Tháng trước, Bắc Kinh đã kêu gọi các biện pháp ngăn chặn hoạt động khai thác Bitcoin trong bối cảnh lo ngại về tác động môi trường. Điều này đã dẫn đến việc những người khai thác tiền số bỏ chạy khỏi Trung Quốc để đến các khu vực khác, chẳng hạn như Bắc Mỹ.
Cuối tuần qua, nước này tiếp tục đẩy mạnh cuộc càn quét khi nhà chức trách ở tỉnh Tứ Xuyên – khu vực giàu thủy điện của đất nước – ra lệnh cho các công ty khai thác tiền kỹ thuật số đóng cửa hoạt động.
Theo báo cáo, hơn 90% công suất khai thác Bitcoin của Trung Quốc ước tính sẽ phải dừng. Người ta cho rằng, khoảng 65% đến 75% tổng số hoạt động khai thác Bitcoin trên toàn cầu diễn ra ở nước này. Động thái của Bắc Kinh không phải là tin tốt với thợ đào trong nước, nhưng có thể giúp các mỏ nước ngoài hưởng lợi.
Cáp mạng LAN cắm vào máy chủ khai thác Bitcoin trong Nhà máy Bitminer ở Florence, Italy ngày 6/4/2018. Ảnh: Reuters.
Để thấy được điều này, cần nhắc lại bản chất của việc gọi là “đào” Bitcoin. Khi nghĩ đến khai thác mỏ, hình ảnh một mỏ vàng với những chiếc cuốc và xẻng có lẽ là điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí bạn. Nhưng khai thác Bitcoin không giống như đào vàng hoặc các kim loại quý khác.
Đồng tiền kỹ thuật số này được củng cố bởi một mạng lưới máy tính rộng lớn trên khắp thế giới. Những máy tính này chạy đua để giải các thuật toán phức tạp. Quá trình này tạo ra Bitcoin mới, là phần thưởng cho người khai thác khi thành công.
Hiện tại, phần thưởng cho các thợ đào được giới hạn ở mức 6,25 Bitcoin. Nó từng là 12,5 Bitcoin, nhưng vì tổng nguồn cung của Bitcoin bị giới hạn ở 21 triệu nên số lượng Bitcoin thưởng cho các thợ đào sẽ giảm đi một nửa sau mỗi 4 năm. Là người đầu tiên khai thác một khối Bitcoin mới, Alyse Killeen, Nhà sáng lập công ty liên doanh Stillmark, giải thích rằng đây là một “trò chơi may rủi ngẫu nhiên”.
Sau chiến dịch đóng cửa các mỏ Bitcoin, tổng hashrate, tỷ lệ băm, hay còn gọi là sức mạnh xử lý của mạng Bitcoin dường như đã giảm mạnh. Giữa tháng trước, hashrate của Bitcoin đã giảm từ mức kỷ lục 180,7 triệu terahashes mỗi giây – thước đo tốc độ của phần cứng khai thác tiền điện tử. Đến hôm thứ tư (23/6), hashrate giảm xuống còn khoảng 116,2 triệu mỗi giây, theo dữ liệu của Blockchain.com.
Các chuyên gia tiền điện tử nói rằng, với việc nhiều thợ đào Bitcoin ngoại tuyến hơn do các hạn chế của Trung Quốc, thị phần của các thợ đào khác trong mạng lưới sẽ tăng lên, có khả năng khiến việc khai thác trở nên sinh lợi hơn nhiều.
“Khi càng nhiều hashrate rơi ra khỏi mạng, độ khó sẽ điều chỉnh giảm xuống và hashrate còn hoạt động trên mạng sẽ nhận được nhiều hơn cho phần thưởng khai thác theo tỷ lệ của họ”, Kevin Zhang, Phó chủ tịch của công ty khai thác tiền điện tử Foundry, giải thích.
Trong khi đó, độ khó mạng Bitcoin – thước đo mức độ khó khai thác Bitcoin – đã giảm từ mức kỷ lục trên 25 nghìn tỷ vào tháng 5, còn 19,9 nghìn tỷ vào tuần trước. Độ khó khai thác được điều chỉnh khoảng hai tuần một lần, do đó, dữ liệu có độ trễ về thời gian. “Độ khó mạng giảm xuống khi có ít thiết bị khai thác trực tuyến hơn. Điều này dẫn đến ít cạnh tranh hơn cho các thợ đào Bitcoin khác”, Killeen cho biết.
Diễn biến giá Bitcoin trong 30 ngày qua, với lần rơi xuống thấp nhất hôm 22/6, Ảnh: Coinmarketcap.
Tuy nhiên, một yếu tố lớn khác quyết định lợi nhuận cho những người khai thác Bitcoin là giá của nó. Từ mức đỉnh hơn 65.000 USD vào tháng 4, đồng tiền số này đã giảm giá mạnh trong những tháng gần đây do những bình luận tiêu cực từ Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk và quyết định trấn áp của Trung Quốc.
Hôm thứ ba (22/6) Bitcoin thậm chí còn xuống dưới mốc 30.000 USD, nhanh chóng xóa sạch mức tăng của năm 2021, trước khi hồi phục trở lại để giao dịch quanh mức 33.000 USD trưa nay (24/6).
Nguồn: Vnexpress/theo CNBC
© 2024 | Thời báo ĐỨC