Hậu quả của việc Phương Tây cấm vận Nga

Có bạn nào đã từng trải qua chiến tranh, đói khát chưa? Đối với tôi, một người được sinh ra vào thập niên 60, tôi đã từng trải qua chiến tranh, khi đối diện với cái chết. Tôi đã từng nghe những âm thanh la hét thảm thiết của những người lính. Trước những đau đớn do những vết thương gây ra họ khóc than: mẹ ơi, bố ơi trong đau đớn, tuyệt vọng.

Rồi chúng tôi phải trốn chạy khỏi cuộc chiến, băng rừng lội suối của những tháng đầu năm 1975. Chúng tôi đói khát, quỵ ngã, phải uống cả nước tiểu của chính mình.

Rồi chiến tranh qua đi là cảnh hoang tàn đổ nát, là đói, là nghèo.

Là ăn những bữa ăn toàn là độn với khoai lang, khoai mỳ. Đói nhất là năm 1979, không còn gì để ăn, chúng tôi phải ăn bobo (một loại cây trồng để lấy hạt cho gia súc). Nó dai như cao su.

Nhớ lại một thời ngăn sông cấm chợ, để thấy rằng dân chúng chịu đựng được chừng ấy năm là quá giỏi.

1 Hau Qua Cua Viec Phuong Tay Cam Van Nga

Năm 1979, thì chiến tranh biên giới nổ ra. Việt Nam không còn cách nào khác là phải đánh đuổi quân xâm lược và chúng ta đã bị cấm vận.

2 Hau Qua Cua Viec Phuong Tay Cam Van Nga

Bạn không thể tưởng tượng một thập niên như thế xảy ra trong suốt cuộc đời của mình đâu. Đó là cái chết từ từ, từ từ. Nó như cái thòng lọng siết dần, thắt dần. Nó không chết ngay nhưng lay lất, đến một ngày, không thể chịu đựng được thì lên đường.

Và chính xác đó là những gì mà Phương Tây đã làm đối với Nga.

Khi cuộc chiến xảy ra và nó kéo dài đến nay đã 30 tháng. Có đôi khi bạn cho rằng Mỹ và Phương Tây nhu nhược, không dám hành động.

Suốt bao năm qua, Ucraina mong chờ được sự chấp thuận của các nước viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga nhằm làm giảm sức chiến đấu của Nga nhưng Phương Tây một mực nói không? Ngay cả khi Nga tấn công Kharkiv, Mỹ và đồng minh cũng chỉ cho phép Ucraina tấn công trong phạm vi chiến sự nhằm đẩy lùi quân Nga tại khu vực này mà thôi.

3 Hau Qua Cua Viec Phuong Tay Cam Van Nga

Do tác động từ hàng loạt lệnh cấm vận từ phương Tây và giá dầu lao dốc, nền kinh tế Nga vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ năng lượng đã chịu tổn thất nặng nề.

Tại sao họ lại không cho Ucraina tấn công để tự vệ mình chứ?

Suy nghĩ nhiều thì tôi mới hiểu là ở tầm vóc toàn cầu, các nhà lãnh đạo phải suy nghĩ ở tầm toàn cầu. Họ không nhu nhược nhưng không cho phép họ mắc sai lầm. Họ cung cấp viện trợ cho Ucraina bảo vệ nhưng họ không kích động chiến tranh lan rộng. Nhất là một nước Nga có vũ khí hạt nhân hàng đầu thế giới. Không gì ngu bằng đẩy một con thú vào đường cùng. Bạn dí nó vào đường cùng, cách duy nhất là nó tìm cách thoát ra. Nó làm mọi cách, nó sẽ cắn bạn, giết bạn, miễn là nó tìm cách tồn tại. Đừng ép ai vào đường cùng vì nó rất nguy hiểm.

Nhưng như vậy, Phương Tây có phải nhu nhược không?

Có chịu bó tay không? Không, họ hành động có lý trí hẳn hoi. Họ sẽ bao vây tứ phía và cho Nga thấm đòn và được chết trong êm ả.

Đó chính xác là những gì mà Mỹ và đồng minh đã làm. Cái thòng lọng cấm vận ban đầu bạn không thấy đau đớn, đau khổ nhưng lâu dần, nó siết từ từ, từ từ cho đến một ngày bạn không còn gì cả. Bạn sẽ chết dần. Đừng xem thường cấm vận.

Bạn có thấy vừa rồi máy bay Nga rơi là do mua phụ tùng không đúng để thay không?

Đó là hậu quả của cấm vận.

Các máy bay còn bay ở Nga là do họ còn tìm những phụ tùng từ máy bay này đến gắn cho máy bay khác. Nhưng đến một ngày không còn cái nào để thay nữa thì không còn máy bay để bay.

Bạn có thấy tần suất xe lửa trật đường ray của Nga có xu hướng tăng không? Vì các phụ tùng chính hiệu đều do các nước như Đức cung cấp. Không có phụ tùng thay thế thì làm sao?

Bạn có thấy tên lửa Nga bắn ngày càng giảm không?

Là do cấm vận đó. Không có những linh kiện do Phương Tây cung cấp thì tên lửa đâu mà bắn.

Bạn có thấy kinh tế Nga trên bờ vực sụp đổ không?

Hậu quả của cấm vận đó. Không có nước nào dám thách thức cấm vận của Mỹ và các đồng minh cả, kể cả Trung Quốc. Bởi vì, trong nền kinh tế toàn cầu hóa, không có sản phẩm có chất xám nào không từ Mỹ và Phương Tây làm ra. Chỉ cần cấm vận thôi thì dòng chảy thương mại đã dịch chuyển qua thị trường khác. Và không ai khác hơn mà chính là Nga đã cảm nhận được điều đó.

Trước chiến tranh, Nga là nhà cung cấp chính các sản phẩm hóa thạch cho Liên Minh Châu Âu. Nó lớn đến nỗi, Nga tự tin là Châu Âu không dám cắt dòng chảy dầu của mình. Nga đã sai. Dầu không tự mất đi, nó chỉ chuyển từ nhà cung cấp này qua nhà cung cấp khác. Người hưởng lợi lớn nhất là Mỹ khi Mỹ thay thế Nga cung cấp cho thị trường này.

Trước chiến tranh, Nga là nhà cung cấp vũ khí đứng thứ hai thế giới. Nhưng chiến tranh đang diễn ra, đã bộc lộ hết những tính năng, ưu khuyết điểm của vũ khí Nga. Các khách hàng của Nga buộc phải tìm nhà cung cấp khác. Nga mất đi thị trường có giá trị hàng chục tỷ đô la.

Phương Tây không nhu nhược. Họ hành động có lý trí và nhất quán. Họ không kích động chiến tranh lan rộng. Họ giăng một cái lưới tưởng vô hình nhưng cái lưới đó nó thu lại dần, thu lại dần cho đến ngày họ cất lưới. Con gấu Nga đã nằm trọn trong đó.

Lần này, Phương Tây họ sẽ làm cho Nga kiệt quệ, đến mức không còn khả năng gây hấn trong vài thập kỷ tới. Tầm nhìn của họ là như vậy. Con gấu Nga giẫy dụa đến một lúc sẽ nằm im, rồi tắt lịm.

Chúng ta thử chờ xem nhé!

Nguyễn Đức


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày