Gần Tết, lại nói chuyện văn hóa giao thông: Chỉ có phạt nặng mới giải quyết vấn nạn

Câu chuyện văn hóa giao thông tiếp tục là đề tài bàn luận sôi nổi của bạn đọc trong những ngày gần Tết. Nhiều hiến kế thiết thực được bạn đọc đóng góp.

1 Gan Tet Lai Noi Chuyen Van Hoa Giao Thong Chi Co Phat Nang Moi Giai Quyet Van Nan

Cảnh sát giao thông cho biết việc người dân cố rướn vượt đèn vàng, đèn đỏ là một trong những nguyên nhân gây ùn ứ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Như Tuổi Trẻ phản ánh: Những ngày qua, tại nhiều nơi có mật độ giao thông cao ở TP.HCM thường xảy ra dòng xe vượt đèn vàng, đèn đỏ đi thành đoàn chắn ngang ngã tư, dẫn đến kẹt xe lan ra các khu vực khác.

Đây là vấn nạn giao thông, nó gây ra hệ quả lớn. Dù mọi người đã nói nhiều lần, nhưng chưa giải quyết rốt ráo. Đã tới lúc mọi người quyết liệt lên tiếng giải quyết".

Ý kiến bạn đọc Mạnh Huỳnh

Lãnh đạo một đội cảnh sát giao thông ở TP.HCM cho biết một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc người dân cố rướn vượt đèn vàng, đèn đỏ... khiến đường phố đã chật lại còn ùn ứ vào các khung giờ cao điểm.

Vấn đề nhức nhối của văn hóa giao thông

Cho rằng đây là vấn đề nhức nhối của văn hóa giao thông ở Việt Nam, bạn đọc B.L. đưa ra dẫn chứng bằng cách tìm lại bài viết trên Tuổi Trẻ Online cách nay 7 năm và kết luận: "Tính từ khi đó đến nay tình trạng này vẫn chưa được cải thiện mà còn nghiêm trọng hơn".

Theo bạn đọc này: "Cái quan trọng ở đây không phải là ý thức tự giác, vì ai cũng có cái tôi "sợ bị thiệt về phần mình", người ta làm mà mình không làm thì cảm giác tội lỗi với bản thân. Tới khi bị phạt thì lại đặt câu hỏi "tại sao không phạt người khác phạm lỗi y chang vậy mà lại phạt tôi?".

Còn bạn đọc Mạnh Tiến bức xúc: "Khó chịu nhất với mấy ông cứ cố vượt đèn vàng, quay đầu xe bất chấp rồi bịt luôn ngã tư. Cánh tài xế xe ôm công nghệ, mấy anh chị chạy xe máy cũng cố chen lên. Thêm mấy chiếc xe buýt cố vượt. Thế là kẹt cứng!".

Đi tìm nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này, bạn đọc Thu kết luận: "Quan sát dòng xe trên đường, nhận thấy rõ: 8/10 người dân tham gia giao thông đều kém về văn hóa giao thông. Tại sao? Do khung luật hời hợt, và do người thực thi pháp luật không nghiêm"!

Bạn đọc Mạnh Tuấn bổ sung: "Pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh mới góp phần tạo nên văn minh nói chung và văn minh khi tham gia giao thông nói riêng. Các anh cảnh sát giao thông phải làm thật nghiêm minh mới được".

Phạt thật nặng mới sợ

"Nếu xét về văn hóa giao thông, thì không có cái gì gọi là tự giác, trừ khi quyền lợi bị ảnh hưởng, ở đây là thiệt hại về tài chính. Mức thiệt hại càng cao, tự khắc người dân sẽ phải cân nhắc khi quyết định "có nên thực hiện hành vi vi phạm" hay không. Dần dà nó sẽ trở thành thói quen" - bạn đọc B.L. viết.

Về giải pháp, bạn đọc Phat viết: "Nên áp dụng phạt khi ô tô chắn giao lộ như một số nước trên thế giới. Áp dụng một cách nghiêm túc dần dần sẽ tạo thói quen giao thông tốt. Chứ giờ, ô tô khóa giao lộ vào giờ cao điểm xảy ra mọi nơi".

Còn bạn đọc Trung Thu viết: "Không có gì là khó, ý thức cũng do pháp luật nghiêm minh, phạt đúng và đủ theo luật thì các tài xế sẽ tự có ý thức ngay".

Cho rằng có tình trạng lờn luật pháp, bạn đọc Tony đề nghị: "Cứ xe nào nằm ở giữa đường đều bị phạt hết (nguội hay nóng đều được) và miễn tranh cãi. 

Dù đèn xanh nhưng phía trước đã kẹt thì tất cả các xe cũng phải dừng lại thì mới nhanh chóng giải tỏa điểm kẹt. Dân mình qua nước ngoài ở đều tuân thủ đúng như vậy cả, dù rằng ở Việt Nam có khi họ không tuân thủ theo".

Bà Nguyễn Thị Minh Sáu (cán bộ Mặt trận phường 17, quận Bình Thạnh): Tăng phạt nguội, răn ý thức

Ý thức kém, không tuân thủ đèn tín hiệu là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới kẹt xe nghiêm trọng hơn. Để giải quyết vấn nạn này, tôi cho rằng trước hết phải giải quyết chuyện kẹt xe ngay lúc đó bằng việc tăng lượng cảnh sát giao thông xuống đường.

Mỗi chốt giao lộ có 1-2 cảnh sát để kịp thời chỉnh đèn, điều tiết, chặn đứng dòng xe đang cố ý vượt đèn vàng, đèn đỏ. Các chốt gần nhau thì liên tục trao đổi qua điện thoại, điện đàm hoặc các nhóm online.

Cần mạnh tay xử phạt hơn với hành vi ngó lơ đèn giao thông để nâng cao ý thức. Hành vi này nên áp dụng phạt nguội, sử dụng luôn hình ảnh ghi lại được từ hệ thống camera giám sát giao thông ở các giao lộ, camera giám sát hành trình để phạt.

THU DUNG


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày