Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 của iPOS, doanh nghiệp cung cấp giải pháp quản lý cho nhà hàng, cà phê, tiết lộ những thói quen chi tiêu của người Việt trong mảng thực phẩm và đồ uống (F&B).
Kết quả được tổng hợp khi khảo sát gần 3.000 nhà hàng, quán ăn và gần 4.000 người tiêu dùng trên cả nước.
Có những người ngày nào cũng đi uống cà phê
Khảo sát chỉ ra rằng dù ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, nhưng vẫn có gần 60% số người được hỏi sẵn sàng chi từ 41.000 đồng trở lên cho 1 lần đi cà phê trong năm 2023.
Tỷ lệ này tiếp tục tăng trưởng nhẹ so với năm 2022 và là yếu tố bất ngờ trong một năm kinh tế khó khăn như 2023. Mức chi tiêu phổ biến nhất là 41.000-70.000 đồng, chiếm khoảng 45%.
Đối với việc đi cà phê phân khúc cao cấp từ 70.000 đồng trở lên, con số gần như giữ nguyên, chiếm khoảng hơn 14%.
Trong số những người được khảo sát, có 42,6% lựa chọn đi cà phê 1-2 lần một tháng. Trong khi đó, tỷ lệ thực khách đi cà phê bên ngoài với tần suất 1-2 lần/tuần tăng cao từ mức gần 23% của năm 2022 lên hơn 30%.
Đáng chú ý, có tới 6% người Việt tham gia khảo sát thừa nhận đi ra quán cà phê mỗi ngày. Nhóm khách hàng này thường xuyên đến quán cà phê nhằm mục đích gặp gỡ công việc, hoặc sinh viên và người làm việc tự do (freelancer).
60% số người được hỏi sẵn sàng chi từ 41.000 đồng trở lên cho một lần đi cà phê (Nguồn: iPOS).
Những người đang hẹn hò có tần suất đi quán cà phê nhiều hơn, đa số là 1-2 lần/tuần. Ngược lại, người độc thân và có gia đình thường chỉ đi ra quán cà phê 1-2 lần/tháng.
Người trẻ thích ăn uống bên ngoài
Ngoài nhu cầu trên, báo cáo cho biết người Việt có xu hướng ăn bên ngoài thường xuyên hơn. Theo kết quả khảo sát, hơn 17% thực khách ra ngoài ăn hàng ngày. Trong khi đó, 29% người khác thừa nhận ra ngoài ăn 3-4 lần/tuần, con số này tăng mạnh so với tỷ lệ gần 18% của khảo sát năm 2022.
Mặc dù kinh tế khó khăn, chi tiêu cho các dịch vụ F&B vẫn gia tăng đáng kể. 77% thực khách dự kiến giữ nguyên, thậm chí tăng mức chi tiêu cho ẩm thực trong năm 2023.
Khi đi ăn uống vào dịp đặc biệt, người được khảo sát cho biết sẵn sàng chi tiêu mạnh tay và phân bổ khá đồng đều với các mức giá từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng. Cụ thể, mức giá phổ biến nhất là 200.000-300.000 đồng, chiếm gần 28%.
Người chưa có gia đình sẽ có tần suất ăn ngoài cao hơn. Theo đó, nhóm độc thân và đang hẹn hò có tần suất ăn hàng ngày bên ngoài lần lượt là gần 18% và 19%. Đối với nhóm thực khách đã kết hôn, con số này thấp hơn, ở mức gần 14%.
Xét theo giới tính, tỷ lệ ăn ngoài hàng ngày của nam giới chiếm 21% trong khi con số này ở nữ giới là 14%. Điều này thể hiện sự khác biệt trong thói quen ăn uống giữa hai giới.
Nam giới có xu hướng ăn ngoài thường xuyên hơn vì thói quen sinh hoạt, công việc bận rộn, tính tiện lợi hoặc tụ tập bạn bè. Trong khi đó, nữ giới thường dành nhiều thời gian nấu nướng tại nhà hơn, do quan tâm đến sức khỏe, dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm cho bản thân và gia đình.
Dự báo giá trị thị trường F&B Việt Nam (Nguồn: Euromonitor).
Theo số liệu của tổ chức nghiên cứu thị trường Euromonitor, giá trị thị trường ngành F&B Việt Nam năm nay dự kiến sẽ tăng 10,92% so với 2023. Sau khi hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ, ngành F&B sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng kép giai đoạn 2023-2027 đạt 10,25% và dự kiến đạt giá trị 872.916 tỷ đồng năm 2027.
Đáng chú ý, trong năm qua, 80% doanh nghiệp báo cáo có kết quả kinh doanh tốt. Sức khỏe doanh nghiệp phục hồi và đủ nguồn lực để phát triển trong tương lai gần.
Trong số 2.255 đơn vị phản hồi có tình hình kinh doanh tốt, hơn 51,7% các cửa hàng ăn uống có dự định mở rộng quy mô. Tuy nhiên, vẫn còn gần 33,5% đơn vị không có nhu cầu này. Một vài lý do cho rằng doanh nghiệp đang hài lòng với tình hình kinh doanh hiện tại, hay lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn khi mở rộng.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC