Nhân lúc cộng đồng xã hội bàn tán nhiều về đề tài tiến sĩ luật của ông Vương Tấn Việt (tức Thích Chân Quang), tôi đã đọc và nghe trình bày lại luận án này và hết sức bất ngờ. Ngay từ đề tài “Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam” đã là không ổn rồi, không phải phạm vi của Luật học rồi.
Luật học hay hiểu theo nghĩa hẹp hơn một chút là khoa học nghiên cứu về pháp luật, là khoa học pháp lý. Các chuyên ngành của Luật học bao gồm: luật hình sự, luật dân sự, luật kinh tế, luật lao động…
Cũng như các ngành Triết học, Văn học, Kinh tế học, Xã hội học, Tôn giáo học… ngành Luật học có phạm vi nghiên cứu của nó. Chúng ta không thể nghiên cứu một “hiện tượng sáng tác ra một loạt bài thơ” rồi nói đó là đề tài Triết học, trong khi đó là đề tài Văn học.
“Nghĩa vụ con người” có phải là một đề tài của Luật học hay không? Tôi xin thưa, nó hoàn toàn không phải Luật học mà chính xác nó là đề tài của Xã hội học.
Trong khoa học pháp lý không hề tồn tại khái niệm “Nghĩa vụ con người”, mà chỉ có khái niệm “Nghĩa vụ công dân”.
Có lẽ nhiều người quen nếp nghĩ quyền – nghĩa vụ nên khi nghe “Quyền con người” đã liên tưởng đến “Nghĩa vụ con người” chăng?
Hiến pháp 2013 của nước ta, có Chương II mang tiều đề chương ---- “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Ngay việc này cũng đã cho thấy các nhà lập pháp CHXHCN Việt Nam ta nêu cao tinh thần lập pháp không có khái niệm “Nghĩa vụ con người”, mà chỉ có khái niệm “Nghĩa vụ công dân”.
“Nghĩa vụ con người” tuy không có trong Luật học nhưng trong Xã hội học, nó là một khái niệm rất đáng quan tâm đối với các nhà nghiên cứu. Nếu có một đề tài tiến sĩ xã hội học như thế thì quá tốt.
“Nghĩa vụ con người” chính là cách xử sự mà con người buộc phải thực hiện do đạo đức xã hội, tôn giáo và pháp luật tác động. Trong đó phần pháp luật tác động chính là “Nghĩa vụ công dân”. Cho nên “Nghĩa vụ công dân” là khu biệt phần tác động luật pháp lên con người, là tập hợp con của “Nghĩa vụ con người”. “Nghĩa vụ con người” có nội hàm rất lớn, đối với cả trẻ em, chẳng hạn như nghĩa vụ trẻ phải lễ phép với người lớn.
Khi ta vừa sinh ra đã là con người nhưng ở tuổi thành niên mới là công dân. “Nghĩa vụ con người” có ngay khi chúng ta vừa oa oa cất tiếng khóc chào đời, khi đó ta “phải có nghĩa vụ ngoan ngoãn hay ăn chóng lớn” rồi.
Trong xã hội học nói chung, khái niệm có thể dính dáng tới Tôn giao học, Sử học, Luật học… nhưng trong nghiên cứu khoa học thì ngành nào ra ngành đó. Đề tài tiến sĩ của luật là của luật, của tôn giáo là của tôn giáo, của triết là của triết… không thể lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia được.
Trong khoa học pháp lý không tồn tại khái niệm “Nghĩa vụ con người” thì đề tài “Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam” không thể là đề tài của Luật học được.
Nếu đề tài mang tên “Quyền con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam” thì mới phù hợp.
Do đâu mà khoa học pháp lý không có khái niệm “Nghĩa vụ con người”? Bởi về mặt pháp lý chỉ điều chỉnh đến “Quyền con người” mà thôi. “Quyền con người” được gọi là “Nhân quyền”. Pháp luật quốc tế trong các công ước đưa ra các quyền phổ quát không có bất kỳ điều kiện nào kèm theo để các quốc gia ký vào và thực hiện.
“Quyền con người” và “Quyền công dân” là hai khái niệm pháp lý khác nhau. Tại Khoản 4 Điều 15 Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam ghi rõ ---- “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”-----. Chúng ta thấy rõ quyền con người và quyền công dân là hai quyền khác nhau trong điều hiến định.
Đã là không thuộc nội hàm của Luật học, không thể nào làm đề tài nghiên cứu tiến sĩ luật.
Tôi cho rằng, Giáo sư hướng dẫn, các Giáo sư trong hội đồng, Giáo sư phản biện về luận án tiến sĩ này phải xem lại, không tuỳ tiện như vậy.
Luật sư Trần Đình Dũng
© 2024 | Thời báo ĐỨC