Thông tin giới thiệu ông Trần Anh Dũng với học vị tiến sĩ trên website Trường đại học Văn Hiến - Ảnh chụp màn hình
Trả lời VnExpress sáng 20/12, đại diện trường Đại học Văn Hiến xác nhận ông Trần Anh Dũng, Phó hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Kinh tế - Quản trị, chưa làm hồ sơ để Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm định bằng tiến sĩ. Trường đang yêu cầu ông Dũng thực hiện thủ tục này.
Vụ việc xuất phát từ đơn thư của nhiều giảng viên Đại học Văn Hiến, tố cáo ông Dũng dùng bằng tiến sĩ do Đại học Saint Mary's - một đại học tư ở Philippines, cấp từ năm 2014 nhưng chưa được Bộ công nhận.
"Dùng bằng tiến sĩ chưa được công nhận, hướng dẫn làm luận văn thạc sĩ"
Nhóm giảng viên Trường đại học Văn Hiến vừa phản ánh về quản lý đào tạo cũng như bổ nhiệm nhân sự trưởng khoa nhưng không kiểm định bằng tiến sĩ.
Theo đó, đối với vị trí trưởng khoa tại trường đại học yêu cầu phải có trình độ tiến sĩ, nhưng ngày 30-7-2021, chủ tịch hội đồng trường ký quyết định bổ nhiệm ông Trần Anh Dũng làm trưởng khoa kinh tế - quản trị.
Sau đó, ông Trần Anh Dũng tiếp tục được bổ nhiệm vị trí phó hiệu trưởng thường trực nhà trường, kiêm nhiệm trưởng khoa kinh tế - quản trị đến nay.
"Khi ông Trần Anh Dũng mới được bổ nhiệm trưởng khoa, chúng tôi đã tìm hiểu và biết ông Dũng có gửi thông tin là tốt nghiệp tiến sĩ tại Trường đại học Saint Mary của Philippines (tư thục). Đây là trường chưa có ký bất kỳ hiệp định đào tạo nào với Việt Nam và cũng chưa được công nhận tại Việt Nam" - nhóm giảng viên phản ánh.
Năm 2021, ông Dũng được trường Đại học Văn Hiến bổ nhiệm Trưởng khoa Kinh tế - Quản trị, rồi Phó hiệu trưởng kiêm trưởng khoa cho đến nay. Theo các giảng viên, khi đó học viên cao học đã phản ánh đến lãnh đạo trường, lo lắng bằng tiến sĩ của ông Dũng chưa được công nhận tại Việt Nam. Theo quy định, giảng viên phải có trình độ tiến sĩ mới được dạy thạc sĩ. Tuy nhiên, ông Dũng vẫn được trường phân công giảng dạy, hướng dẫn và ngồi hội đồng chấm luận văn thạc sĩ từ đó đến nay.
Lý giải, phía trường cho hay việc bổ nhiệm dựa trên kinh nghiệm, năng lực làm việc thực tế tại đơn vị. Mặt khác, ông Dũng đã có quá trình làm việc tại nhiều trường đại học khác. Đại học Saint Mary's cũng có trong danh sách các cơ sở giáo dục đại học được Philippines công nhận, theo website của Trung tâm công nhận văn bằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo báo cáo của ông Dũng gửi trường, ông học tại Philippines từ tháng 7/2010, có visa và thẻ cư trú sinh viên do nước này cấp. Tháng 8/2013, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, đến tháng 3/2014 thì được cấp bằng. Lý do ông chưa làm thủ tục kiểm định văn bằng tiến sĩ vì các nơi công tác không yêu cầu.
Việc công nhận văn bằng đào tạo ở nước ngoài để sử dụng ở Việt Nam hiện được thực hiện theo thông tư 13 năm 2021. Theo đó, các văn bằng từ cử nhân đến tiến sĩ do Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm định, theo nhu cầu của người có văn bằng hoặc đơn vị sử dụng lao động.
Cục quản lý chất lượng của Bộ cho hay các đại học có thể căn cứ thông tư 13 để tự đánh giá chất lượng văn bằng và chịu trách nhiệm về đánh giá này. Tuy nhiên, phần lớn đại học, cơ quan nhà nước yêu cầu nhân sự tốt nghiệp ở nước ngoài làm thủ tục công nhận tại Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ đầu năm đến nay, Bộ nhận được gần 37.500 hồ sơ.
Lãnh đạo một trường đại học công lập ở Hà Nội nói đây là quy định cứng để đảm bảo chất lượng, tránh rủi ro do trên thế giới có rất nhiều đại học, hệ thống văn bằng cũng có một số điểm khác so với Việt Nam. Theo quy định của Bộ, số giảng viên có trình độ tiến sĩ là một trong những căn cứ để trường xin mở ngành đại học và sau đại học.
Cục Quản lý chất lượng cho hay sẽ yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học rà soát và báo cáo các trường hợp giảng viên sử dụng văn bằng nước ngoài, xem xét quá trình đánh giá và sử dụng văn bằng này trong các hoạt động phục vụ giảng dạy.
Trên website của Trung tâm công nhận văn bằng, trường Đại học Saint Mary's có tên trong danh sách được công nhận ở Philipines. Tuy nhiên, trung tâm khuyến cáo đây chỉ là thông tin tham khảo, không đồng nghĩa văn bằng do trường này cấp được Bộ công nhận.
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC