Một góc Mannakin Hall.
Mannakin Hall không từ chối trẻ em, thậm chí còn có chính sách miễn phí cho khách tham quan nhỏ tuổi, song nhiều phụ huynh e ngại bọn trẻ sẽ chẳng nhấc nổi bước chân nào một khi đã bước vào đây.
"Dù đứng ở nơi đây giữa ban ngày, khung cảnh xung quanh vẫn quá là ghê rợn" - YouTuber người Anh Thomas Scott nhận xét khi đến thăm "khu vui chơi" của Roz Edwards, giám đốc Công ty Mannakin, hồi tháng 1 năm nay.
Điểm đến Halloween
Ban đầu, chỗ chứa núi ma-nơ-canh được gọi là Dollywood (doll + Hollywood), nhưng giờ đã chuyển thành Mannakin Hall - cái tên mà bà chủ 50 tuổi đùa là "nghe sang hơn hẳn".
Từ người không biết gì về hình nộm trưng bày quần áo, Edwards giờ được gọi là "quý bà ma-nơ-canh", cai quản cơ ngơi rộng 8.000m2, với bộ sưu tập khổng lồ gồm hàng chục ngàn ma-nơ-canh tích lũy trong hơn 15 năm, nhiều đến mức chúng chất thành một cái gò cao 6m, dài 45m.
Edwards nói với Scott bà cố tình đặt tên công ty trại theo cách viết mannequin (ma-nơ-canh), vì "manna" nghĩa là thức ăn từ thiên đàng, còn "kin" là tri kỷ. Cái tên thể hiện lòng biết ơn của Edwards với những giúp đỡ bà nhận được trong lúc bản thân hầu như đang trắng tay.
Bà chủ Mannakin Hall. Ảnh: SWNS
Vào ngày lễ Halloween, "nơi an nghỉ cuối cùng" của các ma-nơ-canh trở nên đông đúc hơn bình thường, vì Edwards sẽ mở cửa để du khách tham quan vào buổi tối và trải nghiệm cảm giác rùng rợn nơi đây.
Vừa đặt chân qua cổng, du khách sẽ được chào đón bởi một loạt ma-nơ-canh trong mọi tư thế. Dọc theo con đường xẻ giữa ngọn đồi đầy ắp đầu, thân và tứ chi ma-nơ-canh cũng có một số nhân vật cố định khá đặc biệt, chẳng hạn một hình nộm ‘biết nói’ và có khả năng ‘tiên tri’ và cả những ma-nơ-canh thiếu nhi xuất hiện đây đó trong khuôn viên ngọn đồi. Những hình hài không hẳn giống người với những đôi mắt vô hồn bủa vây tứ phía, khiến người ta lạnh sống lưng
Năm 2020, vì lý do phòng tránh COVID-19, chuyến đi bộ tham quan buổi tối được đổi thành một tour "Mannakin Safari" trên xe. Theo trang Derby Telegraph, hơn 700 người đã có một trải nghiệm khó quên vào dịp Halloween đó.
Một góc của sự kiện Mannakin Halloween Safari. Ảnh: Roz Edwards
Việc tổ chức đi bộ xuyên "bãi tha ma" này đã trở lại vào năm ngoái; Edwards còn dự định cho khách ở qua đêm nếu có vị nào dũng cảm muốn thử. Năm nay, ‘nghĩa địa ma-nơ-canh’ được trang hoàng thành một không gian cho trò chơi giải đố nhập vai có tên "We’ve Found A Body" (Chúng tôi tìm thấy xác).
Theo thông báo trên trang web công ty, du khách sẽ phải trả 15 bảng Anh (hơn 420.000 đồng) cho một chuyến đi bộ kinh dị kéo dài một giờ quanh Mannakin Hall vào buổi tối.
Trong quá trình dạo chơi, họ phải lần theo manh mối qua từng căn phòng khác nhau như một thám tử để tìm ra kẻ tình nghi đứng sau một vụ giết người rùng rợn.
Ban tổ chức cũng chuẩn bị một quầy bar và xe bán bánh mì kẹp thịt dành cho người chơi, với hi vọng mọi người sẽ có những phút giây giải trí, la hét thoải mái trong một khung cảnh rùng rợn.
Từ con số không
Bãi tha ma hình nộm là phần đặc sắc ngoài tính toán trong công việc kinh doanh của Edwards. Công ty của bà hoạt động chính bằng dịch vụ bán, cho thuê, tân trang và nâng cấp ma-nơ-canh, với khách hàng là người tổ chức các sự kiện thời trang, giải trí, chương trình truyền hình thực tế, đoàn làm phim, đội ngũ quay video ca nhạc cần đạo cụ, bối cảnh rùng rợn.
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2007, khi Edwards trở về Anh sau 10 năm sinh sống ở Malawi. Bà quay lại làm ăn bằng cách mở một website tư vấn bán lẻ. Một hôm, khi đang biên nội dung cho trang web, bà lấy một vài ảnh ma-nơ-canh trên mạng và viết một quảng cáo vu vơ: "Cho thuê ma-nơ-canh", kèm theo số điện thoại cá nhân, dù bấy giờ bản thân chẳng có hình nộm nào. Điều đáng nói là, trong vòng 24 giờ, Edwards liên tục nhận được cuộc gọi muốn thuê ma-nơ-canh. Bí quá hóa liều, cô trả lời: "Ồ, tiếc quá, ma-nơ-canh chỗ tôi hiện đang cho thuê hết rồi".
Cái duyên của Edwards với ma-nơ-canh là chuyện này diễn ra đúng vào lúc cuộc khủng hoảng tín dụng bắt đầu - nhiều cửa hàng thời trang đóng cửa, sẵn sàng bán rẻ như cho những con ma-nơ-canh. Nhiều người cũng muốn vứt chúng vào thùng rác cho rảnh nợ. Edwards chỉ cần lái xe quanh vùng để chở chúng về.
Quý bà ma-nơ-canh Roz Edwards. Ảnh: SWNS
Số ma-nơ-canh dần chiếm nhiều diện tích trong nhà của Edwards, khiến bà phải chuyển chúng vào thùng container, rồi thuê hẳn một nhà kho. Công việc kinh doanh càng ngày càng phất lên, sang năm 2008 thì Ewards lập Công ty Mannakin, rồi mua mảnh đất hiện tại để chứa những con ma-nơ-canh. Một, hai, rồi có hẳn bốn chiếc xe tải lớn đến chỗ Edwards giao hàng mỗi ngày.
Sau khi nhận hàng, Edwards phân chúng thành từng nhóm: không mặt, không đầu, phong cách thực tế, cổ điển và thể thao. Cô và đội ngũ của mình cũng dành thời gian để sửa chữa và sơn mới những con bị hư, khoảng 3-4 ngày mỗi con. Ước tính Edwards hiện có khoảng 3.000 ma-nơ-canh đã tút tát, đủ điều kiện cho thuê, còn số chất thành núi bên ngoài thì không đếm xuể.
Bãi săn thi thể
Ngoài kinh doanh ma-nơ-canh và mở sự kiện Halloween, một trong những dịch vụ "đinh", diễn ra thường xuyên của Mannakin Hall là Body Part Heist, tạm dịch là phi vụ thu gom thi thể.
Thể thức cũng như game show "Siêu thị may mắn" trên HTV hồi năm 2008: người chơi mua vé khoảng 50 bảng Anh (hơn 1,4 triệu đồng) sẽ có 15 phút lái xe qua bãi tha ma-nơ-canh, muốn lấy bao nhiêu hình nộm (nguyên con hay từng bộ phận) chất lên xe mang về thì tùy.
Muốn gom bao nhiêu thì tùy
Những người chưa có kinh nghiệm thường khá hớt hải và mất nhiều thời gian di chuyển qua lại để chọn thứ họ ưng, nhưng ai nhanh tay lẹ chân thì cũng kịp gom được một mớ kha khá. Số chiến lợi phẩm này sẽ được người chơi mang về thỏa sức sáng tạo, từ dùng làm đồ trang trí đến vật dụng trong nhà.
"Họ tạo ra mọi thứ từ những con ma-nơ-canh, từ một chân đèn đứng đến một chậu cây. Loại ma-nơ-canh phổ biến nhất là phần thân của phụ nữ, không đầu, vì vậy họ có thể lắp bộ đèn ở phía trên" - Edwards chia sẻ với kênh radio Day 6 của Đài CBC (Canada).
Các gia sư mỹ thuật, những người làm đạo cụ phim và người kinh doanh nhỏ lẻ cũng xem đây là cách hời để có hình nộm phục vụ cho công việc.
Vị môi trường
Nhiều lần chia sẻ với truyền thông, Edwards luôn khẳng định động lực to lớn để bà phát triển việc kinh doanh là nhằm giúp các doanh nghiệp có liên quan đến ma-nơ-canh hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Các nhà bán lẻ thường xuyên mua ma-nơ-canh mới về thay thế những con cũ. Chỉ nghĩ đến khoản sản xuất, vận chuyển và giao ma-nơ-canh… thôi là Edwards đã cảm thấy vô cùng đáng lo ngại.
Nếu không đến với ‘nghĩa địa’ Mannakin, đa số ma-nơ-canh sẽ bị nghiền nát rồi chuyển đến bãi rác; bởi những con ma-nơ-canh mới được làm bằng nhựa dẻo cứng, nhưng những con cũ thì làm bằng sợi thủy tinh, không thể tái chế. "Thay vì mang chúng đi chôn lấp, họ mang chúng đến cho tôi, để chúng tôi có thể tái sử dụng chúng" - Edwards nói với Day 6.
Giá của những con ma-nơ-canh ở Mannekin rất đa dạng."Chúng tôi có một loạt sản phẩm giá cả phải chăng, thường là những loại làm bằng nhựa ta hay thấy ở các cửa hàng trên phố… và cả những loại cao cấp giống người hơn, giá khoảng 3.000 bảng Anh (84,2 triệu đồng) mà hệ thống cửa hàng bách hóa tổng hợp Harrods sử dụng" - Edwards nói với trang Newark Advertiser.
Hầu hết ma-nơ-canh mà Edwards sở hữu đều có kích thước cỡ 8 đến 10 theo chuẩn của Anh. Một số con lớn hơn, vào cỡ 16 đến 18, thường được sử dụng cho thời trang ngoại cỡ, nhưng chúng khá hiếm.
Một trong số những con ma-nơ-canh đặc biệt của Edwards được đặt tên là Audrey, theo tên diễn viên người Anh Audrey Hepburn. Con ma-nơ-canh này được nhà đấu giá Christie’s lựa chọn vì có vòng eo 54cm phù hợp cho dịp đấu giá tất cả quần áo của Hepburn. Khách hàng của bà còn có các chương trình giải trí truyền hình như X Factor và Top Gear; nữ ca sĩ Lady Gaga cũng đã từng quay video ca nhạc ở Mannakin Hall.
Theo Tuổi Trẻ
© 2024 | Thời báo ĐỨC