Giới hạn nguồn cung và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bơm tiền tràn lan khiến giá Bitcoin tăng phi mã. Ảnh: Reuters.
Theo Bloomberg, nhà giao dịch tiền mã hóa Sam Bankman-Fried (có trụ sở tại Hong Kong) phải tranh thủ chợp mặt trên bàn làm việc. Anh làm việc 18 tiếng/ngày khi nhu cầu đầu tư vào tiền thuật toán tăng cao.
Ở một cuộc đấu giá tại Wellington (New Zealand), ông Darryl Harper tuyên bố thị trường nhà đất New Zealand "quá dã man". Những ngôi nhà bị nâng giá lên hàng trăm nghìn USD so với định giá chính thức.
Tại thành phố Makati (Philippines), Giám đốc tài chính Corazon Dizon của AC Energy Corp choáng váng bởi nhu cầu quá cao đối với một trái phiếu môi trường trị giá 300 triệu USD.
Những tình huống trên có chung một nguyên nhân. Đó là dòng tiền rẻ từ các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, tài sản tăng giá, mọi người thay đổi cách chi tiêu, đầu tư và tiết kiệm. Đến nay, giới đầu tư vẫn chưa biết đến khi nào "vòi bơm tiền" mới tắt.
Khi bơm tiền vào nền kinh tế, các ngân hàng trung ương hy vọng các công ty sẽ tăng đầu tư và thuê lao động, giúp người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu. Tuy nhiên, tác dụng phụ không thể tránh khỏi là một cuộc săn lùng lợi nhuận trên toàn cầu, dẫn đến biến động mạnh của thị trường tài chính. Giá tài sản tăng vọt, hủy hoại sự ổn định thị trường trước khi nền kinh tế kịp hưởng lợi từ các gói cứu trợ.
Khi nền kinh tế toàn cầu chưa kịp hưởng lợi đáng kể từ các gói cứu trợ, thị trường tài chính đã biến động mạnh. Ảnh: Reuters.
Bơm tiền mạnh tay
Dấu hiệu của các bong bóng đã ở mọi nơi. Giá cổ phiếu tăng mạnh chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng dot-com, IPO (phát hành nổ phiếu lần đầu ra công chúng) bùng nổ, giá Bitcoin thiết lập kỷ lục mới. Tuy nhiên, Bloomberg cảnh báo thị trường sẽ chao đảo nếu thu nhập của các công ty không như kỳ vọng, hoặc việc triển khai vaccine bị đình trệ.
Khi đại dịch dẫn đến các lệnh phong tỏa ở nhiều nơi trên thế giới, hầu hết ngân hàng trung ương đã vào cuộc. Họ giảm lãi suất xuống gần 0, tăng mua tài sản, thậm chí chi tiền cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Đa số ngân hàng cam kết giữ nguyên các chính sách trong vài năm tới.
Trong năm 2020, các chính phủ đã triển khai ít nhất 12.000 tỷ USD kích thích tài chính, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Những ngân hàng trung ương cũng cung cấp thêm hàng nghìn tỷ USD hỗ trợ.
Các gói cứu trợ đã có tác dụng. Thị trường trái phiếu toàn cầu trở nên ổn định. Thị trường chứng khoán tăng điểm. Đồng tiền ở những quốc gia mới nổi mạnh lên. Kết quả là lãi suất rơi xuống mức cực kỳ thấp.
Tính đến ngày 31/12, các khoản vay có tổng giá trị 17.800 tỷ USD đã được giao dịch với lãi suất thực tế âm. Tại Mỹ, lãi suất của trái phiếu rác thậm chí còn thấp hơn nhiều lãi suất của những trái phiếu uy tín hồi đầu năm.
“Các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đã tạo bong bóng", bà Alicia García-Herrero, Trưởng bộ phận châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis SA (Hong Kong), nhận định. Bà nhấn mạnh rằng thị trường tài chính đang bùng nổ chẳng hề liên quan đến sự phục hồi kinh tế.
Nợ của các ngân hàng trung ương lớn tăng vọt. Ảnh: Bloomberg.
"Các ngân hàng trung ương đang giảm lợi nhuận của những tài sản an toàn để tăng nhu cầu đối với các tài sản rủi ro. Họ biết điều đó. Một khi làm vậy, bong bóng sẽ xuất hiện. Nhưng cái giá phải trả cho việc không làm gì thậm chí còn cao hơn", bà giải thích.
Trong một cuộc đấu giá ở Wellington hồi tháng 11, một ngôi nhà nhỏ có ba phòng ngủ, rộng 80 m2 được bán với giá 945.000 NZD (678.000 USD), cao hơn định giá chính thức hàng trăm nghìn USD. Cùng với sự thiếu hụt nguồn cung, chương trình cắt giảm lãi suất và mua trái phiếu của Ngân hàng Dự trữ New Zealand đã đẩy giá nhà lên cao.
Không thể mua ngôi nhà đầu tiên vì giá tăng cao, cô Harriette McClelland, gần 30 tuổi, bày tỏ nỗi thất vọng. "Lãi suất thấp đã khiến mọi thứ leo thang", cô than vãn.
Cô McClelland không phải người duy nhất thất vọng khi dịch Covid-19 làm gia tăng bất bình đẳng giàu nghèo. Theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg, tài sản của 500 tỷ phú giàu nhất thế giới đã tăng 1.800 tỷ USD lên 7.600 tỷ USD bất chấp đại dịch.
Bloomberg nhận định sự bất bình đẳng ngày càng trầm trọng khi các ngân hàng trung ương đẩy thị trường tài chính lên cao, nhưng chẳng làm gì nhiều để tăng thu nhập hoặc tạo việc làm trong nền kinh tế thực.
Bong bóng ở mọi nơi
Giá Bitcoin cũng tăng hơn 300% trong năm 2020. Theo ông Scott Minerd của Guggenheim Investments, tiền mã hóa sẽ tiếp tục tăng giá do giới hạn nguồn cung và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bơm tiền tràn lan. Dù giá Bitcoin đã điều chỉnh tới 21% trong tháng 1/2021, ông Minerd vẫn tin rằng đồng tiền này có thể đạt 400.000 USD/BTC.
"Môi trường lãi suất thấp khiến nhiều doanh nghiệp quyết định: 'Hãy bỏ tiền vào Bitcoin'. Tôi làm việc 17-18 tiếng/ngày và phải tranh thủ chợp mắt mỗi khi có thể ở văn phòng. Tất cả chỉ số đều đang tăng lên", anh Sam Bankman-Fried kể.
Bong bóng sẽ không phải một vấn đề kinh tế cho đến khi chúng vỡ vụn. Mọi chỉ số tăng lên bất chấp dịch Covid-19. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế toàn cầu sẽ cần một sự phục hồi mạnh mẽ như kỳ vọng - vốn đã được phản ánh trên thị trường chứng khoán.
Theo dữ liệu được Bloomberg tổng hợp, những đợt IPO từ Snowflake đến Airbnb đã nâng khối lượng IPO lên mức kỷ lục 175 tỷ USD. Một ước tính chỉ ra lợi nhuận ngày đầu tiên của các đợt IPO trong năm 2020 là 40%, mức cao nhất từ trước đến nay.
Các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) cũng huy động được hơn 60 tỷ USD vào năm 2020. Con số này cao hơn cả thập kỷ trước đó cộng lại. Thông qua thu mua hoặc sáp nhập, SPAC có thể đưa doanh nghiệp ra đại chúng mà không cần thông qua quy trình IPO truyền thống.
Với tất cả tác động - từ các ngân hàng trung ương, trái phiếu chính phủ, chứng khoán, bất động sản cho đến những thị trường mới nổi, điều gây lo ngại nhất là quả bom nợ mới. Theo Viện Tài chính Quốc tế, tổng khoản vay (cả công lẫn tư) đã tăng 15.000 tỷ USD trong ba quý đầu năm 2020 lên mức kỷ lục 272.000 tỷ USD.
Khi các ngân hàng trung ương dừng chính sách nới lỏng, thị trường trái phiếu toàn cầu sẽ chao đảo. Hồi năm 2013, Chủ tịch FED, khi đó là ông Ben Bernanke, tuyên bố sẽ cắt giảm chương trình nới lỏng, lãi suất Kho bạc Mỹ tăng cao, gây chấn động thị trường thế giới.
Một vấn đề khác là những điều kiện tài chính lỏng lẻo có thể làm suy yếu năng suất dài hạn của quốc gia. Đó là khi các chính phủ và doanh nghiệp được vay với lãi suất thấp đến mức không còn động lực để cải thiện, nhằm sửa chữa những vấn đề ngắn hạn như mất việc làm.
Ông Jerome Jean Haegeli tại Viện Swiss Re (Zurich) nhận định các ngân hàng trung ương của những nền kinh tế tiên tiến đang rơi vào "hố đen thanh khoản toàn cầu". "Việc bơm tiền chỉ có tác dụng câu giờ và đẩy giá tài sản lên, nhưng không hề có tác dụng cải thiện xu hướng tăng trưởng kinh tế", ông nhấn mạnh.
"Giống như một hố đen, một khi đã ở trong đó, quý vị rất khó thoát ra. Đó là câu chuyện của các ngân hàng trung ương vào thời điểm này", ông nói thêm.
Thảo Cao
Nguồn: zingnews.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC