"Họ" FLC phiên hôm nay (20/9) chỉ còn 3 mã giao dịch là ART, KLF và AMD thì trong đó có ART, KLF tăng trần, AMD tăng 0,5%. Mặc dù vậy, thanh khoản tại nhóm này đã sụt mạnh so với giai đoạn trước, đóng góp không đáng kể cho thị trường chung.
Thị giá các mã trên cũng đã về mức rất thấp, với ART là 2.900 đồng/cổ phiếu, KLF là 1.800 đồng/cổ phiếu, AMD là 1.850 đồng/cổ phiếu. Đáng nói là bước giá tại ART và KLF là 100 đồng sẽ khiến nhiều nhà đầu tư thấy "ngợp" khi mà giá trần tại ART chỉ cách giá tham chiếu 200 đồng, thậm chí giá trần KLF cũng chỉ cách tham chiếu 100 đồng. Tương tự, ART chỉ cần giảm 200 đồng là sẽ giảm sàn còn KLF chỉ cần giảm 100 đồng cũng đã giảm sàn.
Về thị trường chung, kể từ khi áp dụng rút ngắn chu kỳ thanh toán cổ phiếu từ T+3 xuống còn T+2,5, tâm lý nhà đầu tư thường thận trọng vào phiên sáng. Điều này phần nào ảnh hưởng tới thanh khoản đầu phiên.
Thị trường ngày 20/9 cũng không nằm ngoài hiệu ứng chung khi sự thận trọng của nhà đầu tư gia tăng đầu phiên sáng, thường trực sự cảnh giác về "bẫy tăng giá" (bull trap) có thể xảy ra vào phiên chiều. Tuy nhiên, sự bứt phá của chỉ số trong phiên giao dịch chiều dường như đã cởi trói tâm lý cho nhà đầu tư và dòng tiền nhập cuộc mạnh mẽ về cuối phiên đưa VN-Index lên mức cao nhất trong ngày.
VN-Index đóng cửa cao nhất phiên nhưng chưa thể khiến nhà đầu tư an tâm với thanh khoản suy giảm (Ảnh chụp màn hình).
Chỉ số đại diện sàn HoSE phiên hôm nay ghi nhận tăng 13,5 điểm tương ứng 1,12% lên 1.218,93 điểm, dù chưa thể lấy lại được dù chỉ phân nửa thiệt hại của phiên bán tháo hôm qua nhưng cũng là một tín hiệu tích cực cho đà hồi phục sắp tới. HNX-Index tăng 2,65 điểm tương ứng 1% lên 266,91 điểm; UPCoM-Index tăng 0,18 điểm tương ứng 0,2% còn 88,51 điểm.
Thanh khoản tuy cải thiện ở cuối phiên chiều nhưng giá trị giao dịch toàn phiên trên HoSE vẫn chỉ đạt 11.157,29 tỷ đồng. Phiên hồi phục hôm nay vẫn chưa thực sự thuyết phục cho kỳ vọng đảo chiều đối với VN-Index. Trên HNX, giá trị giao dịch ở mức 1.108,66 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 482,56 tỷ đồng.
Hầu hết nhóm ngành trên thị trường đều tăng giá và đây là tín hiệu cho thấy thị trường phản ứng khá tốt với mốc 1.200 điểm khi VN-Index chỉ vừa mới nhúng nhẹ dưới mốc này thì dòng tiền "bắt đáy" đã nhập cuộc mạnh mẽ. Số lượng mã tăng áp đảo với 582 mã với 34 mã tăng trần song vẫn còn 294 mã giảm giá, 19 mã giảm sàn nên phần lớn nhà đầu tư ôm cổ phiếu vẫn thua lỗ. Một số người tiếc nuối vì đã cắt lỗ sớm vào đầu phiên chiều nay, ngược lại những nhà đầu tư bắt đáy vào chiều hôm qua thì phấn khởi vì vẫn có khả năng đạt được lợi nhuận khi cổ phiếu sẽ về tài khoản vào chiều ngày mai. Chính vì vậy, phiên ngày mai sẽ là phiên đáng chú ý để thị trường một lần nữa kiểm định lại lực cầu.
Phiên hôm nay, cổ phiếu ngành chứng khoán - vốn được đánh giá là chỉ báo sớm của xu hướng thị trường - đã hồi phục mạnh. Ngược lại với tình trạng bị bán tháo vào cuối phiên chiều qua, nhóm này tăng rất tốt ở cuối phiên hôm nay và hầu hết đóng cửa cao nhất phiên.
VDS tăng 5,7%, VND tăng 5,3%; SSI tăng 4%; APG tăng 3,7%; BSI tăng 3,4%; CTS tăng 3,3%; VIX tăng 3,1%. ART thậm chí tăng trần 7,4%, MBS tăng 6,3%, BVS tăng 4,8%, APS tăng 3,8%. Khối nhà đầu tư ngoại cũng tích cực gom nhóm này.
Cổ phiếu ngành ngân hàng đương nhiên không thể vắng mặt trong việc góp công lớn vào đà phục hồi của chỉ số chính với việc các trụ cột đều diễn biến tích cực.
BID tăng 2,8%; CTG tăng 2%, bên cạnh đó LPB cũng tăng 3,3%; SHB tăng 3,1%; STB tăng 2,5%; MBB tăng 1,7%.
Nhóm bất động sản cũng nằm trong đà hồi phục chung với việc LEC tăng trần, DTA tăng 4,9%; ITA tăng 4,7%; SCR tăng 4,4%; VRC tăng 4,2%; KBC tăng 3,9%; QCG tăng 3,7%. Khối ngoại mua ròng mạnh SCR, ITA, KBC, NLG, VIC, HDG..
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC