Hồi tưởng lại tuổi 20 đáng nhớ của các tỷ phú giàu nhất Việt Nam

Có lẽ ít ai biết rằng để có được thành công như ngày hôm nay, các doanh nhân, tỷ phú giàu nhất Việt Nam đã phải trải qua những tuổi thơ đầy gian nan và cơ cực, phải bươn trải đủ nghề.

1 Hoi Tuong Lai Tuoi 20 Dang Nho Cua Cac Ty Phu Giau Nhat Viet Nam

Những tỷ phú Việt Nam không chỉ khiến giới doanh nhân trầm trồ thán phục tài kinh doanh của họ mà còn bởi những câu chuyện khởi nghiệp đầy thăng trầm. Ở tuổi 20, bà Mai Kiều Liên là cô sinh viên tại ở Nga, nữ đại gia phố núi Nguyễn Thị Liễu là thợ may, trong khi bầu Đức đang loay hoay vì thi trượt đại học.

“Bà chủ” của Vinamilk – cô sinh viên xuất sắc tại Moscow

2 Hoi Tuong Lai Tuoi 20 Dang Nho Cua Cac Ty Phu Giau Nhat Viet Nam

Bà Mai Kiều Liên sinh năm 1953 tại Paris, Pháp, là con gái của một bác sĩ. Cha của bà giống như một người thầy đã dẫn dắt, định hướng cho tương lai của bà.

17 tuổi, bà đã được nhà nước cử sang Nga học. Năm 20 tuổi, bà Liên đang là cô sinh viên tại Đại học Chế biến thịt và sữa ở Nga. Tốt nghiệp Đại học năm 1976, bà trở về Việt Nam làm kỹ sư phụ trách khối sản xuất sữa đặc và sữa chua của nhà máy sữa Trường Thọ. Đến sau 30 tuổi, bà Liên mới được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Vinamilk, và sau đó là Tổng giám đốc từ tháng 12/1992 cho đến ngày nay.

Bà Liên là người có công lớn trong sự tăng trưởng mạnh mẽ của Vinamilk và được Forbes bình chọn là một trong những nữ doanh nhân xuất sắc nhất châu Á. Hiện tại, bà sở hữu lượng cổ phiếu Vinamilk trị giá gần 280 tỷ đồng.

“Ông vua cà phê Việt” – cậu sinh viên trường Y

3 Hoi Tuong Lai Tuoi 20 Dang Nho Cua Cac Ty Phu Giau Nhat Viet Nam

Ít ai nghĩ rằng, Đặng Lê Nguyên Vũ – người sáng lập thương hiệu cà phê Trung Nguyên nổi tiếng, đã từng “suýt” trở thành bác sĩ. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Khánh Hòa, sau đó chuyển tới Đắc Lắc, ông Vũ đã từng phải đi bẻ ngô, chăn lợn kiếm ăn. Năm 1990, ông thi đậu trường Đại học Y Tây Nguyên. Mẹ ông đã phải bán lúa và nhiều thứ khác trong nhà để ông lên Buôn Ma Thuột nhập học.

Vừa đi học, ông vừa đi làm thêm kiếm sống. Khi đang học năm thứ ba, ông chợt nhận ra mình không muốn trở thành một bác sĩ. Mẹ ông đã khóc gần như hết nước mắt khi ông quyết định dứt áo ra đi.

Năm 1996, ông cùng với sự hợp tác ban đầu của 3 người bạn, lập nên “Hãng cà phê Trung Nguyên”, bấy giờ chỉ là một cơ sở rang xay với diện tích vài m2 và chiếc máy rang cà phê thủ công cũ kỹ, một quán cà phê nhỏ ở Buôn Mê Thuột và công việc giao cà phê rang xay cho các quán khác. Dần dần, ông Vũ đã phát triển thương hiệu cà phê Trung Nguyên trở nên lớn mạnh.

Tháng 2/2012, Đặng Lê Nguyên Vũ lần đầu tiên được vinh danh là “Vua Cà phê Việt” một cách chính thức trên tạp chí uy tín National Geographic Traveller. Tháng 8/2012, một tạp chí uy tín khác của Mỹ – Forbes, lại khắc họa chân dung về ông như một ông “Vua Cà phê Việt”, trong đó ca ngợi ông là nhân vật “zero to hero” (từ vô danh thành anh hùng).

“Chúa đảo” Tuần Châu Đào Hồng Tuyển

4 Hoi Tuong Lai Tuoi 20 Dang Nho Cua Cac Ty Phu Giau Nhat Viet Nam

Là một trong những người giàu nhất Việt Nam nhưng ít ai biết rằng chúa đảo Tuần Châu Đào Hồng Tuyển đã từng là chiến sĩ trong binh đoàn tàu không số thời chống Mỹ. Rời quân ngũ vào những năm 80 với số tiền trợ cấp xin việc ít ỏi, Đào Hồng Tuyển ở lại TP HCM lập nghiệp.

Công việc của ông trong những năm đầu là dọn chuồng lợn, bưng bia tại các quán nhậu. Ông cho biết, nhiều lúc phải lang thang khắp Sài Gòn, ngủ trên vỉa hè, gara ô tô, công viên và trên chính ngoài thềm ngôi nhà tại TP HCM của mình bây giờ. Căn nhà đó, sau khi thành đạt, ông đã quyết định mua lại như một lời nhắc nhở bản thân về một thuở hàn vi.

Bằng con mắt tinh đời, ông đã nhìn ra “mỏ vàng quý báu” từ ngày Tuần Châu chỉ là một đảo hoang. Không thể hình dung rằng, cuộc đời một con người chưa bao giờ cầm lá bài lại có thể dốc cả sản nghiệp của mình vào một dự án đầy sự may rủi như một con bạc khát nước.

Ông Tuyển nhớ lại: Một trận gió mùa, một cơn áp thấp nhiệt đới đều có thể tạo nên những cơn sóng thần nhấn chìm sản nghiệp của ông xuống đại dương mênh mông không sủi tăm. Cuối năm 1998, con đường đã chạm tới đảo, đó cũng là lúc mọi nguồn vốn cạn kiệt, không thể vay mượn được ai, nhà cửa, sản nghiệp đã thế chấp hết để vay vốn ngân hàng. Nhiều thứ bán không có người mua, vì thị trường đã đóng băng. Bạn bè xa lánh, mỏi mệt và chán nản tưởng như phải bỏ cuộc dở chừng.

Nếu bó tay chỉ có nước là chờ ngân hàng đến xiết nợ rồi vào tù, rồi sẽ được cả nước biết đến như một vụ án… lừa đảo. Thế nhưng chính những lúc đó, nghị lực và bản lĩnh của một doanh nhân như thức tỉnh ông. Động viên anh em cho nợ lương mà vẫn kiên trì triển khai dự án. “Bán non” một số lô đất để lấy ngắn nuôi dài nhằm thực hiện đến cùng con đường vượt biển ra đảo.

Bầu Đức năm 20 tuổi – cậu thanh niên trượt đại học

5 Hoi Tuong Lai Tuoi 20 Dang Nho Cua Cac Ty Phu Giau Nhat Viet Nam

Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) sinh năm 1962 tại xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Gia đình ông rất nghèo. Ngày bé, ông từng phải nhịn đói đi chăn trâu, chăn bò phụ giúp cha mẹ.

Năm 1982, khi vừa tròn 20 tuổi, bầu Đức tốt nghiệp cấp 3 hệ 10 năm. Ông khăn gói quả mướp vào TP.HCM thi đại học nhưng bị trượt. Không nản lòng, bầu Đức tiếp tục vừa làm vừa học, quyết thi đại học, nhưng tới lần thi thứ 4, ông vẫn không đỗ.

Năm 20 tuổi, bầu Đức thi trượt Đại học. Cho tới tận bây giờ, ông vẫn là một trong những “đại gia không bằng cấp” của Việt Nam

Bước ngoặt để Đoàn Nguyên Đức trở thành thương gia là khi ông 22 tuổi sau 4 lần thi đại học không thành. Ông nhận ra rằng, có nhiều con đường để dẫn đến thành công. “Con đường học vấn không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng” – bầu Đức nói. Bầu Đức chọn con đường khởi nghiệp riêng không qua trường học mà bằng trường đời. Ông đã làm đủ mọi nghề để nuôi sống bản thân, để tích góp kinh nghiệm.

Sau một thời gian làm thuê, năm 1990, ông mở một phân xưởng nhỏ có tên Xí nghiệp tư nhân Hoàng Anh, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà. Sau đó ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất đồ nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác, để hình thành nên tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ngày hôm nay.

Nữ đại gia phố núi Nguyễn Thị Liễu – cô thợ may lành nghề ở quê

6 Hoi Tuong Lai Tuoi 20 Dang Nho Cua Cac Ty Phu Giau Nhat Viet Nam

Bà Nguyễn Thị Liễu sinh năm 1969, bố mẹ đều là Việt kiều, bố gốc Lào, còn mẹ gốc Thái. Gia đình rất nghèo, nên từ bé bà đã “máu” kinh doanh và mơ ước giúp bố mẹ thoát khỏi cảnh nghèo.

Bà Liễu tự kiếm tiền từ năm 11 tuổi. Nửa buổi đi học, nửa buổi đi bán hàng, chắt chiu từng đồng gửi mẹ. Năm 16 tuổi, bà vào Sài Gòn học cắt may ở một xưởng may của chú. Năm 17 tuổi, bà Liễu trở về quê, mở cửa hàng cắt may và dạy may. Khi 20 tuổi, bà đã là một thợ may lành nghề, có tiếng ở quê nhà.

Tuy nhiên, với niềm đam mê kinh doanh ăn sâu trong máu, năm 25 tuổi bà Liễu bắt đầu sang Lào mua hàng về bán. Bà buôn bán đủ loại mặt hàng. Bà từng kinh doanh bất động sản ở Thái Lan, buôn quần áo Trung Quốc ở các nước Áo, Đức, Tiệp, xuất khẩu gạo sang Nigeria. Ở Việt Nam, bà Liễu không mấy hoạt động kinh doanh. Trước đây, bà có tham gia vào thị trường bất động sản nhưng đã bán hết trước khi nó xuống đáy.

Nhờ sự nhanh nhạy, lăn lộn trên thương trường, bà Liễu kiếm được khối tài sản khổng lồ. Nói về việc mọi người tò mò về khối tài sản của mình, bà Liễu chia sẻ: “Bản thân tôi không hề liên quan bất kỳ một cương vị nào trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước, hoặc giữ bất kỳ một chức vụ nào, kể cả doanh nghiệp, đến giám đốc tư nhân. Ngược lại, tôi chỉ là một phụ nữ rất đỗi bình thường”.

Phạm Nhật Vượng: tỷ phú đô la đi lên từ hai bàn tay trắng

7 Hoi Tuong Lai Tuoi 20 Dang Nho Cua Cac Ty Phu Giau Nhat Viet Nam

Giới doanh nhân nói riêng và người Việt nói chung còn trầm trồ thán phục tài kinh doanh của vị lãnh đạo trẻ này hơn nữa khi biết được câu chuyện khởi nghiệp đầy thăng trầm của ông.

Sinh năm 1968, quê gốc ở Hà Tĩnh nhưng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Phạm Nhật Vượng có tuổi thơ không được như các bạn đồng trang lứa khi được sinh ra vào đúng thời bao cấp khó khăn, lại sống trong gia đình đông anh em, cha là bộ đội. Cuộc sống nghèo khó khiến mẹ ông phải bán thêm quán nước chè để có thêm tiền trang trải và nuôi các con ăn học. Khi đỗ điểm cao vào trường Đại học Mỏ – Địa chất Hà Nội và được chọn đi du học ở Nga năm 1987, ông chỉ có duy nhất một ước mơ đó là làm sao cho gia đình bớt khổ.

Năm 1992, sau khi tốt nghiệp trường Kinh tế địa chất lại Moscow, ông Vượng cưới bà Phạm Thu Hương rồi đôi vợ chồng trẻ quyết định đến Kharkov, Ukraine sinh sống.

Và đây cũng là lúc câu chuyện khởi nghiệp mì gói huyền thoại của chàng trai nghèo bắt đầu. Ông Vượng vay mượn bạn bè được số tiền trị giá khoảng 10.000 USD và mở một nhà hàng tại Kharkov mang tên là Thăng Long.

Sau đó, ông về Việt Nam mua một dây chuyền mỳ ăn liền hai vắt thô sơ và bắt đầu sản xuất mì ăn liền hiệu Miniva, bán cho dân bản địa. Đồng thời, ông thành lập nên công ty thực phẩm LLC Technocom. Sau mỳ ăn liền, Technocom sản xuất bột canh và bằng các chiêu tiếp thị mới lạ với người bản địa đã thuyết phục được những bà nội trợ Ukraine.

Sau đó, doanh nhân này quyết định đầu tư về Việt Nam. Tháng 9/2009, Tập đoàn Technocom đổi tên thành Tập đoàn Vingroup (tên đầy đủ là: Tập đoàn Đầu tư Việt Nam), chuyển trụ sở từ Kharkov (Ukraine) về Hà Nội, Việt Nam.

Kể từ khi đầu tư về Việt Nam trong suốt hơn 10 năm qua, những bước đi của Vingroup đã phần nào thể hiện quan điểm đầu tư trên: liên tục xây dựng, bán, xây dựng tiếp. Tốc độ phát triển kinh ngạc của Vingroup khiến các nhà đầu tư bất động sản quốc tế đặt Vingroup ngang hàng với những nhà phát triển bất động sản hàng đầu trong khu vực.

Với những thành công này, Phạm Nhật Vượng xứng đáng là tỷ phú giàu nhất Việt Nam.

Tổng hợp

Nguồn: tapchidoanhnhan.org


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày