thể lái chiếc nguyên mẫu bóng bẩy lên sàn nhà máy SpaceX tại một buổi dạ tiệc ra mắt trước đông đảo người nổi tiếng. Khi đám đông cổ vũ và âm nhạc bùng nổ, Elon Musk tuyên bố: "Hãy trông chờ đâu sẽ là chiếc ôtô điện được sản xuất hàng loạt đầu tiên trên thế giới".

Thật kỳ diệu, Elon Musk vẫn sống sót sau hai lần bại trận. "Có cảm giác như tôi đã bị đưa ra pháp trường xử bắn. Tôi bị bịt mắt. Sau đó, họ nổ sung, phát ra tiếng vang. Nhưng không có viên đạn nào bắn ra. Rồi họ để tôi tự do. Đó là cảm giác tuyệt vời nhưng nỗi sợ vẫn cứ canh cánh trong lòng".

Trong quảng cáo nổi tiếng "hãy nghĩ khác đi" của Apple vào năm 1997, Steve Jobs đã gửi lời chào đến khách hàng của mình: "Họ điên rồ. Những kẻ đi ngược lẽ thường. Những tên nổi loạn. Những chuyên gia gây rắc rối. Họ giống như nồi tròn vung méo... Và trong khi họ bị coi là những kẻ điên, chúng tôi lại thấy ở đó phẩm chất của những thiên tài. Bởi vì những người đủ điên rồ để nghĩ rằng họ có thể thay đổi thế giới, sẽ chính là những người thực sự làm được điều này".

Về mặt nào đó, Elon Musk là hiện thân của Steve Jobs. Ông có thể dồn mọi người vào cảnh khó, nhưng cũng có thể thúc đẩy họ làm những điều không bao giờ mơ là có thể. "Hãy chuẩn bị cho bản thân một cường độ cao hơn bất cứ điều gì mà bạn đã trải qua. Cách mạng hóa các ngành công nghiệp không dành cho những người yếu tim", ông từng viết cho nhân viên.

Giống như Steve Jobs, Elon Musk có khả năng "bóp méo thực tại", một đức tính mà chính nhờ nó, Steve Job có thể thuyết phục người khác làm những điều không tưởng để thay đổi thực tại.

Berger viết: "Trong các cuộc họp, Elon Musk có thể yêu cầu các kỹ sư làm điều gì đó có vẻ vô lý. Nhưng không giống như Steve Jobs, những hiểu biết về vật lý và nhiệt động lực học đã giúp ông biết những ranh giới nào có thể thành công. Khi các kỹ sư phản đối rằng điều đó là không thể, Elon Musk sẽ đáp bằng một câu hỏi mang tính gợi mở vấn đề".

3 Nhung Dieu Khien Elon Musk Tro Nen Khac Biet

Một trong những đợt giao hàng đầu tiên của Model S tại Nhà máy Tesla ở California (Mỹ), vào tháng 6/2012. Ảnh: Flickr/Steve Jurvetson.

Bằng cách đi sâu vào các nguyên lý nền tảng và khoa học cơ bản, ông đã xây dựng công ty tên lửa tư nhân thống trị toàn cầu với tàu Starship, có thể dẫn đầu trong việc đưa con người lên sao Hỏa. Ông cũng kiến tạo Tesla thành công ty ôtô có giá trị nhất thế giới, giúp nhân loại "cai nghiện" ôtô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.

Điều đó đặc biệt ấn tượng ở một đất nước mà phần lớn sự đổi mới công nghệ trong hơn 50 năm qua, chỉ giới hạn trong các sản phẩm kỹ thuật số, vốn có thể được chế tạo trong phòng ký túc xá hoặc nhà để xe.

Như câu than thở nổi tiếng của Peter Thiel: "Chúng ta muốn có những chiếc ôtô bay, nhưng thay vào đó chúng ta lại có 140 ký tự". 140 ký tự ẩn dụ về Twitter, mạng xã hội này chỉ cho phép người dùng đăng dòng trạng thái giới hạn trong 140 ký tự. Câu nói ám chỉ nước Mỹ chỉ tập trung nhiều vào các nền tảng kỹ thuật số.

Trong khi đó, sự đổi mới của Elon Musk là ở những thứ hữu hình, chẳng hạn như pin, ôtô và tên lửa, những thứ khó chế tạo hơn trong một môi trường không thích rủi ro và được quản lý chặt chẽ.

Ông đã chứng minh rằng chúng có thể được sản xuất tại Mỹ. Mỗi bước đi, các nhà phê bình đều coi ông là kẻ điên rồ.

Nhưng cuối cùng, Elon Musk đã minh họa cho câu châm ngôn của Steve Jobs rằng những người đủ điên rồ để thay đổi thế giới là những người làm được điều đó - đặc biệt là khi họ kết hợp sự hiểu biết sâu sắc về công nghệ với niềm đam mê và mục đích cao cả hơn.

Tất Đạt (theo The New York Times)

Nguồn: vnexpress.net


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày