Đội tuyển Việt Nam: Đừng vội chỉ trích, cần bình tĩnh xem mình đang ở đâu?

Để thua 4 trận trong vòng loại thứ 3 World Cup 2022, nhưng người hâm mộ đội tuyển Việt Nam chớ vội nên tạo áp lực cho HLV Park Hang Seo.

Trận thua Oman có thể sẽ báo hiệu tương lai dậy sóng của HLV Park Hang Seo. Tuy nhiên, sẽ là quá vội vàng và ngớ ngẩn nếu người hâm mộ Việt Nam tạo áp lực khiến HLV người Hàn Quốc phải từ chức hoặc bị sa thải vì thất bại tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022.

1 Doi Tuyen Viet Nam Dung Voi Chi Trich Can Binh Tinh Xem Minh Dang O Dau

HLV Park Hang Seo cùng đội tuyển Việt Nam viết lên những câu chuyện thần kỳ.

Sự ồn ào không đúng thời điểm

Sau trận thua Trung Quốc, HLV Park Hang Seo cùng các trợ lý của ông và cả các tuyển thủ Việt Nam bất ngờ bị ‘ném đá’ dữ dội. Sự chỉ trích nhắm vào ông Park nặng nề đến mức nhà cầm quân người Hàn Quốc buộc phải đưa ra sự phản bác thẳng thắn và mạnh mẽ, để bảo vệ các trợ lý và các học trò của mình.

Những lời trách móc, chỉ trích của những người làm bóng đá, các chuyên gia và bình luận viên… nhắm vào HLV Park thực sự là điều kém vui, khiến hình ảnh tuyển bóng đá Việt Nam bị ảnh hưởng khá nặng.

Không thể phủ nhận, suốt 4 năm qua, câu chuyện về HLV Park và nền bóng đá Việt Nam đang rất đẹp trong con mắt người hâm mộ quốc tế. Truyền thông quốc tế không tiếc lời ca ngợi và luôn nhấn mạnh bóng đá Việt Nam đã phát triển vượt bậc từ khi ông Park nhận lời bầu Đức để kết duyên với VFF.

Thật đáng tiếc cho bóng đá nước nhà khi hình ảnh tuyển Việt Nam đang rất đẹp dưới thời vị thuyền trưởng người Hàn Quốc, giờ lại xuất hiện vết rạn sau một sự ồn ào không đáng có và đáng trách, nhất là trong bối cảnh thầy trò ông Park đang phải gồng mình chiến đấu trong lần đầu tiên ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022, một sân chơi quá sức, trong hoàn cảnh thiếu hụt lực lượng nghiêm trọng.

Học tính kiên trì, bền bỉ của người Nhật

Ai cũng hiểu sân chơi châu lục là cái áo quá khổ đối với bóng đá Việt Nam. Đây là một thách thức cực kỳ khó khăn với "Những chiến binh sao vàng".

Nhưng dù bất cứ điều gì xảy ra, đừng biến họ thành nạn nhân của thành công mà họ từng tạo ra. Không nhiều người nhìn nhận, hoặc không muốn nhìn nhận, vào một thực tế, rằng sân chơi châu lục vẫn luôn quá tầm với đội tuyển Việt Nam.

Đúng là thầy trò ông Park từng tạo ra kỳ tích. Nhưng vì là kỳ tích, nó không dễ lặp lại. Nhất là khi Việt Nam đang ở một sân chơi bao gồm những đội bóng tốt nhất châu Á.

Ở bảng B, trừ Việt Nam, 5 đội còn lại đều nằm trong Tốp 10 châu lục. Đội có thứ hạng thấp nhất là Oman cũng hơn chúng ta 17 bậc (78 so với 95).

Bóng đá vốn là môn chơi quyết định bởi các khoảnh khắc. Vì vận may không đứng về phía chúng ta, HLV Park Hang Seo cùng các tuyển thủ phải hứng chịu những lời chỉ trích, thậm chí những màn "ném đá" dữ dội. Có một điều rất kỳ lạ là ở đất nước hình chữ S, ai cũng tự biến mình thành chuyên gia, thành ‘huấn luyện viên’ và buông lời phán xét.

Nên nhớ, Nhật Bản lừng lẫy như thế, đi trước ta nhiều thế mà phải chờ tới hai thập niên và ở lần thứ 4 tham dự vòng loại mới có được chiến thắng đầu tiên! Họ cũng phải mất hơn 4 thập niên kể từ lần đầu dự vòng loại cho đến khi giành được tấm vé tới Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh!

Với Việt Nam, hành trình chinh phục chỉ mới bắt đầu. Như một cổ động viên Australia từng nhắn nhủ người hâm mộ Việt Nam sau trận đấu ở Mỹ Đình hồi tháng 9: ‘Việt Nam đã có màn trinh diễn tốt, nhưng đây là lúc các bạn nên chấp nhận một điều, để thành công các bạn phải trải qua hàng thập niên thất bại như chúng tôi đã từng’.

2 Doi Tuyen Viet Nam Dung Voi Chi Trich Can Binh Tinh Xem Minh Dang O Dau

Sân chơi World Cup vẫn còn 'quá sức' với ĐT Việt Nam.

Bài học của Thái Lan còn đó

Những người chỉ trích thầy Park đừng nên quên, bài học của người hàng xóm Thái Lan và huấn luyện viên Kiatisuk Senamuang vẫn còn nguyên giá trị. Tháng 3/2017, Kiatisuk từ chức HLV tuyển Thái ngay sau khi vòng loại thứ 3 World Cup 2018 khép lại.

"Voi chiến" chỉ giành được 2 điểm sau 10 trận và "Zico Thái" chịu áp lực nghìn cân từ cuối năm 2016 khi kỳ vọng của người Thái không được đáp ứng. Một tháng sau, Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) bổ nhiệm ông Milovan Rajevac, người Serbia, làm HLV trưởng, với niềm tin mạnh mẽ rằng với một HLV đẳng cấp sẽ giúp họ lên một tầm cao mới ở châu lục, điều mà Kiatisuk không làm được.

Tuy nhiên, con tạo xoay vần, vẫn trong năm 2017, số phận của các tuyển Việt Nam và Thái Lan đã đảo ngược một cách thú vị. Cùng HLV Park, bóng đá Việt Nam gặt hái không thiếu thành công nào của người Thái dưới thời Kiatisuk.

Chúng ta cũng vô địch AFF Cup, giành HCV SEA Games, lọt vào bán kết Asiad và vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022.

Chúng ta thậm chí có thành tích vượt trội kình địch hàng xóm như giành ngôi Á quân giải U23 châu Á 2018 hay lọt vào tứ kết Asian Cup 2019. Và tương tự Việt Nam giai đoạn trước, Thái Lan chìm sâu vào khủng hoảng, cứ loay hoay mãi với các HLV tên tuổi và HLV nội.

Sau thất bại với Milovan Rajevac, "Voi chiến" trở nên thảm hại với Nishino Akira, người cũng gây tiếng vang tại World Cup trước đó.

Đến hiện tại, Thái Lan vẫn chưa thể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng. Nếu FAT bảo vệ Kiatisuk, nếu người hâm mộ Thái tin tưởng ‘Zico Thái’, số phận ‘Voi chiến’ có lẽ đã khác.

Những gì xảy ra với tuyển Thái Lan đang lặp lại một cách đáng kinh ngạc với Việt Nam. Sẽ không quá lời khi nói chúng ta đang đi lại con đường của người Thái khi ôm mộng lớn ra biển lớn sau khi thống trị "ao làng". Tuy nhiên, các bước tiến nhanh khiến giới điệu mộ kỳ vọng quá nhiều vào bóng đá Việt Nam mà quên mất các vấn đề nội tại.

Trận thua Oman là thất bại thứ 5 liên tiếp của ĐT Việt Nam. Điểm chung trong các thất bại này là, ngoài khác biệt đẳng cấp, họ là các đối thủ đều đứng trên chúng ta từ 18 bậc trở lên trên BXH FIFA.

Nếu xét theo tương quan lực lượng và sức mạnh của các đội, những thất bại này của ĐT Việt Nam liệu có bất ngờ hay đáng trách? Câu trả lời là không.

3 Doi Tuyen Viet Nam Dung Voi Chi Trich Can Binh Tinh Xem Minh Dang O Dau

Người hâm mộ, nếu còn yêu đội tuyển Việt Nam, hãy cứ bình tĩnh.

Bình tĩnh xem mình đang ở đâu

Mấy ngày qua, một bộ phận người hâm mộ bị chìm vào cảm xúc thất vọng bởi vì họ đã kỳ vọng quá nhiều, đã mộng mơ quá nhiều. Các kỳ tích trước đó là cơ sở để hy vọng nhiều hơn. Tuy nhiên, thực tế phũ phàng hơn rất nhiều. Lần đầu ra biển lớn dĩ nhiên sẽ gặp sóng lớn.

ĐT Việt Nam, với tâm thế số 1 ĐNÁ, nơi được gọi là "ao làng", quả thực đã choáng váng trước sức mạnh ở đẳng cấp châu lục. Các đối thủ dù từ khá đến giỏi đều có những chiêu bài mà ĐT Việt Nam dù nỗ lực đến đâu cũng không thể lường trước.

10 trận đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 không thể được xem là nơi Việt Nam nhất định phải giành chiến thắng, giành điểm số. Đúng hơn, nó là cơ hội để chúng ta làm quen với một sân chơi đẳng cấp cao nhất châu lục, để hiểu rõ thực lực của bản thân, để tìm kiếm hướng đi đúng đắn.

Sẽ là sai lầm cực lớn nếu chúng ta sử dụng vòng loại thứ 3 này để "phán quyết" tương lai của HLV Park Hang Seo. Trên thế giới đã có những kỷ lục về việc sử dụng HLV ngoại. Alex Ferguson trị vì MU 27 năm.

Arsene Wenger gắn bó với Arsenal 22 năm cũng chỉ đưa Pháo thủ vô địch Ngoại hạng Anh có một lần. Trong khi ông Park Hang Seo mới làm thuyền trưởng ĐT Việt Nam có 4 năm, nhưng thành tích mà ông đạt được cùng các ĐT Việt Nam vượt trội rất nhiều so với tất cả 9 HLV ngoại trước đó (duy nhất HLV Calisto có được chức vô địch AFF Cup 2008).

Trước khi nghĩ đến việc sa thải hay tạo áp lực khiến ông Park Hang Seo từ chức, chúng ta hãy tự hỏi ai có thể làm tốt hơn ông thầy người Hàn Quốc, người đã coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình, đã hiểu rõ văn hóa bóng đá Việt Nam và có những thành công rực rỡ và rõ ràng? Có lẽ không ai cả.

Và đương nhiên, để tuyển Việt Nam tiến gần đến nhóm mạnh nhất châu Á và trụ ở đó, chỉ thay HLV thôi là không đủ.

XUÂN HỒNG

Nguồn: baoquocte.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày