Vì sao Bitcoin không còn an toàn

"Sổ cái" - tính năng ưu việt nhất của Bitcoin - đang thành điểm yếu chí mạng của tiền ảo này vì không được kiểm soát.

132 1 Vi Sao Bitcoin Khong Con An Toan

"Sổ cái" là nơi ghi lại toàn bộ thay đổi trong chuỗi khối của Bitcoin. Mỗi thông tin giao dịch đều được ghi lại, không thể chỉnh sửa và cho phép tất cả người sử dụng truy cập, kiểm tra và đọc lại.

Tuy nhiên, rất ít người chơi Bitcoin bận tâm đến việc dùng sổ cái để xác minh giao dịch. Họ thường mua bán trên một sàn giao dịch nào đó mình tin tưởng. Đó là lý do "sổ cái" từ một tính năng nổi bật của tiền điện tử đang trở thành công cụ lưu trữ tài liệu an toàn mà ít người để ý.

Một giao dịch Bitcoin thông thường cũng có thể lưu trữ bằng chứng phạm pháp giữa người mua, kẻ bán.

Theo Wired, vài năm trước, người ta bắt đầu phát hiện ra những thông điệp, nội dung lạ được nhúng vào trong "sổ cái". Có những đường dẫn đến các bức ảnh của Nelson Mandela hay bài viết tiết lộ về Satoshi Nakamoto - người được cho là cha đẻ của Bitcoin. Không ít nội dung được ghi trong giao dịch Bitcoin là những quảng cáo, lời cầu nguyện, thậm chí có cả nội dung khiêu dâm, tài liệu bất hợp pháp. Tất cả nội dung ghi trong sổ cái đều được ẩn danh.

Điều này khiến nhiều người nổi tiếng, doanh nghiệp và chính phủ các nước đặc biệt lo ngại.

Khi một ai đó thêm nội dung mới lên "sổ cái", nó gần như bất khả xâm phạm nhờ công nghệ blockchain. Chỉ với 10 cent, bất kỳ ai cũng có thể tạo ra một giao dịch giả để dùng sổ cái, ghi các thông điệp muốn lưu trữ, tuyên truyền lên sổ cái. "Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó thêm một loạt văn bản bị chính quyền Trung Quốc cấm? Một loạt bài phát biểu chính trị liên quan đến Singapore hay phim hoạt hình mà Disney giữ bản quyền?", Wired đặt câu hỏi.

Việc chỉnh sửa, thay đổi nội dung trong "sổ cái" sẽ tạo ra một phiên bản hoàn toàn mới (fork) dựa trên đồng tiền mã hoá cũ. Đã có nhiều bản fork của Bitcoin được tạo ra nhưng không phiên bản nào thay thế được đồng tiền điện tử này. Đó là lý do vì sao những thông tin được lưu trong "sổ cái" gần như không thể chỉnh sửa hoặc xoá.

Không có cơ quan trung ương nào quản lý Bitcoin và blockchain. Mọi người đều ngang hàng nhau khi tham gia vào mạng lưới giao dịch hoặc trở thành một thợ mỏ. Khác biệt duy nhất nằm ở những con số về phần cứng, khả năng thực hiện các phép tính để khai thác tiền được mã hóa.

132 2 Vi Sao Bitcoin Khong Con An Toan

Internet, mạng xã hội đang thay đổi đáng kể cách con người giao tiếp. Chính phủ các nước phải dùng đến luật pháp để duy trì sự "ổn định" cần thiết. Ngay cả những nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube cũng xem kiểm duyệt như một phần trách nhiệm với cộng đồng. Nhưng Bitcoin thì khác. Tính ẩn danh, không thể sửa đổi ban đầu là tính năng tuyệt vời, nhưng khi nó được dùng với mục đích xấu và không thể kiểm soát thì nó có thể trở thành "gót chân Asin" của tiền điện tử.

Các nhà lập pháp trên khắp thế giới có lý do để xem đây là nguy cơ tiềm ẩn, từ ban hành các lệnh cấm triệt để. Ấn Độ là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa ra dự thảo về việc khai thác, giao dịch Bitcoin là phạm pháp.

Vẫn có một cách để Bitcoin được lưu hành một cách hợp pháp - đó là tạo ra các bản "fork" cho mỗi quốc gia, vùng địa lý khác nhau. Chúng sẽ hoạt động theo luật pháp quy định. Nhưng nếu như thế, tính toàn vẹn của "sổ cái" không còn mang nhiều giá trị. Đồng Bitcoin mất đi sức hút - đó là mối nguy lớn nhất với Bitcoin.

Kim Cương (theo Wired)

Nguồn: vnexpress.net


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày