Đàm Vĩnh Hưng, 'vùng đất cấm' và sự lạc hậu của những ảo tưởng

Khi bắt đầu có một chút tiền, một chút quyền, một chút danh tiếng, một chút địa vị xã hội, người ta bắt đầu tự cấp cho mình những đặc quyền kiểu “Biết tôi là ai không?".

 

Trước đây tôi có đi làm, cả nhà nước lẫn tư nhân. Cơ quan nhà nước mà tôi làm là một công ty xuất nhập khẩu trực thuộc Bộ. Hồi những năm đầu đổi mới ấy, cơ quan xuất nhập khẩu rất có giá còn ông sếp tôi là người quảng giao, vậy nên khách “VIP” ghé thăm cơ quan khá nhiều.

Có lần một quan chức của Bộ đường đột ghé cơ quan chúng tôi. Xuống xe hơi, ông nói với bác bảo vệ:

“Cho tao vào gặp thằng Sơn”.

Bác bảo vệ lễ phép trả lời:

“Ở đây không có thằng Sơn, chỉ có giám đốc Sơn.”

Vài năm sau tôi chuyển sang làm công ty truyền thông, một lĩnh vực còn khá mới mẻ ở thời điểm ấy. Có lần công ty tôi tổ chức một sự kiện lớn cho khách hàng nước ngoài ở một khách sạn hạng sang giữa Sài Gòn.

Khách đến dự có một nữ ca sĩ danh tiếng, nhưng chị không mang theo giấy mời. Các bạn lễ tân tế nhị hỏi chị giấy mời để điền vào danh sách khách đã có mặt. Chị bất ngờ nổi đóa, giậm chân rất mạnh và nói như hét lên:

“Chị là chị V!”

"Giấy phép được quyền thô lỗ"

Với những đặc quyền tự phong ấy, người ta lăm lăm trong tay “giấy phép được quyền thô lỗ với người khác”. Với một số người, đặc quyền ấy còn trở thành một “ảo tưởng quyền lực".

Khi bắt đầu có một chút tiền, một chút quyền, một chút danh tiếng, một chút địa vị xã hội người ta bắt đầu bỏ qua những phép ứng xử thông thường. Người ta tự cấp cho mình những đặc quyền kiểu “Biết tôi là ai không?”.

Với những đặc quyền tự phong ấy, người ta dường như lăm lăm trong tay cái được gọi là “giấy phép được quyền thô lỗ với người khác”. Với một số người, đặc quyền ấy còn trở thành một “ảo tưởng quyền lực”.

Hay nói như dân mạng, đó là một kiểu bệnh cdsht (viết tắt của “cuồng dâm sinh hoang tưởng”).

Hồi trước tôi may mắn được đi học. Trường tôi thường mời chuyên gia bên ngoài đến nói chuyện với học viên. Có lần, trong khuôn khổ môn “Tiếp thị địa phương”, nhà trường mời chuyên gia Phan Chánh Dưỡng (cựu thành viên nhóm Thứ Sáu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt), đến nói chuyện về cách mời gọi đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp.

Trong buổi nói chuyện, ông Dưỡng không chỉ nói về “cách tiếp thị” mà còn nói rộng ra cả bối cảnh kinh tế xã hội và các chuyển biến của nó.

Ông dí dỏm ví dụ về nghề ca sĩ, một nghề mà vị thế của nó trong nhận thức công chúng đã đi từ chỗ “xướng ca vô loài” đến chỗ “xướng ca sướng cả loài”.

Thời điểm đó bảng xếp hạng “Làn Sóng Xanh” mới ra đời.

Cũng năm ấy, Thượng nghị sĩ John McCain có ghé qua thăm lớp tôi. Bài nói chuyện ngắn của ông tập trung hoàn toàn vào thế mạnh của công nghệ Internet, một công nghệ lúc đó chưa xuất hiện ở Việt Nam, nhưng theo lời ông nó sẽ làm thay đổi cả thế giới.

Ở Việt Nam, cùng với các biến động kinh tế xã hội và sự phổ cập Internet, hơn hai mươi năm vừa qua trật tự xã hội, hệ quy chiếu xã hội, các giá trị xã hội, các chuẩn mực ứng xử đã thay đổi rất nhiều.

Cdsht là một loại tâm bệnh, thể ác tính. Không ai lây bệnh này cho mình được, chỉ có mình tự rước nó vào. 

Những câu hỏi xã giao mới cách đây chỉ vài năm vẫn còn là bình thường, ví như “bao giờ cháu lập gia đình?”, “bao giờ vợ chồng bạn có em bé?” nay bỗng trở thành câu hỏi bất lịch sự.

Trước đây, các hành động kiểu như xoa đầu hay cho kẹo một đứa bé không phải con cháu mình được coi là bình thường, thậm chí là tử tế; nay bỗng nhiên bị nghi ngại như một hành động có ẩn chứa động cơ biến thái phía sau.

Những cá nhân trung bình là những người cảm nhận tốt nhất sự thay đổi của xã hội. Họ tự động điều chỉnh hành vi ứng xử của mình cho phù hợp.

Chẳng ai mãi mãi là "ông hoàng"

Cdsht là một loại tâm bệnh, thể ác tính. Không ai lây bệnh này cho mình được, chỉ có mình tự rước nó vào. Với những người nổi tiếng, “tâm bệnh” này còn bị kích thích bằng cái máy phóng đại đặc biệt: fan cuồng và mạng xã hội. Rồi đến một ngày “tâm bệnh” ấy biến người bệnh tự cho mình là “vùng đất cấm”.

132 1 Dam Vinh Hung Vung Dat Cam Va Su Lac Hau Cua Nhung Ao Tuong
Đàm Vĩnh Hưng là tâm điểm tranh cãi trên mạng xã hội những ngày qua, xuất phát từ phát ngôn và hành xử tại trang cá nhân. Ảnh: Bá Ngọc.

Cách đây ít ngày, tài khoản Lê Hoài Anh chia sẻ bức ảnh Đàm Vĩnh Hưng chụp chung một người vừa bị khởi tố trong vụ sàm sỡ bé gái trong thang máy, cùng chú thích:

"Trong bức ảnh này, giờ ai nổi tiếng hơn ai nhỉ?".

Mr. Đàm lập tức "phản pháo", yêu cầu phải xóa bài trong 24 giờ nếu không sẽ "xử". 

Bức ảnh sau đó được gỡ bỏ nhưng Đàm Vĩnh Hưng tiếp tục công kích bằng những lời lẽ nặng nề. Câu kết cho dòng trạng thái đầy bức xúc đó là lời tuyên bố: 

“Hãy luôn nhớ Đàm Vĩnh Hưng là vùng đất cấm!”

“Vùng đất cấm” chỉ là miền đất cấm khi không ai biết miền đất ấy ở đâu, thậm chí còn không biết nó tồn tại trên đời. Internet và mạng xã hội là nơi rất khó có “vùng đất cấm”, bởi Internet là môi trường trong suốt.

Chẳng có “vùng đất” nào tự giấu được mình, nhất là khi nó bắc loa tuyên bố “tôi là miền đất cấm đây”.

Đây chính là nghịch lý của xã hội hiện đại. Khi anh là “vùng đất cấm” thì cũng là lúc ai cũng được bình luận về anh.

132 2 Dam Vinh Hung Vung Dat Cam Va Su Lac Hau Cua Nhung Ao Tuong

Hai mươi năm sau tôi tình cờ gặp lại chuyên gia Phan Chánh Dưỡng trong một buổi gặp gỡ nhỏ ở ngôi trường cũ của mình.

Đó là buổi nói chuyện của anh Shaun Rein, tác giả cuốn sách End of Copycat China, tại Chương trình Đào tạo Kinh tế Fulbright.

Trong cuốn sách này, tác giả Shaun Rein có nhận xét về những người Trung Quốc luôn muốn “leo lên các bậc thang xã hội”.

Những người ấy lúc sinh ra chưa thuộc tầng lớp “trung lưu”, thế nhưng khi đã lên được “trung lưu” rồi họ lại không chấp nhận và không chịu tin rằng mình chỉ xứng với tầng lớp “trung lưu”. Họ muốn mình ở “cao” hơn nữa.

Ở Việt Nam có lẽ cũng tồn tại những người như vậy. Có những người vì may mắn, hơn là vì thực lực, bỗng nhiên được “đổi đời”, được nâng lên bậc thang xã hội mới.

Thay vì nâng cao nhận thức và hành vi; thì họ kiễng cho “cao” lên bằng những phương thức dễ dãi: ứng xử ngạo mạn, tự khen mình, và tiêu xài hàng hiệu.

Tất nhiên, chẳng ai mãi mãi là “ông hoàng”, nhất là ông hoàng của một dòng nhạc mà ít ai có thể định nghĩa được. Chẳng ai ở tầng lớp “cao” mãi, khi tầng lớp ấy thực sự không phải là chỗ của mình.

Nguyễn Phương Văn

Blogger

Ông Nguyễn Phương Văn tốt nghiệp Khoa vật lý Đại học tổng hợp Hà Nội và Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright. Ông chuyên viết về khoa học tự nhiên, lịch sử, và các vấn đề xã hội trên blog cá nhân có tên 5xu. 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày