Lãnh đạo Rostec cho biết Nga không điều T-14 Armata tham chiến tại Ukraine do giá thành cao, dù xe tăng này có nhiều tính năng vượt trội.
Ông Chemezov giải thích giá thành cao là lý do khiến quân đội Nga "chưa thể sử dụng xe tăng Armata cho chiến dịch quân sự đặc biệt", thuật ngữ nước này dùng để chỉ xung đột với Ukraine. "Quân đội có thể dễ dàng mua những chiếc T-90 với tính năng tương tự", ông nói.
"Chúng tôi đang cần tiền để chế tạo xe tăng mới và vũ khí mới với giá rẻ hơn", ông Chemezov cho biết. "Tại sao không mua vũ khí hay phương tiện chiến đấu với giá rẻ hơn khi có cơ hội?".
Xe tăng T-14 Armata diễn tập duyệt binh tại Moskva tháng 4/2018. Ảnh: BQP Nga
Giới chuyên gia phương Tây ước tính siêu tăng T-14 Armata có giá 5-9 triệu USD mỗi chiếc, cao hơn đáng kể so với các mẫu xe tăng chủ lực đời cũ mà Nga đang sử dụng. Biến thể T-72B3 có giá 750.000-1,2 triệu USD mỗi chiếc, T-80 là khoảng ba triệu USD và T-90M là khoảng 4,5 triệu USD.
Xe tăng T-14 Armata nặng 55 tấn, nổi bật với tháp pháo điều khiển từ xa gắn pháo nòng trơn 2A82-M1 125 mm. Phương Tây đánh giá tháp pháo của T-14 Armata là sáng kiến tiên phong trong ngành chế tạo xe tăng, khắc phục điểm yếu dễ bị thổi bay tháp pháo trên các dòng xe tăng Nga trước đây.
Kíp lái ba người của T-14 Armata ngồi trong khoang bọc giáp kiên cố, tách biệt hoàn toàn với khoang chứa đạn và tháp pháo, giúp tăng khả năng sống sót của họ khi bị đối phương tấn công.
Xe tăng T-90M, biến thể mới nhất của dòng T-90, có giáp phức hợp mới cùng các module giáp phản ứng nổ Relikt tích hợp ở mặt trước và sườn xe, giúp giảm 50% khả năng xuyên phá của đạn APFSDS, cũng như vô hiệu hóa đầu đạn HEAT nổ kép.
T-90M là mẫu xe tăng hiện đại nhất của lực lượng vũ trang Nga hiện nay, do T-14 Armata chỉ được sản xuất với số lượng nhỏ và chưa được biên chế đại trà. Quân đội Nga đã thử nghiệm T-14 Armata tại Syria và Ukraine, song chưa triển khai chúng ra tiền tuyến.
Nguyễn Tiến (Theo BI, AFP, RIA Novosti)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC