Thời gian qua, hàng loạt cuộc thi sắc đẹp được tổ chức tại Việt Nam khiến nhiều người lo ngại về danh hiệu
Hoa hậu. Nhiều ý kiến cho rằng cần chế tài quản lý tổng thể, không chỉ đến từ ngành văn hoá và xử lý nghiêm khắc những cuộc thi vi phạm quy định pháp luật.
Năm 2022 sẽ có khoảng 60 hoa hậu, á hậu và danh hiệu người đẹp
6 tháng đầu năm, cả nước có gần 20 cuộc thi hoa hậu. Trong đó, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đã chung kết ngày 25/6.
Tháng 7 có Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Áo dài Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam.
Cuộc thi Miss World Việt Nam 2022 đang diễn ra. Ảnh: BTC.
Từ nay đến cuối năm, còn thêm hàng loạt sân chơi như: Hoa hậu Thế giới Việt Nam (12/8), Hoa hậu Biển đảo Việt Nam (22/10), Hoa hậu Việt Nam (dự kiến ngày 15/12), Miss Peace Vietnam (11/9), Miss Grand Vietnam (25/9), Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam (22/10), Hoa hậu Trái đất Việt Nam (30/12)... Bên cạnh các cuộc thi quy mô lớn, một loạt sự kiện do các đơn vị hội ngành, các công ty giải trí thực hiện như: Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu… Đếm sơ bộ, từ nay tới cuối năm, làng hoa hậu trong nước có thêm ít gần 60 tân hoa hậu, á hậu, hoa khôi, á khôi, người đẹp.
Sự trở lại ồ ạt của các cuộc thi nhan sắc cũng kéo theo hàng loạt những chồng chéo, khó phân biệt danh hiệu và dẫn đến tình trạng khan hiếm thí sinh. Ngoài ra, một vấn đề được các chuyên gia thẳng thắn chỉ ra rằng, các cuộc thi sắc đẹp đang bị coi là sinh hoạt giải trí. Trong đó, không ít người tham gia để tìm kiếm cơ hội để đổi đời. Khi bước ra từ cuộc thi, bản thân thí sinh dường như đã tốt nghiệp một khóa học ngắn hạn về sắc đẹp, thế là cuộc đời bước sang trang mới, không ít trong đó gắn với những thương vụ bạc tỷ. Câu chuyện Nguyễn Thúc Thùy Tiên được tiết lộ "bỏ túi" 100 triệu baht (khoảng gần 70 tỷ đồng) chỉ sau 3 tháng đăng quang Miss Grand International là một ví dụ điển hình.
Ở các cuộc thi, chỉ cần nhìn vào giải thưởng, cũng đủ thấy các nhà tài trợ bạch kim, nhà tài trợ vàng đã chịu chơi, chịu chi ra sao. Ví dụ, tân Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu 2021 Võ Thị Ngọc Giàu vừa đăng quang hồi tháng 5 vừa qua đã nhận được vương miện 3 tỉ đồng cùng bộ trang sức khoảng 300 triệu đồng. Á hậu 1 nhận vương miện 500 triệu đồng và bộ trang sức 150 triệu đồng. Á hậu 2 nhận vương miện 500 triệu đồng và bộ trang sức 100 triệu đồng.
Mặt khác, BTC cũng bỏ túi từ các nguồn thu khác như bán vé, quảng cáo, quản lý và cả… cấp phép hoa hậu. Đơn cử, đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2020, thời lượng quảng cáo trong đêm chung kết là 20 phút. Tuy nhiên, thời lượng quảng cáo thực tế chiếm gần 1/4 trong 4 tiếng chương trình diễn ra. Đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019 phát sóng trên Kênh VTV1 có giá quảng cáo TVC lần lượt là 35 triệu/10 giây, 42 triệu/15 giây, 52,5 triệu/20 giây và 70 triệu/30 giây. Như vậy, tính riêng tiền quảng như thỏa thuận ban đầu, cuộc thi cũng thu về được hàng trăm triệu đồng.
Đã đến lúc thay đổi
Nhiều ý kiến cho rằng, sự cởi trói về quy định tổ chức các cuộc thi nhan sắc của Nghị định số 144/2020/NÐ-CP của Chính phủ (Không quy định giới hạn số lượng các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi và bỏ cả quy định cấm thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ. Đặc biệt các cuộc thi thay vì phải xin cấp phép của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, nay chỉ cần thông qua UBND cấp tỉnh, TP) dẫn đến việc có nhiều cuộc thi sắc đẹp được tổ chức.
Về vấn đề này, theo PGD.TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Hiện nay, xu thế quản lý trên thế giới và cả ở nước ta là tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm; phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm. Chính vì vậy, các quy định quản lý văn hóa cũng cần hướng đến các xu hướng này. Nghị định số 144/2020/NÐ-CP đã thể hiện đúng xu hướng chung trong quản lý văn hóa của thế giới.
Tuy nhiên, hoạt động nghệ thuật biểu diễn nói chung, các cuộc thi sắc đẹp nói riêng hiện nay đang có những lộn xộn nhất định. Điều này là bởi nhiều lý do khác nhau, đặc biệt là tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường và nhận thức chưa đúng về danh hiệu người đẹp.
Trong nền kinh tế thị trường, việc tổ chức một sự kiện nào đó, cuộc thi sắc đẹp cũng vậy, phần nhiều là vì mục đích lợi nhuận, đi theo quy luật cung - cầu.
Khi tổ chức thi sắc đẹp nhưng bị lợi ích kinh tế chi phối sẽ dễ dẫn đến việc các công ty tổ chức sự kiện muốn có một cuộc thi hoành tráng và yếu tố chuyên môn cũng quan trọng nhưng nhiều khi bị xếp ở vị trí thứ yếu.
Mong muốn của Nghị định 144 đơn giản chỉ là đưa các cuộc thi sắc đẹp trở về đúng vị trí của nó và phù hợp với thông lệ quốc tế. Như vậy, để tránh tình trạng loạn danh hiệu sắc đẹp, ngoài việc trả lại vị trí vốn có cho danh hiệu này, nhận thức xã hội cần có sự thay đổi, và chế tài xử phạt cũng như các quy định liên quan khác cần tạo điều kiện để các cuộc thi sắc đẹp không bị lợi dụng cho các mục đích khác.
Theo các chuyên gia, để quản lý cần có những giải pháp mang tính tổng thể, không chỉ đến từ ngành văn hóa.
Đầu tiên, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa của các cuộc thi sắc đẹp, để tránh những ngộ nhận, hiểu lầm về giá trị của cuộc thi này. Đồng thời, khi đã có các quy định xử phạt thì cần phải tiến hành xử phạt nghiêm khắc, mang tính chất làm gương để trở thành bài học cho các công ty tổ chức sự kiện.
Minh An
kinhtedothi.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC