Hình ảnh Messi tại khu phố nơi anh sinh ra.
La Bajada là thị trấn nghèo nhất Rosario, Argentina. Tuy nhiên nó có một thứ mà bất cứ đâu cũng phải ghen tỵ. Chính tại nơi đây, Lionel Messi đã lớn lên, đá quả bóng đầu tiên và hình thành giấc mơ bóng đá.
Căn nhà của Messi vẫn còn đó, nhưng không ai ở, lẫn trong rất nhiều căn nhà cũ kỹ ở La Bajada. Tạo nên sinh khí cho thị trấn là vô số những bức tranh tường về Messi. Mới nhất là bức tranh vừa hoàn thành hồi tháng 7, được vẽ lên tường chung cư được xây dựng từ thập niên 40 của thế kỷ trước. Đó là chân dung Messi với đôi giày vắt qua cổ, phía dưới là hình Messi thời thơ ấu. Dòng chữ “Từ thiên hà khác và từ khu phố của tôi” chạy hai bên.
Tuy nhiên nếu để ý sẽ thấy các bức tranh, cũng như các ký tự Leo10 hoặc M10 được sơn lên cột đèn, trụ cổng hay lề đường đều khá mới. Nó nhắc nhở rằng tình yêu, niềm tự hào của người dân La Bajada với Messi bùng lên chưa lâu. Cách đây vài năm, rất nhiều phóng viên ghé tới nơi khởi nguồn của “siêu sao số một”, “thiên tài bóng đá”, “huyền thoại đương đại” đều cảm thấy ngạc nhiên. Đừng nói là La Bajada, ngay cả Rosario cũng không có “mùi” Messi.
Maxi Bagnasco là một nghệ sỹ vẽ tranh tường nổi tiếng ở Argentina. Ông không thể nhớ nổi đã vẽ bao nhiêu bức tranh khổng lồ về Diego Maradona, ở Buenos Aires, Cordoba hay thậm chí cả Napoli. Tuy nhiên ông chỉ được mời vẽ một bức duy nhất về Messi ở Rosario. Messi chỉ là một phần của bức tranh bộ ba cầu thủ, bên cạnh Angel Di Maria và Maxi Rodriguez, những người đồng hương với anh.
Bagnasco biết lý do tại sao. “Messi là một cỗ máy trên sân nhưng tẻ nhạt ngoài đời”, ông nói, “Cậu ta chơi xong và rời đi, không ai biết sau đó là gì”.
Thường thì Messi vẫn trở lại Rosario vào mỗi mùa hè. Anh sẽ đáp xuống bằng chuyên cơ riêng rồi leo lên chiếc xe (theo mô tả của người hàng xóm cũ ở La Bajada thì nó trông như con tàu vũ trụ) để đi thẳng tới biệt thự tại Fumes Hill, nơi dành cho giới thượng lưu của thành phố. Messi không bao giờ ra bên ngoài. Ngay cả ăn uống, anh sẽ ăn trong nhà hàng VIP thuộc sở hữu của gia đình. Nó gần Torre Aqualina, khu chung cư biệt lập mà anh có vài căn hộ ở đó, và cũng không quá xa khu phố mà anh đã lớn lên.
Những người ở Grandoli, đội bóng địa phương Messi chơi từ năm 4 tuổi, hay Học viện Newell’s Old Boys, nơi Messi gia nhập năm lên 8, vẫn nhớ về hình ảnh “cậu nhóc tí hon chỉ đứng đến đầu gối nhưng chơi bóng như một người khổng lồ”. Họ cũng cười về các trận đấu thường bị rút ngắn vì Messi. Có một luật bất thành văn ở đây, rằng khi một đội dẫn trước tới 7 bàn thì trọng tài sẽ cho kết thúc sớm. Đội của Messi luôn ghi được 7 bàn.
Vấn đề là Messi mãi không lớn. Bố mẹ Messi đã rất sốc khi đứa con út của họ bị chấn đoán mắc chứng thiếu hụt hormone tăng trưởng. Messi thì lạc quan hơn. “Cháu có đủ lớn để trở thành cầu thủ không?”, anh nói với bác sỹ Diego Schwarzstein. Mắt anh sáng lên khi ông đáp: “Đừng lo, cháu còn cao hơn cả Diego Maradona ấy chứ”.
Schwarzstein tặng cho anh chiếc bút tiêm chứa hormone tăng trưởng, và Messi, 9 tuổi chỉ cao 1,29m, đón nhận nó như một báu vật. Trong 5 năm tiếp theo, Messi tự tiêm các ống thuốc vào bắp đùi mỗi sáng. Vấn đề là hóa đơn tiền thuốc mang tới gánh nặng với gia đình Messi. Rồi họ tới Barcelona, nơi chấp nhận trả tiền điều trị để sở hữu cậu nhóc có đôi chân thần thánh.
Như đã biết, từ khởi đầu khó khăn, Messi đã phát triển thành siêu sao toàn cầu, tạo dựng sự nghiệp huy hoàng ở một CLB mang tính biểu tượng. Cùng Barca, anh không chỉ có mọi danh hiệu, mà còn có với số lượng lớn đến mức cần một bảo tàng mới có thể trưng bày hết.
Thế nhưng Argentina lại chẳng có gì. Trong một thời gian dài xứ tango vật lộn để sở hữu một danh hiệu nào đó, song vô vọng. Điều cay đắng là họ lại có trong đội hình Messi, người được cho là có thể làm mọi thứ.
“Tại Argentina, chúng tôi ca ngợi hay chửi bới dựa vào việc bóng đã đi vào lưới hay chưa. Messi mãi vẫn là kẻ vô danh cho đến khi nào giành Cúp”, cây viết thể thao Eduardo Sacheri nói. Đừng nói là truyền thông hay người hâm mộ, đến cả ông nội Messi cũng chỉ trích anh sau màn trình diễn ở trận chung kết World Cup thất bại trước Đức năm 2014.
Và Diego Maradona, người luôn tạo ấn tượng sẽ bảo vệ Messi vô điều kiện, cũng quay sang phê phán hậu bối. “Chúng ta nên chấm dứt việc coi Messi là thần thánh”, ông nói trên kênh truyền hình Fox, “Cậu ấy những bình thường như những người khác thôi”.
Suốt nhiều năm, Messi và Argentina mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Những người đồng bào nói Messi đã dành tất cả những gì tinh túy nhất cho Barca. Còn với Argentina, đó là một phiên bản Messi khác, mệt mỏi, thờ ơ, thiếu cá tính và cả niềm đam mê.
Thành thực mà nói, họ không sai. Messi vốn đã là cậu bé nhút nhát, gần như tự kỷ, hậu quả của sự mặc cảm chiều cao và nỗi đau thể xác khi tự tiêm vào bắp vế những ống hormone tăng trưởng. Dù sau này Messi đã cao lớn hơn. Bác sỹ Schwarzstein tự hào rằng ông đã dự đoán đúng. “Maradona cao 1,67 mét còn Leo cao 1,69 mét”, ông nói. Thế nhưng sự hướng nội, trầm tính vẫn còn nguyên.
Cựu cầu thủ Argentina, Juan Sebastian Veron tiết lộ “Messi luôn cảm thấy xấu hổ mỗi khi mọi người nhìn vào”. Hồi World Cup 2010 ở Nam Phi, mỗi khi nơi đóng quân của La Albiceleste rộn rã vì gia đình các tuyển thủ đến thăm, anh trốn ở trong phòng.
Áp lực phải thành công với đội tuyển khiến Messi càng thu mình hơn. Thậm chí đánh mất mình. Maradona từng nói sau các thất bại liên tiếp của Messi và Argentina tại Copa America rằng “đừng cố biến một gã đi vệ sinh tới 20 lần trước trận đấu thành thủ lĩnh”. Có thể ông hơi phóng đại, nhưng chắc chắn không quá xa sự thật. Veron kể, rằng bình thường Messi ngủ nhiều hơn những người khác. Nhưng ở lần đầu tiên phải phát biểu trước đội với tư cách thủ quân vào năm 2010, anh lo lắng tới mức mất ngủ và không ngừng đi lại trong phòng.
Messi luôn chơi bóng để tận hưởng, nhưng không phải khi đá cho Argentina. Với Messi, chiếc áo Albiceleste nặng cả chục tấn. Tất cả đã thấy anh đã sút hỏng quả phạt đền trong loạt sút luân lưu trận chung kết Copa America 2016. Anh tuyên bố từ giã đội tuyển sau đó với câu nói trong tuyệt vọng: “Tôi đã cố hết sức rồi”. Khi đảo ngược quyết định và trở lại, Messi cũng không khá hơn. Anh ủ rũ và mệt mỏi trong hành trình World Cup 2018. Nó đem lại cảm giác anh có mặt ở đó vì người Argentina muốn thế. Tờ La Nacion dẫn lời một người trong cuộc cho biết: “Leo mà tôi biết đã không đến Nga. Anh ấy vắng mặt ngay cả khi thể xác anh ấy đang đứng trước mặt bạn”.
Và người Argentina càng có lý do để không ưa Messi. Anh vốn đã không thuộc về họ. Anh không lớn lên ở khu ổ chuột, tiếp thu nền giáo dục bóng đá Tây Ban Nha và chưa bao giờ chơi bóng chuyên nghiệp ở xứ tango. Anh thậm chí còn không hát quốc ca. Điều may mắn nhất là Messi vẫn giữ được giọng Argentina, phát âm phụ âm “y” bằng âm “sh”. Nếu không, anh hoàn toàn mất kết nối với quê hương.
Bây giờ mối liên hệ giữa Messi và quê hương bền chặt hơn bao giờ hết. Khi Argentina tiến vào chung kết World Cup 2022, anh nói rằng 3 yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công là “gia đình, đồng đội và người dân Argentina”. Anh cũng hơn một lần nhấn mạnh từ “chúng ta” trong các phát biểu, ví dụ như tuyên bố “đây là cơ hội để chúng ta giành được thứ mà chúng ta muốn”.
Trên đất Qatar, Messi đã chơi đúng như người Argentina mong đợi về một siêu sao. Không, theo họ, là một vị Thần. Anh tham gia vào 8 bàn thắng, nhiều hơn bất kỳ ai khác. Anh dẫn đầu ở cả hai danh sách, Vua phá lưới (5 bàn) và Vua kiến tạo (3). Hầu hết những tác động của Messi chỉ có thể dùng hai chữ “thiên tài”. Bàn thắng vào lưới Australia, đường kiến tạo không tưởng ở trận gặp Hà Lan hay pha đi bóng ma thuật trước khi chuyền cho Julian Alvarez sút tung lưới Croatia là các ví dụ.
Ở tuổi 35, Messi đang chơi kỳ World Cup hay nhất, với những màn trình diễn đặc sắc nhất trong màu áo Argentina. Rũ bỏ mọi áp lực, anh thực sự tận hưởng.
Thất bại ngay trận mở màn trước Saudi Arabia có thể đẩy Argentina vào ác mộng, nhưng thay vì sụp đổ, Messi đưa mọi thứ đi đúng hướng bằng đêm diễn xuất sắc với Mexico. Cú sút penalty hỏng ăn ở trận đấu với Ba Lan khiến bóng ma Copa America 2016 hiện về. Tuy nhiên một lần nữa Messi lại cho thấy bản lĩnh. Anh dám đối mặt và đánh bại nó. Trận gặp Hà Lan, dưới sức ép kinh người, anh vẫn hoàn thành xuất sắc cú sút luân lưu đầu tiên. Trước đó anh cũng sút thành công quả 11m phút 73.
Trước đây các cầu thủ trẻ sợ Messi, nhất là khi anh luôn cắm mặt vào điện thoại, từ xe bus đến phòng ăn. Anh không bao giờ nói. Những người khác phải đọc ngôn ngữ cơ thể để đoán suy nghĩ của Messi. Khi anh cúi đầu xuống, nó có nghĩa là “đừng làm phiền”.
Nhưng bây giờ, Alvarez, Alexis Mac Allister hay Enzo Fernandez thoải mái bên cạnh Messi. Có những khoảnh khắc thắm tình đồng đội khi họ vây lấy anh sau mỗi bàn thắng hoặc chiến thắng. Anh truyền cảm hứng cho họ, làm cho họ trở nên tốt hơn và khuyến khích họ phát huy hết khả năng.
Hãy nhớ lại trận đấu với Australia, Messi năm lần bảy lượt hỗ trợ Lautaro Martinez. Anh biết tiền đạo của Inter cần bàn thắng để giải tỏa áp lực nên cố gắng mang đến cho người đồng đội trẻ nhiều cơ hội nhất có thể. Ngay cả khi Martinez bỏ lỡ, không sao cả, sẽ là đường chuyền khác, và thêm đường chuyền khác nữa.
Sự đổi thay của Messi có thể đến từ việc anh không còn nhiều thời gian cho bóng đá. Cuộc chia tay đẫm nước mắt với Barca cũng tác động nhiều tới Messi. Đó là lúc anh nhận ra Barcelona không phải là “nhà”, đồng thời đổ vỡ tình yêu khi bị phản bội. Argentina mới là ngôi nhà thực sự và anh nên chiến đấu bằng cả trái tim vì nó.
Những thay đổi tích cực ở La Albiceleste do HLV Lionel Scaloni mang lại cũng đánh thức niềm đam mê của Messi. Rồi trái ngọt đầu tiên được hưởng, chiếc Cúp Copa America 2021, khiến gánh nặng bấy lâu được gỡ bỏ. Theo cách nói của người Argentina, “balo được cởi”. Messi không còn là kẻ bị nguyền rủa và nỗi ám ảnh Argentina không bao giờ chiến thắng đã tan biến. Xứ sở tango bắt đầu tin thời của họ đã tới, với Messi là người dẫn đường.
Người Argentina học cách yêu lại Messi. Hiện ở La Bajada có khoảng 30 bức tranh tường liên quan đến Messi. Con số không ngừng tăng lên. Nó cũng xuất hiện ở Cordoba, Buenos Aires hay Santa Fe.
Khắp mọi nơi ở Argentina đều nói về Messi. Áo số 10 của anh và thẻ bài Messi trong cuốn album Panini World Cup được săn lùng ráo riết, dẫn đến tình trạng giá bị đội lên gấp nhiều lần. Vậy mà chúng vẫn bán chạy như tôm tươi. Nên nhớ rằng tình hình kinh tế ở Argentina đang rất tồi tệ. Lạm phát dự kiến đạt đạt 130% vào năm 2023 và tờ 1.000 peso, đồng tiền có mệnh giá lớn nhất Argentina, chỉ đủ để mua một chiếc bánh cùng tách café.
Messi đã khiến người dân Argentina quên đi thực tại khó khăn. Họ đang sống bằng men say chiến thắng. Hàng vạn người đã đổ ra quảng trường quang tượng đài ở trung tâm Buenos Aires với cờ Argentina, áo số 10, biểu ngữ và chân dung Messi. Có một thanh niên còn gỡ cả cánh cửa nhà, vẽ lên đó hình Messi và mang tới lễ ăn mừng. Bên cạnh những bài hát quen thuộc mà họ vẫn hát cả chục năm, giờ có thêm những bài hát về Messi.
“Messi là vị thần”, một cô gái ở Buenos Aires nói trong nước mắt, “Tôi yêu anh ấy bằng cả trái tim mình. Tình yêu mà chúng tôi dành cho anh ấy rất lớn đến mức không gì diễn tả nổi. Chúng tôi thành tâm cầu nguyện mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với anh ấy”.
Thậm chí giờ đây người hâm mộ cũng thoải mái nói về chủ đề cấm kỵ xưa nay: so sánh giữa Messi và Maradona. “Messi còn giỏi hơn cả Diego. Diego là quá khứ rồi”, một người sống tại Rosario nói. Một người khác thì phát hiện chi tiết Messi nên được yêu nhiều hơn. “Maradona lớn lên ở thủ đô, còn Messi là tỉnh lẻ”, ông ta cho biết.
“Argentina là vậy, chuyển từ thái cực này sang thái cực khác rất nhanh”, Raul Damiani, Giám đốc trường bóng đá trẻ của Newell’s Old Boys mà Messi từng chơi, bình luận.
Dù sao thì điều này cũng tốt cho Messi. Nó khiến anh cảm thấy được yêu thương bởi chính những người đồng bào mình, sau đó tiếp tục bay bổng và dẫn dắt Argentina tới bến bờ cuối: vô địch World Cup.
Nguồn: Tienphong
© 2024 | Thời báo ĐỨC