Tờ Yonhap của Hàn Quốc đưa tin, vào hôm 29/7, một người phụ nữ đã chia sẻ lên một diễn đàn online trải nghiệm mới đây với hãng Korean Air. Theo đó, bà và người con trai tự kỷ ở độ tuổi trưởng thành bị từ chối bay chuyến bay từ Frankfurt, Đức về sân bay Incheon, Hàn Quốc hôm 26/7 vừa qua.
Theo người phụ nữ giải thích, bà đã liên tục nhắc đến việc con trai mình mắc chứng tự kỷ ngay tại quầy check-in, cũng như nhắc nhở các tiếp viên hàng không về vấn đề này trước khi bay.
Bà cho biết có vẻ con trai mình cảm thấy bí bách nên đã chạy ra khỏi máy bay và phải có tiếp viên nam đuổi theo ngăn lại. Bà nói: “Chỗ ngồi rất chật nên con trai tôi hẳn đã cảm thấy bí bách, nên nó đã chạy ra ngoài. Tôi đã có thể đi kéo thằng bé về nhưng tiếp viên nam đã làm điều đó. Con trai tôi được kê thuốc và đã uống, nhưng cần thời gian để thuốc phát huy tác dụng nên thằng bé đã rời khỏi ghế tổng cộng 4 lần để đi lại xung quanh”.
Người phụ nữ giải thích con trai bà không hề la hét hay quấy phá. Bà nói thêm: “Con tôi không la hét hay gây náo loạn bằng cách vẫy tay hay gì cả. Các tiếp viên có thể nghĩ thằng bé trông có vẻ lo âu, nhưng nó không làm hại ai hết. Dù vậy, tiếp viên vẫn tới chỗ chúng tôi và yêu cầu rời máy bay” – bà cho biết mình bức xúc vì bị đuổi khỏi máy bay dù con trai chưa làm hại ai.
Các tiếp viên cho biết hành khách bị yêu cầu rời sau khi không chịu ngồi yên trên máy bay.
Theo Korean Air, không có hạn chế lên máy bay cho người mắc rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, hãng cũng giải thích người con trai trên liên tục đi lại trên khoang máy bay, chạy về phía cầu lên máy bay và không chịu ngồi xuống dù đã được yêu cầu nhiều lần.
Vì quy trình an toàn, hành khách trên chuyến bay bị cấm rời cabin và sau đó quay trở lại. Korean Air tiếp tục giải thích: “Người giám hộ đi theo cậu ta và cố ngăn lại nhưng tình trạng vẫn tiếp diễn. Không thể giữ cậu ta ngồi yên trên ghế. Do đó, cơ trưởng quyết định yêu cầu cả hai rời máy bay sau khi cân nhắc yếu tố an toàn của các hành khách khác”.
Thêm nữa, Korean Air cho biết họ không được thông báo về tình trạng của người này trong cả quá trình check-in cũng như lên máy bay. Các tiếp viên hàng không cũng không thể xác nhận người giám hộ có khả năng kiểm soát anh ta.
Do đó, biện pháp trên là cần thiết và không còn lựa chọn nào khác.
Ngoài ra, hãng bay còn cho biết trong nhiều trường hợp cũng có các hành khách không theo được quy định hàng không nhưng ít nhất phải nghe lời người giám hộ. Một nhân viên cho hay: “Đây là biện pháp an toàn, nhưng chúng tôi rất lấy làm tiếc về sự cố đáng xấu hổ cho hành khách và gia đình khi quyết định lựa chọn khó khăn là di chuyển bằng đường hàng không. Chúng tôi định hoàn họ toàn bộ tiền vé mà không có phí phạt”.
Dù vậy, đã có những tranh cãi không hồi kết liên quan đến vụ việc. Nhiều người cho rằng Korean Air đã xử lý đúng chuẩn và có biện pháp an toàn phù hợp. Tuy nhiên, số khác chỉ trích rằng hãng bay đang phân biệt đối xử với người khuyết tật.
“Thật là đáng buồn, sao họ có thể yêu cầu hành khách rời máy bay ngay trước khi khởi hành chứ? Đây rõ ràng là phân biệt đối xử”.
Nguồn: Afamily
© 2024 | Thời báo ĐỨC