Cuộc sống càng văn minh, con người càng nói dối nhiều hơn

Ai trong số chúng ta chưa một lần nói dối? Nhiều lúc lời nói dối với chúng ta là cần thiết. Nhưng thực tế, đang có rất nhiều sự lừa gạt diễn ra hằng ngày. Và xã hội càng hiện đại, con người càng nói dối nhiều hơn.

1 Cuoc Song Cang Van Minh Con Nguoi Cang Noi Doi Nhieu Hon

Đó là những nhận định của luật sư Ngô Tiến Nhân (từng tham gia nghiên cứu và giảng dạy tâm lý học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sau khi du học tại Hungary về nước) và nhà văn Nhật Chiêu về câu chuyện nói dối của con người hiện nay tại buổi nói chuyện cùng người trẻ với chủ đề “Con người và sự giả dối” diễn ra hôm nay.

Sự thật bị bóp méo khiến niềm tin bào mòn

Tại chương trình, luật sư Nhân khẳng định: “Chúng ta đang sống trong một bể thông tin với nhiều sự thật bị bóp méo nên dần dần niềm tin xã hội và niềm tin giữa con người bị bào mòn. Chúng ta quen với sự dối trá, sự nói dối đến mức mà chúng ta gặp người trung thực, gặp những sự việc rất thật nhưng chúng ta vẫn hoài nghi”.

Theo ông Nhân, trong ngôn ngữ Việt Nam khi mà muốn người khác tin thì thường dùng các cụm từ như “thật lòng nói, chỗ trung thực ta nói với nhau, nói thật nghe này…”, cách nói này vô tình chứng minh là thông thường chúng ta nói không thật lòng.

“Thông thường chúng ta nói dối một cách rất bản năng, nói dối rất thiện chí. Vì trong nhiều trường hợp thẳng thẳng quá cũng không tốt, sự thật mất lòng. Nhiều khi sự nói dối là cần thiết như chúng ta đến thăm người quen bị ung thư giai đoạn cuối, chúng ta không thể nói là “thần sắc anh hôm này kém quá, kiểu này chắc không được mấy hôm nữa”. Dù đấy là sự thật nhưng trong trường hợp này chúng ta nên khích lệ, động viên bằng những lời nói dối sẽ tốt hơn”, luật sư Nhân phân tích.

Những lần mẹ nói dối...

Cũng đồng quan điểm này, nhà văn Nhật Chiêu kể câu chuyện về chính bản thân mình: “Khi chưa được 2 tuổi, ba ông bị tai nạn và mất. Nhưng cả gia đình cứ nói dối là ba đi công tác xa, thời gian sau vẫn như vậy, cứ cuối tuần lại mua quà và lén để trên đầu giường và nói là ba về nhưng không kịp gặp con nên gửi quà lại cho con. Vậy thì lúc đó tôi nên cám ơn mẹ tôi vì đã giúp kéo dài tuổi thơ hạnh phúc của tôi, hay mẹ nên tàn nhẫn nói thật ngay từ lúc tôi chưa được 2 tuổi rằng tôi đã mất bố mãi mãi rồi”.

Nhưng nhà văn bức xúc vì những hành vi nói dối nhưng vẫn cho mình là có đạo đức. Nhà văn kể bản thân làm trong ngành giáo dục nên thường xuyên chấm luận văn và tham gia hội đồng chấm luận văn.

“Và điều kinh khủng xảy ra bao nhiêu năm nay là hiện tượng đạo văn, đây là sự nói dối thật sự rất kinh khủng. Lấy văn của người khác và nói là của mình. Các bạn đã đạo văn nhưng thái độ sau khi bị phát hiện rất là buồn cười và bi hài. Hầu hết đều không xem chuyện mình đạo văn là nhục nhã, là sai lầm. Mà đều cho đó là chuyện bình thường, là điều tất niên và thậm chí nói trước hội đồng là việc mà tìm tòi tài liệu, ghi nhận được các tài liệu và chép lại thì đó đã là nghiên cứu, là đã bỏ ra rất nhiều công sức, mồ hôi và nước mắt để có được. Chuyện này thật không thể nào tưởng tượng được. Các bạn nói dối mà cho đó là đạo đức chứ không phải là điều gì đó đáng phê phán”.

2 Cuoc Song Cang Van Minh Con Nguoi Cang Noi Doi Nhieu Hon

Luật sư Ngô Tiến Nhân (bên trái) và nhà văn Nhật Chiêu tại buổi nói chuyện Hoa Nữ

Chính vì thế, việc nói dối theo nhà văn Nhật Chiêu là điều rất phức tạp. “Nói dối của con người là thượng đẳng, là bao la, là vĩ đại, là bậc thầy. Thời đại càng văn minh thì sự nói dối lại càng tăng, và đến một lúc nào đó ta không biết được là ta đang tiếp xúc với một sự thật nào nữa hết…”, nhà văn nhấn mạnh.

Nhà văn cũng phân tích thêm, thời đại càng văn minh thì sự nói dối và tội ác càng dễ hơn vì ngày xưa nếu giết một người là cầm dao, gươm đâm chém và cảnh tượng tuông máu xối xả ngay trước mắt khiến bạn run sợ và ngại làm điều đó. Còn ngày nay chỉ cần ngồi ở trong phòng và chỉ cần ấn một nút là có thể giết hàng trăm người hoặc nhiều hơn thế nữa.

“Nên trong thời đại hiện nay chúng ta cần phải nâng cao ý thức hơn bất kỳ lúc nào. Làm cái gì cũng phải hình dung ra hậu quả chứ không chỉ là nhìn bằng mắt thường được nữa”, nhà văn Nhật Chiêu nhắn gửi.

Muốn hạnh phúc phải dựa trên sự chân thành

Theo luật sư Nhân, chúng ta không chỉ che giấu người khác bằng hành vi và có thể lừa bằng thái độ, mà đặc biệt chúng ta có vũ khí rất quan trọng là dùng ngôn ngữ để lừa người khác.

Chúng ta không những dùng ngôn ngữ để nói dối, lừa dối người khác mà còn dùng ngôn ngữ để lừa chính mình, mà điều này mới là nguy hiểm nhất. Nhưng tại sao ta lại lừa chính bản thân mình? Luật sư Nhân lý giải là mọi hoạt động của chúng ta trong đời sống chung quy đều để thỏa mãn nhu cầu của chính chúng ta. Và cuộc sống của chúng ta là một chuỗi những hoạt động, hành vi để thỏa mãn những nhu cầu của mình, mục tiêu cá nhân của mình là đầu tiên.

Điều đặc biệt, Luật sư Nhân cho rằng chúng ta đang phải chống chọi với quá nhiều cám dỗ, càng ngày cuộc sống càng nhiều cám dỗ hơn và chúng ta cảm thấy mỏi mệt với những cám dỗ đó. Nhưng có một dấu hiệu về tâm lý là khi chúng ta mệt mỏi về mặt tinh thần, về vật chất thì lại dễ cho qua rào cản về mặt đạo đức, tâm lý, những chuẩn mực bên trong và dễ dàng chấp nhận lời nói dối để cho qua đi, để cho xong việc.

Cũng theo luật sư Nhân, không những nhiều cám dỗ mà còn có nhiều xu hướng đẩy chúng ta vào tình trạng gian dối nhiều hơn. Nên trong cuộc sống có 2 trụ cột để ta có thể giữ được mình. Một là trụ cột về pháp luật và 2 là trụ cột về những giá trị đạo đức bên trong.

Cuối cùng, luật sư Nhân nhắn gửi: “Đành rằng trong cuộc sống không tránh khỏi những lúc phải nói dối. Đành rằng nhiều trường hợp lời nói dối là có lợi, nói dối thì dễ chịu, được lòng người khác, nhiều lúc gian lận thì có lợi cho bản thân. Và có những trường hợp, lời nói dối là cần thiết. Nhưng bản thân tôi nghĩ nếu những trường hợp chúng ta không buộc phải nói dối thì nên nói thật”.

Vì theo luật sư Nhân nói dối mệt lắm, phải hao tổn năng lực để bịa chuyện và sau đó chúng ta sẽ sa vào một chuỗi nói dối vì nếu không như thế sẽ bị lật tẩy và còn phải giữ cảnh giác về sau. Nên nói dối rất mệt. Không những thế, dần dần chúng ta mất lòng tin vào người khác, vì chúng ta đã nói dối rồi thì đâu có tin người khác nữa. Và vô hình chung chúng ta góp phần vào một thất thoát lớn của xã hội đó là mất niềm tin lẫn nhau, và sống trong sự nghi ngờ.

“Vậy tại sao chúng ta nên chân thật. Vì tổng kết trong một nghiên cứu của Đại học Harvard trải qua 75 năm, để tìm hiểu điều gì quan trọng nhất làm nên hạnh phúc của con người chính là các mối quan hệ.

Mà chúng ta biết đó, các mối quan hệ bền vững bao giờ cũng phải dựa trên sự chân thành chứ không phải lời nói dối. Nên muốn hạnh phúc chúng ta phải dựa trên sự chân thành”, luật sư Nhân gửi gắm.

Nguồn: Báo THANH NIÊN


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày