Ảnh: Pavel Filatiev (33 t) , lính dù Nga.
“Đã một tháng rưỡi kể từ khi tôi trở về từ Ukraine sau chiến tranh. Vâng, tôi biết chúng ta không được phép dùng từ 'chiến tranh', điều đó là cấm kỵ. Nhưng dù sao tôi cũng vẫn nói đến 'chiến tranh', bạn thông cảm cho tôi về điều đó nhé. Tôi năm nay 33 tuổi và cả đời này tôi chỉ nói sự thật, cho dù điều đó làm tổn thương đến chính mình”.
Trên đây là những câu đầu tiên trong cuốn nhật ký của người lính đặc nhiệm người Nga Pavel Filatyev, người không còn muốn giữ im lặng và không muốn chiến đấu trong một cuộc chiến mà anh coi là vô nghĩa.
Anh ta đã công khai những trải nghiệm ngoài mặt trận của mình.
„Tôi biết hành động vì hòa bình này sẽ khiến tôi phải trả giá đắt, nhưng tôi không thể làm trái lương tâm của mình đối với cuộc chiến tranh này", Pavel đã kết luận cuốn nhật ký dài 141 trang của mình. Trong cuộc chiến tranh này người ta bị cuốn hút theo và có thể “chết vì những mục tiêu chưa bao giờ được xác định”.
Cuộc chiến tranh này là một chiến dịch của Putin ở Ukraine, trong đó Filatyev tham gia với tư cách là một lính dù.
Ở cuối ghi chú của mình, người lính 33 tuổi ở Volgodonsk, miền nam nước Nga, viết một bài thơ nhan đề:
"Hãy nói không với chiến tranh".
Không rõ nơi cư trú của Filatyev
Ba tuần đã trôi qua kể từ khi Filatyev công khai những ký ức của mình về thời gian anh ở trong đơn vị lính dù hoạt động tại Crimea do Nga chiếm của Ukraine bằng một cú nhấp chuột trên nền tảng mạng xã hội VKontakte.
Anh lấy tên cho bài viết của mình là “ZOV”, Z, O và V - đây là những ký hiệu chiến thuật ghi trên xe, pháo của quân đội Nga, nó được coi là biểu tượng tuyên truyền của Nga.
Theo Guardian của Anh, kế hoạch ban đầu của Filatyev là công bố hồi ký của mình và sau đó sẽ tự nộp mình cho cảnh sát. Nhưng nhà hoạt động vì nhân quyền Vladimir Osechkin, người sáng lập nền tảng chống tham nhũng Gulagu.net, đã ngăn anh và giúp anh và bà mẹ anh ta trốn khỏi đất nước. Kể từ đó người ta không biết tung tích của Filatyev.
Nhưng những ghi chép của Pavel về cuộc sống đời thường của một người lính đặc nhiệm Nga trên mặt trận Ukraine khiến cả thế giới, đặc biệt là người dân ở quê hương anh quan tâm. Vì cho đến nay chưa có một bài viết công khai nào của Nga về cuộc chiến trên mặt trận Ukraine :
“Ngày 4 tháng 3. Rạng sáng chúng tôi đánh xe ô tô quay trở lại mà không rõ mình sẽ đi đâu. Đi độ 3 km, chúng tôi vào một cánh rừng, đóng quân ở đó. Máy bay trực thăng bay phía trước.
Chúng tôi tranh thủ nghỉ ngơi, một số cố trệu trạo ăn, một số lăn ra ngủ.
Tôi gặp một chiến sỹ quân y của đơn vị, hỏi anh ta: “Người anh em, tình hình đơn vị ra sao rồi?”
Anh ta trả lời: “Một người thiệt mạng, một người bị thương.” Một lần nữa chúng tôi lại bị pháo kích, không ai biết kẻ nào tấn công chúng tôi và tấn công từ phía nào. Nhật ký của Filatyev gây xúc động mạnh bởi những mô tả về cuộc sống và chiến đấu hàng ngày và về sự phi lý, vô nghĩa của cuộc chiến tranh này.
Nhiều đoạn trích từ nhật ký này được đăng lại trên báo chí độc lập của Nga, bản thân Filatyev đã xuất hiện trên kênh truyền hình đối lập TVDozhd. Anh mô tả đơn vị của mình nằm trong chiến hào dưới làn đạn pháo gần một tháng trời không xa Mykolaiv, cách Kherson 90 km.
Do bị thương ở mắt cuối cùng Pavel cũng được chuyển ra tuyến sau, rời khỏi mặt trận.
Theo Guardian, Filatyev đã dành 45 ngày để kể lại những ngày sống ngoài mặt trận mà anh từng trải qua. Bài báo gây xúc động mạnh mẽ trong công chúng. Filatyev từng phục vụ trong Trung đoàn Không kích Cận vệ 56 ở Crimea và chiến đấu ở Chechnya đầu những năm 2000. Anh mô tả rất sinh động tình hình của đơn vị. Trang bị yếu kém, hậu cần không đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị ngoài mặt trận. Người lính không được biết các mục tiêu cụ thể , họ cũng không biết tại sao nổ ra chiến tranh và họ chiến đấu vì cái gì.
“Mọi người ở đây chỉ nói về việc Ukraine muốn gia nhập NATO. Liệu chúng ta có tấn công tất cả các nước muốn gia nhập NATO không? Latvia, Lithuania, Estonia và Ba Lan đã thuộc NATO.
Phần Lan hiện là thành viên của NATO. Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi máy bay của chúng tôi cách đây không lâu, nhưng chúng tôi đã nhanh chóng quên đi, và Nhật Bản đang tuyên bố chủ quyền đối với các hòn đảo của chúng tôi ”. Nói chung những quân nhân ở đây đều không biết rõ về mục đích và nhiệm vụ của mình.
Đơn vị của tôi không có mục tiêu rõ ràng
Một đoạn trong nhật ký của mình, Filatyev mô tả những người lính dù đánh chiếm cảng Kherson. Ngay lập tức, những người lính dù, trong đó có lính đặc nhiệm của quân đội Nga lăn xả vào cướp bóc. Họ lấy "Máy tính và những vật có giá trị khác trong các tòa nhà mà họ đã chiếm được“. Sau đó, những người lính điên cuồng lục soát nhà bếp để tìm thức ăn, Filatyev viết.
Filatyev cũng tự hỏi liệu những người lính Ukraine có làm như vậy không. Cuối cuốn nhật ký tác giả viết trong quân đội Ukraine cũng có tình trạng cướp bóc, điều này là không thể tránh, người lính coi những thứ mà họ cướp được như một loại chiến tích
. Có thể nói Filatyev không hoàn toàn là anh hùng như báo The Guardian đã tôn sùng, bơm phồng về anh ta.
“Bất chấp mọi sự bất công đã gây ra cho tôi,” người lính đào ngũ viết, tôi vẫn yêu quân đội của mình:
“Tôi sẽ không bao giờ quên được cái chết của những người đồng đội hầu hết còn rất trẻ của mình.”
Filatjev không viết một tí gì về việc các thành viên quân đội Nga ngược đãi người Ukraine.
Trong một cuộc trò chuyện mà Guardian thực hiện với người lính, Filatyev nói anh ta không chứng kiến bất kỳ một sự lạm dụng nào trong chiến tranh. Anh ta đề cập đến trường hợp của một đồng đội có cuộc gọi điện thoại cho vợ của anh ta và đã bị nghe lén, triwr thành đề tài được đàm tiếu rộng rãi.
Trong đó, anh ta hỏi vợ có cho phép mình hãm hiếp phụ nữ Ukraine không. Sau đó đã bùng nổ sự phản đối kịch liệt trên toàn thế giới. Tuy nhiên Filatyev bác bỏ điều đó:
"Đàn ông loại này ở đâu mà chẳng có. Ở những nơi mà chúng tôi đóng quân làm gì có bóng dáng một người đàn bà nào. Ngay cả khi ai đó muốn thực hiện hành vi hiếp dâm, tôi dám chắc kẻ đó sẽ bị ngay những người đồng đội của mình bắn què chân ”.
Filatyev cũng kể anh từng gặp những binh sĩ bất mãn trong các bệnh viện quân y, trong đó có cả những thủy thủ bị thương từ tàu tuần dương Moskva, bị tên lửa Ukraine bắn chìm hồi tháng tư.
Họ hét vào mặt một sĩ quan cấp cao. Filatyev mô tả tình trạng thân nhân của của các binh sĩ Nga tử trận cũng lâm vào hoàn cảnh cực kỳ tồi tệ. Người chết chất thành đống nhưng tiền bồi thường dành cho thân nhân họ chẳng thấy đâu.
Sự thất vọng, chán nản trong chiến hào là rất lớn.
Theo Filatyev nhiều người lính ở mặt trận cố tình đả thương để được đưa ra tuyến sau và để được nhận tiền bồi thường 3 triệu rúp (khoảng 50.000 euro):
"Hầu hết quân nhân bất mãn với những gì đang xảy ra ở đó, họ không hài lòng với chính phủ và các chỉ huy của mình. Họ không hài lòng với Putin và các chính sách của ông ta, họ không hài lòng với bộ trưởng quốc phòng, kẻ chưa từng phục vụ trong quân đội,”Filatyev viết .
Filatyev phàn nàn về tình trạng "thoái hóa" trong quân đội Nga, trong đó bao gồm cả việc trang thiết bị dành cho bộ đội vừa lỗi thời vừa lạc hậu và cũ rích đó là các yếu tố làm cho quân đội Nga khó có thể phòng vệ trước quân Ukraine.
Filatyev phàn nàn rằng ngay cả khẩu súng trường mà anh nhận được trước chiến tranh cũng bị gỉ sét. Và anh ấy tiếp tục viết:
"Một nửa số chiến sỹ trong đơn vị của mình đã dùng quân phục của Ukraine vì chúng có chất lượng tốt hơn và thoải mái hơn."
Cuối cùng, người lính này đi đến kết luận, kẻ thù chính đối với người Ukraine không phải là người Nga, và ngược lại: Bởi vì đó chỉ là "tuyên truyền, nó chỉ làm tăng thêm lòng thù hận của người dân với nhau."
Artur Weigandt / Welt Online
Biên dịch bởi Nguyễn Xuân Hoài
© 2024 | Thời báo ĐỨC