Cầu thủ Việt xuất ngoại: Cần làm nhiều hơn là... "chém gió"!

Hầu hết các cầu thủ Việt xuất ngoại đá thuê từ nhiều năm trở lại đây đều không thể tỏa sáng. Mới nhất, sự kết thúc sớm hợp đồng của Xuân Trường với Buriram United (Thái Lan) và Công Phượng với Incheon United (Hàn Quốc) càng cho thấy sự gập ghềnh xuất ngoại đá thuê.

132 1 Cau Thu Viet Xuat Ngoai Can Lam Nhieu Hon La Chem Gio

Công Phượng khi còn thi đấu tại Incheon United. Ảnh: Incheon FC.

Thời gian xuất ngoại đá thuê tính bằng tháng

Lê Huỳnh Đức là cầu thủ Việt đầu tiên xuất ngoại thi đấu cho CLB Chongquin Lifan tại Giải vô địch bóng đá Trung Quốc vào năm 2001. Tuy nhiên, thời gian Huỳnh Đức thi đấu ở đây cũng chỉ tròm trèm 4 tháng.

Sau Huỳnh Đức, cái tên tiếp theo là Lương Trung Tuấn sang đá thuê tại Thái Lan vào đầu năm 2005. Cùng năm này, Việt Thắng sang thi đấu cho đội Porto B tại Bồ Đào Nha. Cũng sang Bồ Đào Nha và đá cho CLB Leixoes SC vào năm 2009 còn có cái tên Lê Công Vinh. Kết quả thể hiện của Vinh không tệ nhưng cũng không quá xuất sắc.

Nếu phải so sánh từ thời Công Vinh với các đàn anh đi trước và với các đàn em đi sau, Vinh chính là cầu thủ có sự thể hiện rõ nét nhất khi thi đấu ở nước ngoài.

Nhìn chung, cầu thủ Việt trong suốt gần 20 năm qua “ra biển lớn” thi đấu tại các quốc gia Châu Á và Châu Âu có trình độ bóng đá cao hơn Việt Nam, mỗi cầu thủ cũng chỉ duy trì được khoảng thời gian vài tháng thì chia tay vì nhiều lí do. Nhưng tựu trung lí do lớn nhất là không tỏa sáng được như mong đợi của chính cầu thủ và CLB tiếp nhận, đi đến kết cục chia tay sớm hoặc chia tay sau khoảng thời gian thử việc hoặc thử nghiệm.

Lối đã mở nhưng chưa thành đường

Công Phượng mới đây sau khi chia tay Incheon United đã tiếp tục đầu quân cho CLB Sint-Truiden của Bỉ. Trả lời giới truyền thông cầu thủ này cho rằng “muốn mở lối ra Châu Âu cho cầu thủ Việt Nam”.

Trên thực tế như đã đề cập, Công Phượng không phải là người “mở lối” ra Châu Âu mà trước đây cả chục năm đã có Công Vinh. Lối ra Châu Á, Châu Âu đá thuê đã mở từ nhiều năm trước nhưng vẫn chưa thể thành đường. “Đường do người ta đi nhiều mà thành”.

Theo cách nói này thì số lượng cầu thủ Việt xuất ngoại thi đấu còn quá ít, thêm nữa là sự thể hiện và hiệu quả cũng chưa được tốt như mong đợi, vì thế chưa tạo ra được sự kích thích đối với các cầu thủ trong nước.

132 2 Cau Thu Viet Xuat Ngoai Can Lam Nhieu Hon La Chem Gio

Xuân Trường khi còn thi đấu tại Buriram United (ảnh: Buriram FC).

Trải nghiệm thi đấu ở đấu trường các giải quốc gia Châu Á hay Châu Âu đều rất quí giá với các cầu thủ Việt cho dù các CLB tiếp nhận đặt yếu tố đánh giá quan trọng nhất là sự thể hiện hiệu quả của cầu thủ.

Nhiều cầu thủ Việt chơi hay ở các giải trong nước, tỏa sáng tại các đầu trường khu vực, song khi đá thuê ở Châu Á hay Châu Âu họ vẫn chưa thể tỏa sáng. Có thể nói, đó chính là yếu tố rào cản lớn nhất để công nhận một cầu thủ Việt nào đó vươn lên đẳng cấp khu vực, cho dù đó là Công Vinh ngày trước hay Quang Hải bây giờ.

Đã manh nha cho thấy một số CLB có chiến lược cho cầu thủ của mình xuất ngoại thi đấu để học hỏi, trui rèn, mở mang.v.v... Điều mà chính các cầu thủ Việt và khán giả Việt hi vọng chính là từ sự thay đổi về lượng (ngày càng nhiều cầu thủ Việt xuất ngoại đá thuê) sẽ dần dẫn đến sự thay đổi về chất dù hôm nay con đường ấy còn rất gập ghềnh.

Nhưng trên hết, chính các cầu thủ phải vượt qua được chính mình ở xứ người chứ không chỉ hi vọng, mộng mơ.

 

Nguồn: Báo Lao động


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày