Etienne Mahler (sinh năm 1987) là sinh viên năm cuối tại Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đầu tháng 6, tôi nhận được điểm 10 tròn trĩnh cho khóa luận bằng tiếng Việt, dài hơn 700 trang (127 trang chính và 600 trang phụ lục).
Cảm giác lâng lâng hạnh phúc đến giờ vẫn chưa hết sau 2 tháng.
Tôi coi đây vừa là kỷ niệm đáng nhớ thời sinh viên, vừa là “quả ngọt” cho một người bắt đầu học tiếng Việt từ con số 0.
Bảy năm về trước, tôi lần đầu đặt chân đến Việt Nam theo dạng chương trình trao đổi sinh viên của Đại học Göttingen (Đức).
Tốt nghiệp cấp 3 năm 26 tuổi
Hành trình đi học của tôi gặp khá nhiều trắc trở. Tôi sinh ra tại thành phố Hemmoor (Đức). Lớn lên trong sự chăm sóc của bố, tôi chưa từng gặp mẹ.
Năm 14 tuổi, tôi bắt đầu đi làm để có tiền đóng học phí vì điều kiện nhà thiếu thốn. Hai năm sau, tôi chỉ vừa đủ điểm tốt nghiệp cấp 2. Khi đó, tôi không thích học, kết quả chỉ xếp lẹt đẹt.
Tôi dừng học phổ thông và chuyển sang vừa học nghề vừa làm đủ mọi công việc kiếm sống suốt 7 năm sau.
Nhưng ở tuổi 23, tôi lại chọn quay về học cấp 3. Lý do cho quyết định này là nhiều bạn bè, người quen thường khen tôi thông minh và động viên tôi quay lại trường học.
Dù học cấp 3 ở ngưỡng tuổi nhiều bạn bè đã học xong đại học, thực tế tôi không thấy quá khó khi tiếp nhận kiến thức. Những năm tháng đi làm đã giúp tôi có tư duy thực tiễn.
May mắn gặp những giáo viên tốt bụng, tôi tốt nghiệp loại xuất sắc và nhận học bổng của Đại học Göttingen.
Bước ngoặt đến vào năm 2014, khi tôi thấy trường có chương trình cho sinh viên đến Việt Nam. Trước đó, những gì tôi biết về Việt Nam rất ít ỏi. Khi ấy, tôi chỉ nghĩ cứ đi khám phá cho biết.
Mọi thứ ở đất nước châu Á này đúng là khác xa hoàn toàn với quê nhà. Nhưng có lẽ chính sự khác biệt ấy đã khiến tôi thích thú, rồi thôi thúc tôi ở lại lâu dài lúc nào không hay.
Tôi đứng giữa hai lựa chọn: một là tiếp tục học ở Đức, không phải lo chi tiêu hàng tháng vì đã có học bổng; hai là đến Việt Nam, tự thích nghi và chịu trách nhiệm cho tất cả.
Cuối cùng, tôi chọn tạm biệt quê nhà, lên đường sang Việt Nam.
Khóa luận điểm 10
Cuộc sống mới ở vùng đất mới, điều tôi làm đầu tiên là học tiếng Việt. Cách phát âm, quy tắc dấu một thời làm tôi toát mồ hôi vì quá khó phân biệt.
Không còn khoản hỗ trợ tài chính, tôi phải thắt lưng buộc bụng, nhận công việc thiết kế website để có tiền trang trải.
Khi đã “hòm hòm” tiếng Việt, tôi đăng ký vào khoa Việt Nam học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Buổi đầu đến lớp, cô giáo chọn “Minh” làm tên tiếng Việt cho tôi. Từ đó, tôi có một cái tên thứ hai.
Lớp chủ yếu là sinh viên nước ngoài. Lớn tuổi nhất lớp, tôi được bầu làm lớp trưởng. Cuộc sống sinh viên cũng khá giống nhiều bạn khác, đến lớp nghe giảng, về nhà làm bài, tranh thủ đi làm.
Ngoài ra, tôi cố gắng góp mặt trong các hoạt động ở trường nhiều nhất có thể, khi là sự kiện của khoa, khi thì tham gia nghiên cứu.
Mọi người ở trường, từ thầy cô đến bạn bè, đều rất đáng yêu. Họ giúp tôi thích nghi với cuộc sống tại Việt Nam, hay rủ tôi đi chơi cùng.
Lớn hơn các bạn cỡ 10 tuổi nhưng tôi thấy khoảng cách tuổi tác không ngăn cản tôi hòa đồng. Chắc do phong cách sống của tôi khá trẻ, vẫn bắt kịp các bạn ấy.
4 năm sinh viên trôi qua nhanh, tôi bước vào giai đoạn viết khóa luận, chuẩn bị tốt nghiệp. Dù đã khá thành thạo tiếng Việt, tôi vẫn gặp nhiều khó khăn, phải nhờ người hỗ trợ diễn đạt, kiểm tra chính tả giúp.
Trong thời gian làm khóa luận, tôi có lựa chọn khá táo bạo là chuyển sang chủ đề mới khi đã viết được một nửa.
Là người thích nghiên cứu, tìm tòi, tôi thấy chủ đề cũ chưa thực sự thỏa mãn bản thân. Quyết định ấy có phẩn “liều ăn nhiều” như cách người Việt nói nhưng nhờ cố gắng và một chút may mắn, tôi đã nhận về kết quả xứng đáng.
Cuộc sống ở Việt Nam
Lần gần nhất tôi quay lại Đức cách đây 3 năm. Về thăm nhà, cảm giác khá lạ lẫm khi nhận thấy bản thân đã thay đổi nhiều từ khi rời quê hương.
Cách sống của tôi thêm phần thoải mái, linh hoạt, không gò bó vào kỷ luật 100% theo phong cách đặc trưng của người Đức như trước.
Nhập gia tùy tục, tôi cũng có những sở thích rất Hà Nội, rất Việt Nam.
Ngồi cà phê hay trà đá vỉa hè, chúng khiến tôi thấy thoải mái và hòa nhập. Đó là nét văn hóa không thể tìm thấy ở Đức.
Một số món ăn lạ như trứng vịt lộn, tiết canh tôi cũng từng thử qua nhưng thú thực không thích lắm.
Những ca khúc nhạc Việt nữa, tôi hay bật nhạc của Cá Hồi Hoang, nhóm Microwave dạo gần đây.
Điều tôi hơi tiếc là những năm qua bận rộn vừa học vừa làm nên ít có dịp du lịch, chủ yếu đi phượt quanh các tỉnh miền Bắc.
Nếu có cơ hội, tôi nhất định sẽ quay lại Đà Nẵng. Ngôn ngữ của người dân địa phương rất dễ thương, dù mất một thời gian tôi mới hiểu được họ nói gì.
Trong lúc chờ nhận bằng cử nhân, tôi vẫn đang làm biên tập viên, phiên dịch cho một số tờ báo, tạp chí. Dự định học lên thạc sĩ cũng đang ấp ủ.
Bảy năm qua ở Việt Nam đã rất đẹp và tôi muốn tiếp tục gắn bó thêm nhiều năm nữa. Một số điều kiện về thủ tục pháp lý còn đang gặp trắc trở nhưng chắc chắn tôi sẽ tìm mọi cách ở lại.
Hiền Thy. Ảnh: NVCC.
Nguồn: Zing.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC