Cảnh báo hạt nhân của Tổng thống Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra 2 cảnh báo hạt nhân trong bài phát biểu của mình. Cảnh báo đầu tiên trực tiếp hướng tới NATO. Tổng thống Putin cho rằng các nhà hoạch định chính sách của NATO đã thảo luận về việc sử dụng “vũ khí hủy diệt hàng loạt” nhằm chống lại Nga. Ông “đã nhắc nhở” NATO rằng Nga sở hữu “những vũ khí hiện đại hơn các vũ khí NATO đang sở hữu”.
Thông điệp đã rõ ràng:
Đó là Nga sẽ đáp trả cuộc tấn công hạt nhân của NATO.
Cảnh báo hạt nhân thứ hai mang tính chung chung hơn. Tổng thống Putin khẳng định Nga sẽ “sử dụng mọi phương tiện sẵn có” để bảo vệ “sự thống nhất lãnh thổ”, bảo vệ người dân Nga cũng như “sự độc lập và tự do” của Nga.
Ảnh minh họa: Getty
Chính sách hạt nhân của Nga có gì thay đổi hay không?
Cảnh báo đầu tiên không có điểm gì mới. Học thuyết Quân sự năm 2014 của Nga và Các nguyên tắc cơ bản của Chính sách nhà nước Liên bang Nga về Răn đe Hạt nhân năm 2020 đã khẳng định Moscow có quyền “sử dụng vũ khí hạt nhân để phản ứng với việc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác nhằm vào Nga và đồng minh”. Thông điệp của Tổng thống Putin cũng nhất quán với những cảnh báo trước đó của ông, được đưa ra nhằm ngăn chặn NATO can dự vào cuộc chiến ở Ukraine.
Một số nhà phân tích cho rằng cảnh báo thứ hai của Tổng thống Putin đã mở rộng phạm vi Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, các nguyên tắc vẫn khẳng định lực lượng hạt nhân của Nga tồn tại để bảo vệ “chủ quyền và sự thống nhất lãnh thổ”. Vì thế, hiện không rõ liệu những tuyên bố của Tổng thống Putin có thay đổi nhiều so với những tuyên bố trước đó hay không.
Giới quan sát cho rằng, bối cảnh Tổng thống Putin đưa ra những cảnh báo trên có ý nghĩa rất quan trọng. Trong bài phát biểu trên, Tổng thống Putin đã bày tỏ sự ủng hộ đối với những cuộc trưng cầu ý dân diễn ra trong một vài ngày tới tại các vùng lãnh thổ nước này kiểm soát ở Ukraine như Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia. Các quan chức phương Tây cho rằng những cuộc bỏ phiếu này là phi pháp theo luật pháp Ukraine và luật pháp quốc tế, đồng thời dự đoán các cuộc trưng cầu ý dân sẽ cho thấy đa số ủng hộ việc gia nhập Nga, mở đường cho Moscow sáp nhập các khu vực này. Nga đã sáp nhập Crimea năm 2014 sau một cuộc trưng cầu ý dân với 97% cử tri ủng hộ việc gia nhập Nga.
Liệu cảnh báo hạt nhân của Tổng thống Putin liên quan đến sự thống nhất lãnh thổ có mở rộng sang các vùng lãnh thổ sáp nhập hay không? Đây là một câu hỏi quan trọng khi một số nhà phân tích phương Tây trước đó đặt ra khả năng những nỗ lực của Ukraine nhằm giành lại Crimea có thể làm tăng rủi ro Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.
Theo ông Doug Bandow, cựu quan chức Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, việc Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố giành lại Crimea là phi thực tế bởi “thậm chí được Mỹ trang bị nhiều vũ khí hơn, Kiev vẫn không thể giành lại tất cả vùng lãnh thổ đã mất” hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2/2022.
Ông cho biết nếu tình hình của Nga không thuận lợi, nước này sẽ ban bố lệnh tổng động viên thay vì động viên một phần như thông báo hôm 21/9 và thậm chí triển khai các vũ khí phá hủy hàng loạt để đạt được các mục tiêu ở Ukraine.
Những lựa chọn của Tổng thống Putin
Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng kho vũ khí hạt nhân chiến lược để tấn công Mỹ được giới quan sát đánh giá là khó có khả năng xảy ra. Dù vậy, họ lo ngại Nga có thể đe dọa, kết hợp với sử dụng một số vũ khí hạt nhân phi chiến lược có đương lượng thấp và tầm bắn ngắn để cảnh báo Ukraine và phương Tây. Giới quan sát phương Tây cho rằng mục tiêu của Moscow là khiến đối phương phải tìm cách kết thúc cuộc chiến theo những điều kiện của Nga do lo ngại căng thẳng leo thang.
Mới đây, Đô đốc Hải quân Mỹ Charles Richard đã cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân “không còn là mối đe dọa trên lý thuyết”.
Liệu Nga sẽ sử dụng loại vũ khí hạt nhân nào trong kịch bản trên hiện vẫn chưa rõ ràng.
Giới phân tích Nga thường nhận định, lực lượng theo quy ước của Moscow có thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh “khu vực” như cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời cho rằng sự leo thang thành xung đột hạt nhân là không cần thiết.
Nhà quan sát James Cameron nhận định trên Washington Post rằng Nga có thể kích hoạt vũ khí hạt nhân dưới lòng đất hoặc trên không tại bãi thử Novaya Zemlya ở Bắc Cực.
Nga cũng có thể sẽ tiến hành một cuộc tấn công phô trương sức mạnh tại một khu vực không có người sinh sống gần Ukraine, chẳng hạn như trên Biển Đen. Ngoài ra, Nga cũng có thể sử dụng các lựa chọn khác như đưa ra thời gian để Ukraine nhượng bộ hoặc để phương Tây gây sức ép buộc Kiev nhượng bộ trước khi Moscow tiến xa hơn.
Phản ứng của thế giới
Giới quan sát phương Tây cho rằng, nếu các lựa chọn trên là một phần kế hoạch của Nga thì nước này sẽ đối mặt với những hậu quả nặng nề.
Cựu Chỉ huy Lục quân Mỹ Ben Hodges cảnh báo Washington sẽ đáp trả bằng một “cuộc tấn công phá hủy” nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin thực hiện lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.
Trong khi đó, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận định, Mỹ và đồng minh nên vạch rõ những hậu quả mà Nga phải đối mặt nếu sử dụng vũ khí hạt nhân.
“Các quốc gia hạt nhân khác cần tuyên bố rõ ràng, ngay sau khi Nga, dù chỉ nghĩ tới việc tiến hành cuộc tấn công hạt nhân trên lãnh thổ nước ngoài – trong trường hợp này là ở lãnh thổ Ukraine – thì sẽ có các cuộc tấn công hạt nhân đáp trả nhanh chóng để phá hủy địa điểm phóng hạt nhân của Nga”, ông Podolyak nói.
Trước bài phát biểu của Tổng thống Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo, việc Nga sử dụng các vũ khí hạt nhân sẽ “thay đổi bộ mặt chiến tranh không giống bất kỳ thứ gì từng diễn ra kể từ Thế chiến II”. Ông cũng tuyên bố, mức độ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ quyết định phản ứng của Mỹ.
Các nhà phân tích để xuất một loạt phản ứng phi hạt nhân trước cuộc tấn công hạt nhân của Nga, từ tấn công mạng cho tới tấn công theo quy ước để trừng phạt các lực lượng Nga thực hiện tấn công hạt nhân hoặc hỗ trợ quân đội Ukraine đẩy lùi Nga khỏi lãnh thổ.
Ai đưa ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân ở Nga?
Tại Nga, Tổng thống Putin không phải người duy nhất đưa ra quyết định liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Chính phủ Nga có 3 va li hạt nhân hiện được trao cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov.
Để ra lệnh tấn công hạt nhân, cần ít nhất 2 trong số 3 vali hạt nhân trên. Điều đó tức là, trái với Mỹ vốn Tổng thống là người duy nhất có quyền tiếp cận và sử dụng vali hạt nhân, tại Nga, để sử dụng vũ khí hạt nhân, còn cần 2 chiếc cặp hạt nhân được quản lý bởi 2 người khác nhau và một trong 2 chiếc đó phải là của Tổng thống.
Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang cũng cần nhận lệnh trước khi điều động quân đội sử dụng vũ khí hạt nhân./.
Nguồn: VOV
© 2024 | Thời báo ĐỨC