Tàu vũ trụ chụp ảnh Mặt Trời gần nhất lịch sử

Ảnh Mặt Trời ghép từ 25 bức ảnh ở khoảng cách 75 triệu km do tàu Solar Orbiter chụp hôm 7/3 hé lộ thông tin hữu ích về khí quyển.

1 Tau Vu Tru Chup Anh Mat Troi Gan Nhat Lich Su

Tàu vũ trụ Solar Orbiter của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) chụp bức ảnh cận cảnh nhất từ trước đến nay về Mặt Trời, hé lộ những chi tiết nhỏ về vành nhật hoa – lớp khí quyển ngoài của ngôi sao này. Bức ảnh được chụp hôm 7/3, khi Solar Orbiter nằm giữa Trái Đất và Mặt Trời, cách mỗi thiên thể khoảng 75 triệu km.

Một trong những công cụ hoạt động ở lần chụp này là Máy ảnh Cực tím Năng lượng cao (EUI), dùng để quan sát vũ trụ ở phần năng lượng cao nhất của dải cực tím trong quang phổ điện từ. ESA cho biết, do Solar Orbiter bay quá gần nên EUI phải chụp 25 bức riêng lẻ để tạo thành hình ảnh toàn bộ đĩa Mặt Trời. Nhóm vận hành EUI mất 4 tiếng để chụp tất cả các ảnh vì mỗi ảnh cần khoảng 10 phút, bao gồm cả thời gian cần thiết để điều chỉnh tàu vũ trụ.

Từ khi Solar Orbiter phóng lên không gian vào tháng 2/2020, đội điều khiển dưới mặt đất đã dần thu hẹp quỹ đạo của con tàu quanh Mặt Trời. Hai điểm cận nhật trước – điểm gần Mặt Trời nhất trong quỹ đạo hình elip của tàu vũ trụ – cách Mặt Trời khoảng 77 triệu km hay một nửa khoảng cách Mặt Trời – Trái Đất. Tuy nhiên, Solar Orbiter đang hướng đến khoảng cách gần hơn nhiều.

18h50 ngày 26/3 (giờ Hà Nội), tàu vũ trụ sẽ bay qua Mặt Trời ở khoảng cách chỉ 48,3 triệu km, tương đương 1/3 khoảng cách Mặt Trời – Trái Đất, theo nhà khoa học Yannis Zouganelis thuộc dự án Solar Orbiter của ESA.

Sau đó, khoảng cách giữa Solar Orbiter với Mặt Trời sẽ bắt đầu tăng trở lại, nhưng những chuyến tiếp cận trong tương lai sẽ đưa con tàu đến gần hơn, chỉ cách bề mặt Mặt Trời 42 triệu km.

Chưa tàu vũ trụ trang bị camera nào từng đến gần ngôi sao này như vậy. Tàu Parker Solar của NASA tới gần Mặt Trời hơn, chỉ cách vài triệu km, nhưng do nhiệt độ cực cao ở khoảng cách này mà con tàu không thể mang theo camera hướng về phía Mặt Trời.

2 Tau Vu Tru Chup Anh Mat Troi Gan Nhat Lich Su

Mặt Trời trong ảnh chụp của tàu Solar Orbiter ở khoảng cách 75 triệu km hôm 7/3. Ảnh: ESA

Trong chiến dịch chụp ảnh hôm 7/3, nhóm vận hành Solar Orbiter cũng chụp bằng công cụ Chụp ảnh Quang phổ Môi trường Vành nhật hoa (SPICE) của con tàu. Công cụ giúp hé lộ sự thay đổi nhiệt độ trong khí quyển Mặt Trời.

Hoạt động nhiệt kỳ lạ của khí quyển Mặt Trời là một trong những bí ẩn lớn nhất về ngôi sao này.

Thay vì lạnh dần, khí quyển Mặt Trời lại nóng hơn đáng kể ở độ cao lớn hơn. Bề mặt Mặt Trời nóng khoảng 5.000 độ C nhưng nhiệt độ của vành nhật hoa hay lớp khí quyển ngoài lại lên tới gần một triệu độ C.

Các phép đo của SPICE hé lộ thông tin về một số lớp khí quyển, từ lớp thấp nhất với mức nhiệt 10.000 độ C cho đến một số nơi thuộc vành nhật hoa với mức nhiệt 630.000 độ C.

Nguồn: Vnexpress


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày