Tòa án Mỹ tuyên bố cứng rắn Google là 'kẻ độc quyền'

Phán quyết đầy cứng rắn của tòa Mỹ tuyên Google là "kẻ độc quyền" giáng một đòn đáng kể vào quyền lực của các gã khổng lồ công nghệ trong kỷ nguyên Internet hiện đại và có thể tạo ra nhiều thay đổi lớn.

1 Toa An My Tuyen Bo Cung Ran Google La Ke Doc Quyen

Văn phòng của Google ở New York, Mỹ. Các thỏa thuận độc quyền đã giúp Google thống trị mảng dịch vụ tìm kiếm nhiều năm qua - Ảnh: AFP

Ngày 5-8, thẩm phán Amit P. Mehta tuyên Google đã lạm dụng độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến. Đây là phán quyết cho vụ kiện của Bộ Tư pháp và các bang với Google, trong đó cáo buộc công ty này củng cố vị trí thống trị một cách bất hợp pháp, bao gồm trả tiền cho các công ty khác, như Apple và Samsung, hàng tỉ USD mỗi năm để cài đặt Google làm công cụ tìm kiếm mặc định trên điện thoại và trình duyệt web của mình.

"Google là một nhà độc quyền và họ đã hành động như vậy để duy trì thế độc quyền của mình", thẩm phán Mehta nhấn mạnh.

Trong một thời gian dài, Google được coi là bất khả xâm phạm. Có lẽ đây là tập đoàn quyền lực nhất trong lịch sử loài người.Nhà hoạt động chống độc quyền Barry Lynn thuộc Viện Thị trường mở của Mỹ nhận định trên tờ Washington Post.

Bỏ tiền giành thế độc tôn

Khi khởi kiện vào năm 2020, Chính phủ Mỹ cho rằng sự độc quyền giúp Google kiếm hàng tỉ USD mỗi năm. Bộ Tư pháp cho biết công cụ tìm kiếm của Google đã xử lý gần 90% số lượt tìm kiếm trên web.

Google cũng đã chi hàng tỉ USD mỗi năm để trở thành công cụ tìm kiếm tự động trên các trình duyệt như Safari của Apple và Firefox của Mozilla. Chính quyền Mỹ cho rằng động thái này của Google chèn ép cơ hội phát triển của các đối thủ cạnh tranh, giúp Google tiếp tục thu thập nhiều dữ liệu người dùng để khiến công cụ của họ chiếm ưu thế mà không phải đầu tư nâng cao chất lượng.

Thẩm phán Mehta đã đứng về phía Chính phủ Mỹ, cho rằng trong hơn một thập niên, những thỏa thuận trên "đã giúp Google phát triển đến quy mô mà các đối thủ của họ không thể sánh được". Ông Mehta cho biết Google đã trả 26,3 tỉ USD chỉ riêng trong năm 2021 để đảm bảo vị trí công cụ mặc định và thống trị thị phần.

"Công cụ mặc định là tài sản cực kỳ có giá trị. Tất nhiên Google nhận ra rằng việc mất vị trí này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh. Chẳng hạn Google đã dự đoán việc mất vị thế mặc định trên Safari sẽ dẫn đến giảm đáng kể lượng tìm kiếm và mất hàng tỉ USD doanh thu", ông Mehta giải thích.

Ông cũng nhấn mạnh sự độc quyền của Google đã giúp họ tăng giá một số quảng cáo tìm kiếm. "Việc tăng giá quảng cáo không giới hạn đã thúc đẩy doanh thu tăng trưởng đáng kể của Google và cho phép họ duy trì lợi nhuận hoạt động cao và ổn định đáng kể" - ông nói, đồng thời khẳng định phán quyết của ông không ảnh hưởng đến sự cạnh tranh trên thị trường.

"Chiến thắng Google là thắng lợi lịch sử cho người dân Mỹ. Không công ty nào, dù lớn đến đâu và có sức ảnh hưởng đến mấy, có thể đứng trên luật pháp" - Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland tuyên bố. Còn người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói:

"Người Mỹ xứng đáng có một mạng Internet miễn phí, công bằng và cởi mở với cạnh tranh". Trong khi đó, ông Kent Walker, chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Google, khẳng định công ty ông sẽ kháng cáo.

Quyết định lịch sử

Theo Reuters, các tranh cãi tiếp theo ở tòa phúc thẩm hay thậm chí lên tới tòa tối cao có thể kéo dài trong năm tới hoặc năm 2026 trước khi có thể xác định mức phạt cho Google. Người dùng có thể chưa thấy sự thay đổi ngay lập tức, nhưng phán quyết sẽ tác động mạnh đến hoạt động của Google như buộc chấm dứt các thỏa thuận của công ty này với các nhà sản xuất thiết bị và cung cấp dịch vụ trực tuyến.

Nó cũng sẽ ảnh hưởng rộng khắp nền kinh tế, khiến một số đối tác của Google mất một khoản thu đáng kể. "Nó phát tín hiệu rõ rằng các hợp đồng độc quyền của một công ty độc quyền là vi phạm pháp luật" - chuyên gia Diana Moss của Viện Chính sách tiến bộ đánh giá.

"Ngoài ra, tòa có thể đưa ra các biện pháp "khắc phục" như buộc các công ty thông báo cho người dùng biết về các công cụ tìm kiếm khác" - giáo sư luật Rebecca Allensworth của ĐH Vanderbilt nhận định với Đài CNN, cho rằng tiền phạt cũng không "nhằm nhò" gì với công ty có lợi nhuận khủng như Google. Các quan chức Mỹ cũng từng đề cập khả năng chia nhỏ Google như một cách đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.

Phán quyết của ông Mehta là chiến thắng lớn đầu tiên của chính quyền Mỹ trước các Big Tech kể từ vụ kiện Microsoft với cáo buộc "ép" người dùng hệ điều hành Windows phải sử dụng trình duyệt Internet Explorer. Nó cũng bật đèn xanh cho các cơ quan chống độc quyền hành động. Trong bốn năm qua, các cơ quan chống độc quyền liên bang cũng đã kiện Meta, Amazon và Apple vì duy trì độc quyền một cách bất hợp pháp.

Tuy nhiên, đây có thể là cơ hội cho các đối thủ của Google như Microsoft, OpenAI đang dốc sức vào tích hợp trí tuệ nhân tạo. "Người chiến thắng lớn nhất trong phán quyết hôm nay không phải là người tiêu dùng hay các công ty công nghệ nhỏ, mà là Microsoft" - ông Adam Kovacevich thuộc Tổ chức Chamber of Progress bình luận.

89,2% và 94,9%

Sự độc quyền đã đưa Google thành công cụ tìm kiếm được dùng nhiều nhất trên thế giới và mang lại hơn 300 tỉ USD doanh thu hằng năm, phần lớn từ quảng cáo tìm kiếm. Google hiện chiếm 89,2% thị phần dịch vụ tìm kiếm nói chung và lên 94,9% trên thiết bị di động. Theo một nghiên cứu gần đây, công cụ tìm kiếm của Google xử lý khoảng 8,5 tỉ truy vấn mỗi ngày trên toàn thế giới, tăng gần gấp đôi so với 12 năm trước.

TRẦN PHƯƠNG

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày