Maroc lại thành công với phòng ngự - phản công
Trước World Cup 2022, đã có 3 đội tuyển của châu Phi từng vào tới vòng tứ kết của giải đấu này là Cameroon (1990), Senegal (2002) và Ghana (2010). Tuy nhiên, trong cả 3 lần tiến đến vòng đấu này, các đại diện của lục địa đen đều bị loại.
Chính vì vậy, Maroc được coi là chịu sức ép không nhỏ trong việc phá vỡ cái dớp chỉ lọt vào tứ kết World Cup của bóng đá châu Phi. Không những vậy, đối thủ của họ là Bồ Đào Nha trong 2 lần trước đây lọt tới tứ kết World Cup vào các năm 1966 và 2006 đều đã giành chiến thắng.
Maroc đã chơi rất hiệu quả trước Bồ Đào Nha. Ảnh: Reuters
Với những gì đã thể hiện tại vòng bảng, cả Maroc và Bồ Đào Nha hẳn không bất ngờ về lối chơi của nhau. Maroc tiếp tục áp dụng chiến thuật phòng ngự - phản công với sự chắc chắn của thủ môn Bounou và các hậu vệ, tiền vệ trụ chơi rất ổn định như Amrabat, Saiss hay Hakimi. Ở phía trên, Boufal, Ziyech là những nhân tố hoạt động năng nổ khi đá biên để tìm kiếm sự đột biến và tạo ra những khoảng trống hoặc cơ hội cho tiền đạo En-Nesyri dứt điểm.
Về phía Bồ Đào Nha, HLV Fernando Santos gần như giữ nguyên bộ khung đã giúp họ đè bẹp Thụy Sĩ 6-1 tại vòng 1/8. Ronaldo tiếp tục ngồi dự bị và suất đá chính trên hàng công thuộc về Goncalo Ramos, người đã lập hattrick ở trận trước.
Bồ Đào Nha chơi tấn công với rất nhiều cầu thủ có kỹ thuật tốt như Bruno Fernandes, Bernardo Silva, Otavio hay Joao Felix, nhưng họ đã vấp phải "bức tường lửa" Maroc và mọi thứ Bồ Đào Nha làm được chỉ dừng ở mức độ cơ hội. Maroc cho thấy, không phải ngẫu nhiên họ mới để thủng lưới 1 bàn trong 4 trận trước đó và bàn thua ấy lại chỉ đến từ một pha phản lưới.
Maroc đã phòng ngự cực hay, chấp nhận lùi sâu, nhưng khi phản công, họ lại triển khai bóng rất nhanh để có thể dứt điểm theo cách hợp lý nhất. Chính vì vậy, Bồ Đào Nha kiểm soát bóng nhiều hơn trong hiệp 1, nhưng chỉ có 5 pha dứt điểm, còn Maroc lại có tới 7 lần dứt điểm. Quan trọng hơn, Maroc là đội ghi được bàn thắng mở tỷ số.
Vào phút 42, từ pha phản công của Maroc và bóng được tạt vào khu cấm địa Bồ Đào Nha, thủ môn Diogo Costa và trung vệ Ruben Dias đã phối hợp cũng như di chuyển không hợp lý, để tiền đạo En-Nesyri chớp thời cơ đánh đầu khá thoải mái, đưa Maroc vượt lên dẫn trước.
En-Nesyri ghi bàn quyết định giúp Maroc đánh bại Bồ Đào Nha. Ảnh: Reuters
Sau đó, Bồ Đào Nha nỗ lực đẩy cao đội hình để tạo áp lực mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, may mắn không đứng về phía họ khi pha dứt điểm hiểm hóc của Bruno Fernandes lại đưa bóng trúng xà ngang.
Sang hiệp 2, Bồ Đào Nha tiếp tục gia tăng sức tấn công. Ronaldo được tung vào sân từ khá sớm và anh hoạt động rất năng nổ. Tuy nhiên, khi đã có lợi thế, Maroc phòng ngự chặt chẽ và không để Bồ Đào Nha có được nhiều khoảng trống. Tình huống đáng chú ý nhất trong hiệp 2 là cú sút rất khó của Joao Felix, nhưng thủ môn Bounou đã xuất thần cản phá. Sau đó, đến phút bù giờ đầu tiên, Ronaldo cũng có cơ hội dứt điểm nhưng không thể vượt qua tầm kiểm soát của Bounou.
Những nỗ lực của Maroc đã mang lại thành công rực rỡ cho họ. Chiến thắng chung cuộc 1-0 đã giúp Maroc trở thành đội tuyển đầu tiên của bóng đá châu Phi trong lịch sử có mặt tại vòng bán kết một VCK World Cup.
Ronaldo vào sân từ ghế dự bị cũng không thể giúp Bồ Đào Nha tránh khỏi thất bại. Ảnh: Reuters
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT
© 2024 | Thời báo ĐỨC