Cùng với một ứng dụng, khẩu trang C-Face Smart có thể phiên âm chính tả, khuếch đại giọng nói của người đeo và dịch lời nói sang tám ngôn ngữ khác nhau.
Các đường cắt ở mặt trước của khẩu trang rất quan trọng đối với khả năng thở, vì vậy khẩu trang thông minh này không cung cấp khả năng bảo vệ chống lại virus corona.
Thay vào đó, nó được thiết kế để đeo bên ngoài một chiếc khẩu trang tiêu chuẩn, CEO Taisuke Ono của Donut Robotics giải thích.
Khẩu trang thông minh có thể dịch sang tám ngôn ngữ khác nhau.
Loại khẩu trang này được làm bằng nhựa trắng và silicone, nó có một micrô kết nối với điện thoại thông minh của người đeo qua Bluetooth. Hệ thống có thể dịch giữa tiếng Nhật và tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Việt, tiếng Indonesia, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp.
Donut Robotics lần đầu tiên phát triển phần mềm dịch thuật cho một robot tên là Cinnamon – nhưng khi đại dịch xảy ra, dự án robot đã bị tạm dừng. Từ đó, các kỹ sư của nhóm nảy ra ý tưởng sử dụng phần mềm của họ trên một chiếc khẩu trang.
Ono đã đồng sáng lập công ty với kỹ sư Takafumi Okabe với mục đích “thay đổi thế giới bằng những robot giao tiếp nhỏ và di động”.
Với vốn đầu tư mạo hiểm, bộ đôi này đã nộp đơn vào Phòng thí nghiệm Haneda Robotics – nhằm tìm kiếm robot để cung cấp dịch vụ cho du khách tại sân bay Haneda của Tokyo.
Theo người phát ngôn của Haneda Robotics Lab, robot sẽ đáp ứng nhu cầu khi lực lượng lao động của Nhật Bản ngày càng giảm, khiến việc tuyển dụng nhân viên trở nên khó khăn hơn.
Robot Cinnamon của Donut Robotics – được thiết kế để cung cấp cho khách du lịch những thông tin hữu ích và giúp họ điều hướng sân bay – đây là một trong bốn nguyên mẫu robot phiên dịch được dự án lựa chọn vào năm 2016.
Phòng thí nghiệm Haneda Robotics cho biết, Cinnamon đã đánh bại đối thủ vì tính thẩm mỹ và thiết kế thân thiện cũng như phần mềm dịch thuật có thể hoạt động tốt trong môi trường nhiều tiếng động.
Ono cho biết thêm, phần mềm Donut Robotics sử dụng máy học được phát triển với sự trợ giúp của các chuyên gia dịch thuật và ngôn ngữ Nhật Bản. Ông tuyên bố rằng, công nghệ này tốt hơn Google API hoặc các công nghệ phổ biến khác” đối với người dùng tiếng Nhật, vì hầu hết các ứng dụng của đối thủ cạnh tranh đều tập trung vào việc dịch sang tiếng Anh”.
Nhu cầu sử dụng khẩu trang của mọi người đang ngày một tăng lên.
Nhóm nghiên cứu bắt đầu thử nghiệm một nguyên mẫu tại sân bay Haneda vào năm 2017 và tiếp tục phát triển công nghệ này.
Nhưng vào đầu năm nay, Covid-19 đã tấn công châu Á và dự án sân bay tạm dừng. Ono nói: “Chúng tôi đang thiếu vốn và tự hỏi làm thế nào để duy trì hoạt động của công ty”.
Nhóm nghiên cứu đã tìm kiếm một giải pháp và nảy ra ý tưởng để điều chỉnh phần mềm của mình cho một sản phẩm có thể bán chạy trong trận đại dịch này.
Một thị trường đang phát triển nhanh chóng
Đại dịch Covid-19 đã dẫn đến sự bùng nổ trong việc bán khẩu trang, với việc đeo khẩu trang nơi công cộng hiện là quy định bắt buộc ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhìn thấy cơ hội kiếm tiền từ công nghệ dịch thuật của họ, Donut Robotics đã khởi động một đợt gây quỹ trên nền tảng huy động vốn cộng đồng Fundinno của Nhật Bản vào tháng 6.
Ono cho biết họ đã huy động được 28 triệu yên (265.000 USD) trong 37 phút. “Thật là ngạc nhiên, vì thường sẽ mất ba hoặc bốn tháng để có được số tiền đó”.
Ono cho biết thêm, làn sóng phân phối đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra tại Nhật Bản, với 5.000 đến 10.000 chiếc khẩu trang có sẵn vào tháng 12. Donut Robotics sẽ không mở rộng ra nước ngoài cho đến tháng 4 năm 2021.
Ono cũng cho biết, chip Bluetooth của khẩu trang có thể kết nối với điện thoại thông minh cách xa tới 32 feet (10 mét). Ông hy vọng chiếc khẩu trang này sẽ làm cho các chuẩn mực giãn cách xã hội mới ở một số địa điểm bao gồm bệnh viện và văn phòng trở nên dễ dàng hơn, từ đó điều kiện cho mọi người giao tiếp tốt hơn.
Theo CNN
© 2024 | Thời báo ĐỨC